Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2022. Thời điểm này, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân hăng hái lao động sản xuất để có thêm nguồn thu, hoàn thành tiêu chí thu nhập vào cuối năm nay.
Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại xã vùng cao Sơn Bình. Khác với hình ảnh những ngôi nhà tranh vách nứa nằm nép mình bên những triền đồi như trước đây, Sơn Bình hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Dọc tuyến Quốc lộ 4D là những ngôi nhà xây khang trang mọc lên san sát, nằm xen kẽ là những ruộng chanh leo xanh mướt càng tô thắm thêm vẻ đẹp trù phú của xã vùng cao này.
Cùng với cán bộ xã, chúng tôi đến tham quan mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Vàng Thị Sua ở bản Chu Va 12. Để phát triển kinh tế, chị trồng đa dạng các loại cây, trong đó chú trọng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: dong riềng, thảo quả… Chị Sua phấn khởi nói: “Hiện nay, gia đình tôi trồng 7.000m2 lúa chất lượng cao, hơn 1ha đào chín sớm, 1ha dong riềng, 5ha thảo quả, chanh leo, ngoài ra còn kết hợp với chăn nuôi lợn, gia cầm. Mở thêm dịch vụ xay xát, chở nông sản thuê để có thêm nguồn thu. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm đem lại cho gia đình tôi trên 200 triệu đồng. Kinh tế khá giả hơn, gia đình tôi có điều kiện xây nhà cửa khang trang, lo cho các con ăn học”.
Cùng với gia đình chị Sua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Sơn Bình cũng tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế để tăng thêm thu nhập. Chúng tôi tiếp tục đến thăm mô hình nuôi cá hồi của gia đình anh Giàng A Chìa ở bản Chu Va 8. Ấn tượng của chúng tôi đó là những bể cá được thiết kế khoa học với hàng nghìn con cá đang bơi trông thật thích mắt. Qua câu chuyện với anh Chìa chúng tôi được biết, năm nay anh nuôi 8.000 con cá tầm và cá hồi. Việc chọn cá giống được lựa chọn rất kĩ lưỡng, anh mua trực tiếp từ Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh tại thị xã Sa Pa, đây là cơ sở cung cấp nguồn cá giống đảm bảo chất lượng ở miền Bắc. Hiện nay, đàn cá của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại thu nhập cao.
Anh Giàng A Chìa (Bản Chu Va 8) chia sẻ: “Sau hơn 2 năm nuôi cá nước lạnh, tôi thấy cá hồi, cá tầm phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước ở địa phương. Hiện nay, tôi nuôi 6 bể cá. Để cá sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài quan tâm đến chế độ dinh dưỡng tôi đặc biệt chú trọng đến việc phòng trừ dịch bệnh cho cá như thường xuyên vệ sinh nguồn nước, đồng thời theo dõi, kiểm tra những biểu hiện khác thường để chữa trị kịp thời. Nhờ đó, đàn cá luôn mạnh khỏe, phát triển tốt. Mỗi năm gia đình tôi xuất trên 10 tấn cá, trừ các khoản chi phí đem lại nguồn thu trên 300 triệu đồng”.
Đến nay, xã Sơn Bình đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM, 4 tiêu chí chưa đạt bao gồm: thu nhập, môi trường, hộ nghèo, trường học. Hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28 triệu đồng/năm. Để về đích theo đúng lộ trình vào cuối năm 2022, xã Sơn Bình triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện 4 tiêu chí chưa đạt, trong đó nỗ lực thực hiện tiêu chí thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Định – Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Xác định tiêu chí thu nhập là cốt lõi, nền tảng để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM, thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hăng hái lao động sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây có giá trị kinh tế vào sản xuất như: dong riềng, chanh leo, thảo quả…
Những năm trở lại đây, dong riềng là một trong những cây đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương, (năm nay, xã trồng được 52ha, đạt 120% kế hoạch). Cùng với các loại cây trồng, xã chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc, cá nước lạnh mang lại nguồn thu nhập cao, đây cũng là hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân trên địa bàn. Xã phấn đấu cuối năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm.