Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất 27 năm
Một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây ra tổn thất không nhỏ cho kinh tế Trung Quốc...
Số liệu công bố sáng 15/7 cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc trong quý 2 đạt mức thấp nhất 27 năm.
Theo tin từ CNBC, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 6,2% trong quý 2, mức tăng yếu nhất kể từ quý 1/1992. Đây là một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây ra tổn thất không nhỏ cho kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, mức tăng này nằm trong tầm dự báo trước đó của giới phân tích. Trong quý 1, kinh tế Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo số liệu từ báo cáo của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, trong nửa đầu năm, nền kinh tế nước này tăng 6,3%.
Báo cáo trên nói nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình thế phức tạp, trong đó bất ổn bên ngoài ngày càng gia tăng, nhưng khẳng định Chính phủ nước này sẽ nỗ lực để duy trì tăng trưởng ổn định.
Theo giới chuyên gia, cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua với Mỹ đã gây nhiều áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc.
Một nhà phân tích nói rằng, thay vì số liệu tăng trưởng GDP, ông đang theo dõi sát dữ liệu việc làm của Trung Quốc để đánh giá kỹ hơn về sức khỏe của nền kinh tế này.
"Các nhà máy ở Trung Quốc liệu có đang sa thải công nhân do lượng đơn hàng giảm sút? Nếu điều này xảy ra, mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người dân của Chính phủ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng… Đây là vấn đề rất quan trọng đối với Chính phủ Trung Quốc", ông Colin Graham, Giám đốc đầu tư (CIO) của Eastspring Investments, nhận xét.
Theo ông Graham, có khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ tung thêm các biện pháp kích cầu trong vài tháng tới để giữ tốc độ tăng trưởng không sụt giảm.
"Họ có dư địa chính sách để đảm bảo nền kinh tế không giảm tốc quá nhanh", ông Graham nhận định sau khi dữ liệu GDP quý 2 của Trung Quốc được công bố.
Vị chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,2-6,3% trong 2019, không thay đổi đáng kể so với mức tăng của 2018.
Số liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy xuất khẩu tháng 6 của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái, với nguyên nhân được cho là do thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Nhập khẩu vào Trung Quốc trong tháng 6 cũng giảm do nhu cầu trong nước giảm tốc.
Không chỉ kinh tế Trung Quốc mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt nguy cơ giảm tốc mạnh nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài.
Ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược khu vực châu Á thuộc Mizuho Bank, nói rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm trong quý 2 "có thể gây tác động tiêu cực đối với phần còn lại của châu Á nếu sự suy giảm này thổi bùng mối lo về căng thẳng thương mại".
Trong một báo cáo ra ngày thứ Hai, ông Varathan nói, "điều đáng lo ngại hơn cả là nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh. Điều này phản ánh rủi ro hiệu ứng chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng xấu đến toàn bộ châu Á, nơi Trung Quốc là một thị trường lớn".