Kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, sáng 7-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.
Bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đến nay, về cơ bản, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh Quochoi.vn
Về vấn đề đăng ký lao động, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, sự thuận lợi cho người đăng ký lao động, đề nghị Chính phủ lưu ý bảo đảm nguồn kinh phí để xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động và hệ thống thông tin về lao động; điều chỉnh, cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu về người lao động; bảo đảm tính liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu (cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,…); có quy định khuyến khích người lao động chủ động đăng ký lao động; nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện khai trình lao động...
Đối với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung này không có trong quy định của Luật hiện hành mà được quy định tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự thảo Luật khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám đã bổ sung nội dung này. Trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.
Về tổ chức dịch vụ việc làm công (Trung tâm dịch vụ việc làm trong Luật hiện hành), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định trực tiếp Trung tâm dịch vụ việc làm mà quy định tổ chức dịch vụ việc làm gồm tổ chức dịch vụ việc làm công (Trung tâm dịch vụ việc làm trước đây) và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (khoản 2 Điều 28), giao Chính phủ quy định điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm công (khoản 6 Điều 28).
Đối với nội dung trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động (khoản 1 Điều 42), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, thuận lợi cho người lao động.
Kiến nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thảo luận ở hội trường về Luật Việc làm (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận với nội dung sửa đổi và đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Đóng góp thêm ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho rằng, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là cơ hội để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế tư nhân và sắp xếp, tinh gọn bộ máy; từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển thị trường lao động một cách bền vững.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh Quochoi.vn
Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung để bảo đảm việc thể chế hóa đầy đủ nhất các chủ trương lớn của Đảng; trong đó cần ưu tiên, hỗ trợ kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững cho người lao động; xem xét phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc; có cơ chế phối hợp liên ngành trong triển khai chính sách giải quyết việc làm.
Quan tâm đến chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, về mức trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật quy định mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng, đây là mức thấp, khó bảo đảm mức sống trong hoàn cảnh người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập. Do đó, đại biểu kiến nghị mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên khoảng 65% mức tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh..., Chính phủ được phép nâng mức hưởng cho người lao động lên tối đa 75%.
Còn theo Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông), hiện nay, Đảng, Nhà nước đang thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị trong cả nước. Từ đó sẽ có một lực lượng lao động từ khu vực Nhà nước gia nhập thị trường lao động. Đây là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, kỷ luật tốt, vì vậy, ban soạn thảo dự thảo Luật cần cập nhật thực tế này để nghiên cứu và có chính sách phù hợp, phát huy tối đa nguồn lực này vào phát triển đất nước.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu kiến nghị với ban soạn thảo dự thảo Luật là cần quy định thời gian nghỉ thai sản của người lao động được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, để đồng nhất quy định với các loại bảo hiểm khác (đều được tham gia bảo hiểm trong thời gian nghỉ thai sản).
Các đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) và đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) kiến nghị ban soạn thảo dự thảo Luật bổ sung lực lượng cán bộ, công chức, viên chức vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, vì lực lượng này cũng là người lao động và có thể đối mặt nguy cơ thất nghiệp. Chính sách này bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm tính công bằng giữa các lực lượng lao động trong xã hội.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội; đồng thời cho biết, cơ quan có thẩm quyền sẽ tổng hợp, nghiên cứu, giải trình các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật một cách tốt nhất. Dự kiến, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 11-6-2025.