Kinh tế tuần hoàn đóng góp cho cam kết COP26 như thế nào?

Cùng với chuyển đổi sang năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn là giải pháp cấp thiết để thực hiện hóa cam kết trung hòa carbon.

Tái chế thải ra ít khí thải carbon hơn so với sản xuất mới.

Tái chế thải ra ít khí thải carbon hơn so với sản xuất mới.

Sau cam kết đầy tham vọng tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ, dư luận hướng sự quan tâm tới ngành năng lượng như một lĩnh vực tất yếu cần phải chuyển đổi để thực hiện được mục tiêu trung hòa carbon.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức, đơn vị nghiên cứu như McKinsey, Quỹ Ellen MacAthur… đã chỉ ra, những thay đổi trong ngành năng lượng, bao gồm sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng, sẽ chỉ giúp giảm được khoảng một nửa lượng khí thải.

Điều đó đồng nghĩa với việc cần tìm ra những giải pháp khác để giải quyết nửa phần khí thải còn lại. Kinh tế tuần hoàn được đưa ra như giải pháp cốt lõi cho vấn đề này.

Mới đây, trong Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn mới được Thủ tướng phê duyệt, một mục tiêu của kinh tế tuần hoàn là đóng góp 15% mức giảm phát thải nhà kính hướng tới phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050.

Tuy nhiên, “chức năng” giảm phát thải nhà kính của kinh tế tuần hoàn không được thể hiện rõ ràng như vai trò của mô hình này đối với quản lý rác thải rắn.

Kinh tế tuần hoàn giảm phát thải nhà kính như thế nào?

Kinh tế tuần hoàn được hiểu theo cách đơn giản là một mô hình kinh doanh với đặc điểm thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” bằng việc giảm sử dụng, tái sử dụng, tái chế, phục hồi nguyên vật liệu.

Nhờ đó, mô hình kinh tế tuần hoàn giúp hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và giảm triệt để lượng rác thải xả ra môi trường. Mặt khác, những tài nguyên như rừng, nguồn nước, quần thể sinh vật… cũng sẽ được phục hồi nhờ vào kinh tế tuần hoàn.

Từ đó, Quỹ Ellen MacArthur đưa ra 3 cách kinh tế tuần hoàn tạo ra tác động giúp hạn chế lượng phát thải khí nhà kính.

Thứ nhất, nhờ vào việc kéo dài vòng đời sản phẩm, giữ nguyên vật liệu tồn tại lâu nhất trong chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn giúp tiết kiệm năng lượng sử dụng cho sản xuất, chế tạo. Hoạt động khai thác khoáng sản giảm bớt, hạn chế nhiều loại khí thải độc hại, bao gồm cả khí thải carbon, lưu huỳnh, kim loại nặng…

Phục hồi thời ‘bão giá’ với kinh tế tuần hoàn

Mặt khác, nhiều sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn như chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp; vật liệu xây dựng từ phụ phẩm công nghiệp… khi sử dụng cũng không tạo ra nhiều khí thải so với sản phẩm truyền thống.

Thứ hai, kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp hiệu quả để quản lý chất thải rắn, từ đó giảm được lượng phát thải khí nhà kính xuất phát từ quá trình “chuyển ô nhiễm từ dạng rắn sang khí” do đốt rác, rác hữu cơ phân hủy…

Thứ ba, kinh tế tuần hoàn không chỉ giảm khai thác mà còn phục hồi những hệ sinh thái như rừng, tảo biển… Đây là những “bể chứa carbon” tự nhiên, vừa hấp thu hiệu quả khí thải carbon, vừa tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon có giá trị cao.

Theo Quỹ Ellen MacArthur, để giảm phát thải nhà kính hiệu quả, mô hình kinh tế tuần hoàn cần tập trung vào 5 lĩnh vực chính yếu bao gồm xi măng; nhựa; thép; nhôm và thực phẩm. Thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn cho 5 lĩnh vực này giúp thế giới giảm khoảng 9,3 tỷ tấn khí thải carbon, tương đương với lượng khí thải từ tất cả các hình thức vận tải trên toàn cầu.

Bên cạnh những tác động giảm phát thải trực tiếp, kinh tế tuần hoàn cũng được cho là tạo ra ảnh hưởng gián tiếp tới một số giải pháp khác, ví dụ như năng lượng sạch; điện khí hóa giao thông…

Cụ thể, theo Ủy ban Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), kinh tế tuần hoàn giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nhiều loại tài nguyên quan trọng phục vụ cho chuyển dịch năng lượng hay nghiên cứu phát triển xe điện, ví dụ như lithium, coban, đất hiếm…

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/kinh-te-tuan-hoan-dong-gop-cho-cam-ket-cop26-nhu-the-nao-1654930100533.htm