Kinh tế tư nhân phải là động lực chính cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế

Theo Chuyên gia kinh tế, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi. Việc phát triển doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng. Phải coi kinh tế tư nhân là động lực chính cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế quốc dân.

Đến năm 2025, cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp

Mới đây (ngày 12/4/2022), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết này, Chính phủ phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

Tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều xác định kinh tế tư nhân là động lực, là xương sống của nền kinh tế. Còn tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đảng, Nhà nước ta xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính đánh giá cao Chương trình hành động của Chính phủ và cho biết, việc Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi.

“Về mức phấn đấu có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, theo tôi có thể thực hiện được. Bởi với 1,5 triệu doanh nghiệp thì số doanh nghiệp vừa và lớn này chiếm không lớn”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Phân tích tầm quan trọng của khối doanh nghiệp tư nhân, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc phát triển doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng. Phải coi kinh tế tư nhân là động lực chính cho giai đoạn tăng trưởng tiếp của nền kinh tế quốc dân. Bởi vì để tạo ra động lực, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh hiện có sang mô hình tốt hơn, hiện đại hơn thì rõ ràng phải dựa vào sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh: “Với hướng phấn đấu như theo Nghị quyết của Chính phủ thì chúng ta đang rất coi trọng kinh tế tư nhân và coi đó như một động lực đổi mới cơ cấu kinh tế, và từ đó làm cho nền kinh tế quốc dân tăng trưởng bền vững hơn, tăng trưởng theo chiều sâu”.

Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, việc phát triển mạnh mẽ khối doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh hơn cho nền kinh tế, buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải đổi mới. “Nếu doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh lên, đóng góp nhiều hơn thì tiếng nói của họ sẽ quyết định hơn, có vị thế, vai trò khác đi. Nếu doanh nghiệp Nhà nước không thay đổi thì sẽ bị ‘chết chìm’. Theo tôi, vấn đề quan trọng là cần phải tìm được điểm mấu chốt của vấn đề để thay đổi được cơ cấu…”, ông Thịnh nêu rõ.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính.

Đầu tư mạo hiểm có thể tạo ra sức bật lớn của nền kinh tế

Cũng tại Nghị quyết số 54/NQ-CP, Chính phủ nêu một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong đó có phát triển các loại thị trường; đặc biệt, là về phát triển thị trường tài chính. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng chính sách, pháp luật khuyến khích đầu tư mạo hiểm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm trình Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 - 2023.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, đầu tư mạo hiểm có thể tạo ra hiệu quả kinh tế rất cao và sức bật lớn của nền kinh tế trong giai đoạn có nhiều ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Vì thế, ngay từ những năm 2000, một số nhà kinh tế ở Việt Nam đã nói đến vấn đề đầu tư kinh doanh mạo hiểm. Ở trên thế giới đã có từ lâu với các Quỹ đầu tư mạo hiểm, các hình thức đầu tư mạo hiểm và các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Ở đó người ta có thể đánh đổi rủi ro lấy cái lợi nhuận.

Việc có Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, có thể tạo ra sức bật lớn của nền kinh tế. Ảnh minh họa

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, với đà ứng dụng phát triển khoa học kĩ thuật vào kinh tế rất nhanh và có hiệu quả trong thời gian gần đây thì đầu tư mạo hiểm chính là đầu tư để giúp doanh nghiệp bứt phát, cũng như ứng dụng các công nghệ mới vào trong sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là tạo ra những ngành nghề mới, những năng suất lao động mới và ứng dụng một cách nhanh nhất các thành tựu của khoa học công nghệ vào trong sản xuất kinh doanh.

“Như vậy, nếu không có Luật Đầu tư mạo hiểm, không có Quỹ đầu tư mạo hiểm thì làm sao có việc ứng dụng đó bởi rất nhiều người không hiểu. Có một số người nhận thức được bắt tay vào làm nhưng không có hành lang pháp lý thì họ sẽ có tâm lý e dè, sợ vướng lao lý. Đặc biệt là trong doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân có việc huy động vốn hay khi thực thi nằm ngoài khuôn khổ pháp lý. Đây như một vật cản của việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh”, ông Thịnh nêu rõ.

Cũng theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, hiện nay, có nhiều cái mới mà doanh nghiệp không biết có nên đầu tư hay không? thì chính việc có Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống. “Như trước đây, phải có dự án, có tài sản đảm bảo mới được vay vốn, nhưng ở đây thì chỉ cần doanh nghiệp cam đoan sẽ sử dụng vốn từ Quỹ một cách hiệu quả, giải trình một cách tương đối đơn giản thì sẽ được cấp vốn. Họ sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro cao nhưng đem lại hiệu quả lớn. Điều này sẽ đem lại sự phát triển một cách mạnh mẽ, ứng dụng một cách tốt nhất, nhanh nhất khoa học kĩ thuật vào sản xuất kinh doanh”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, cần phải có thời gian, có sự nghiên cứu các cơ chế chính sách, có sự học hỏi của các quốc gia khác thì mới có được Luật Đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp thực thi.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-te-tu-nhan-phai-la-dong-luc-chinh-cho-giai-doan-tang-truong-tiep-theo-cua-nen-kinh-te-post189874.html