Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Để giúp cho cây chè sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sự ra hoa, kết quả, loại trừ các cành già yếu, sâu bệnh, nuôi dưỡng cành búp tươi; huyện Than Uyên đẩy mạnh hướng dẫn Nhân dân tích cực chăm sóc, đốn chè tăng cường sức sống cho cây, tạo bộ khung tán mới và nâng cao năng suất chè.

Về xã Tà Mung vào những ngày đầu tháng 1, chúng tôi gặp cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Than Uyên đang hướng dẫn người dân 2 bản: Đán Tọ, Lun 1 về kỹ thuật chăm sóc, đốn chè. Bà con được cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân, cắt cành, tạo tán, xới cỏ tụ ẩm gốc chè.

Anh Lò Văn Cường, bản Lun 1, xã Tà Mung phấn khởi: “Gia đình tôi trồng 1,7ha chè từ năm 2017, bắt đầu thu hoạch năm 2019 và năm 2021, bán được khoảng 120 triệu đồng. Sau khi kết thúc thời vụ hái khi cây chè ngừng sinh trưởng, tôi được cán bộ chuyên môn trong khối nông nghiệp của huyện hướng dẫn cách đốn chè, làm cỏ, bón phân để cây chè phát triển tốt”.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên hướng dẫn bà con bản Đán Tọ, xã Tà Mung đốn chè.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên hướng dẫn bà con bản Đán Tọ, xã Tà Mung đốn chè.

Khẳng định về hiệu quả kinh tế cây chè mang lại, ông Mua A Thanh, bản Hô Ta, xã Tà Mung tâm sự: “Gia đình tôi có 0,6ha chè trồng từ năm 2017 và bắt đầu thu hoạch năm 2019. Năm 2021, gia đình tôi thu hái bán được 39 triệu đồng. Trồng chè hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây lương thực khác như ngô, khoai, sắn. Trong khi đó, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua với giá thị trường ổn định. Nhờ vậy, đời sống gia đình tôi khá, trang trải cuộc sống và mua được nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền”.

Anh Cao Khánh Toàn - Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho biết: “Thời vụ đốn chè là khi cây chè ngừng sinh trưởng. Đốn khi trời râm mát, không đốn khi trời nắng hanh sẽ làm cho chè bị khô đầu cành. Chúng tôi hướng dẫn bà con cách làm cỏ, vun đất vào gốc chè, đốn chè, tạo tán. Đồng thời, phổ biến một số kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây chè, cách bón phân, làm cỏ, sử dụng các loại phân bón phù hợp, cách sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè. Hướng dẫn cách phát hiện, phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây chè từ khi trồng đến lúc trưởng thành”.

Huyện Than Uyên có tổng 1.556,2ha chè (trồng mới năm 2021 là 209ha) chủ yếu là giống PH8, chè Shan. Trong đó có 823,9ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt 4.000 tấn. Để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, huyện đã ban hành kế hoạch chăm sóc, đốn chè. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã có chè xuống các bản hướng dẫn bà con kỹ thuật đốn, chăm sóc chè.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Nhằm đảm bảo cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương đôn đốc người dân tích cực chăm sóc, làm cỏ, vun xới đất tụ gốc chè. Hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại, chống rét cho cây chè. Các địa phương trong vùng trồng chè cử cán bộ phụ trách các bản bám sát cơ sở, giải đáp những vướng mắc trong quá trình đốn chè. Các bản xây dựng quy ước, hương ước về cấm chăn thả gia súc phá hoại chè; tích cực bảo vệ diện tích chè trồng mới của năm 2021”.

Theo khuyến cáo của huyện, việc chăm sóc cây chè năm thứ 2 khi bón phân cần tiến hành xới sâu cải thiện lý hóa tính đất, xúc tiến hoạt động của bộ rễ chè; bón phân và lấp đất kín. Đối với chè năm thứ 3, cày rãnh sâu 10-20cm, cách gốc 20-30cm, bón phân và lấp kín. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân thực hiện đốn chè đảm bảo thời gian, đúng kỹ thuật của cơ quan chuyên môn.

Huyện tập trung đốn chè thời kỳ kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh đảm bảo cho cây chè có bộ khung tán đồng đều, sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều cành, hình dáng cân đối, nương chè mau khép tán, có khả năng cho năng suất cao và nhiệm kỳ kinh tế dài. Đối với việc đốn chè thời kỳ kiến thiết cơ bản khi vết đốn vát 450, nhẵn, không dập nát, tán phẳng đều. Đốn xong cần tiến hành kiểm tra vết đốn, nếu chưa đảm bảo kỹ thuật phải sửa lại cho đúng kỹ thuật. Riêng đốn chè thời kỳ kinh doanh tập trung đốn từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, khi cây chè ngừng sinh trưởng; tùy thuộc vào tuổi chè và năng suất chè để xác định vị trí đốn cho phù hợp. Việc đốn chè nhằm kích thích các chồi ngủ, chồi nách mọc thành nhiều cành non mới; tạo ra bộ khung tán trẻ, khỏe, tăng diện tích bề mặt tán cho nhiều búp, vừa tầm hái, tăng năng suất lao động.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/%C4%91%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-th%C3%A2m-canh-ch%C4%83m-s%C3%B3c-ch%C3%A8