Kinh tế tư nhân - động lực phát triển kinh tế quốc gia
Khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 50,5% GDP của nền kinh tế. Vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn này chưa được khơi thông, thu hút và sử dụng hiệu quả cho phát triển. Do đó, cần tạo điều kiện hơn nữa cho khu vực kinh tế này phát triển.
Năm vừa qua, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%.
Sau gần hai năm hoạt động, Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh đã trở thành hãng xe có thị phần thứ hai trong mảng gọi xe công nghệ, chiếm 32% tỷ lệ thâm nhập thị trường và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho lao động Việt.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh cho biết: "Chúng tôi không chỉ đơn thuẩn tạo ra hàng trăm nghìn việc làm vì họ có thể làm ở các công ty khác mà đây là hàng trăm nghìn việc làm xanh, bởi nó vừa giúp ích cho người đi làm, vừa giúp ích cho xã hội bởi. Trong hơn 1,5 năm qua, nó đã giúp chúng ta tiết kiệm hàng trăm tấn CO2 với hơn 800 triệu km xanh".
Bên cạnh câu chuyện giải quyết việc làm, các doanh nghiệp tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững theo định hướng của Chính phủ.
Ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital chia sẻ: "Bây giờ Việt Nam đang chú trọng rất nhiều đến câu chuyện chuyển đổi kép - chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đi kèm với nhau. Bản thân FPT Digital sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những đơn vị khác nhau trong những ngành nghề khác nhau. Chúng tôi giúp doanh nghiệp xoay chuyển mô hình kinh doanh và ứng dụng công nghệ để đẩy nhanh hơn tốc độ vận hành sản xuất".
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Các doanh nghiệp đã tạo ra 60% trong GDP và trên dưới 30% việc làm cho toàn xã hội. Đây là một con số ấn tượng mà tôi nghĩ chúng ta sẽ tạo điều kiện cho khu vực này phát triển để họ được phát triển, làm những việc pháp luật không cấm cũng như tiếp cận công bằng hơn các nguồn lực xã hội về tài chính, đất đai, cơ hội".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước. Do đó, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần thực thi các chính sách tài khóa và tiền tệ ưu đãi, hỗ trợ vốn, công nghệ và lao động có kỹ năng, tay nghề, phù hợp cho kinh tế tư nhân tiến hành sản xuất kinh doanh trong những ngành và lĩnh vực mới.
Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, để phát huy sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cần chú trọng khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của khu vực kinh tế này.