Kinh tế Ðức đối mặt nhiều thách thức

Ðức-nền kinh tế đầu tàu châu Âu, vừa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Nguy cơ thiếu nguồn cung khí đốt cùng giá năng lượng và các mặt hàng hóa khác tăng cao đang là những thách thức chung mà Ðức và nhiều quốc gia châu Âu phải đối mặt.

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại Ðức giảm mạnh. (Ảnh REUTERS)

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại Ðức giảm mạnh. (Ảnh REUTERS)

Những ngày qua, nền kinh tế Ðức tiếp nhận hàng loạt tín hiệu không mấy khả quan. Bộ Kinh tế Ðức cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2022 chỉ có thể tăng 2,2%, thay vì mức dự báo 3,6% được đưa ra hồi tháng 1 năm nay. Tỷ lệ lạm phát tại Ðức trong tháng 4/2022 đã tăng lên mức 7,4% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức cao nhất trong 40 năm qua. Niềm tin của người tiêu dùng Ðức thì lại thấp xuống mức kỷ lục. Theo Công ty phân tích dữ liệu người tiêu dùng GfK (Ðức), chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Ðức trong tháng 5/2022 được cho là tiếp tục giảm, xuống mức -26,5 điểm. Chỉ số này của tháng 4 là -15,7 điểm. Theo GfK, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền kinh tế Ðức, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại Ðức giảm sâu như vậy.

Sự leo thang giá cả hàng hóa đang là thách thức chung của mọi nền kinh tế, trong đó có Ðức. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, giá năng lượng cùng với các loại hàng hóa khác có thể ở "mức cao trong lịch sử" cho đến hết năm 2024, đe dọa sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Phó Chủ tịch WB về tài chính và tăng trưởng công bằng Indermit Gill nêu rõ, "cú sốc" năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng bởi các hạn chế thương mại, giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng cao. Cụ thể, mức tăng giá năng lượng trong hai năm qua đang là mức tăng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Tại Ðức, giá các mặt hàng thực phẩm đồng loạt tăng, do nguồn cung bị gián đoạn cùng với hậu quả của đại dịch Covid-19. Từ tháng 3 đến 4/2022, riêng giá tiêu dùng ở Ðức đã tăng khoảng 0,8%.

Chính phủ liên bang Ðức mới đây đã tung ra hai gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân. Trong các dự báo gần đây nhất, các nhà kinh tế chưa thể đưa ra được một viễn cảnh rõ ràng, song nhìn chung vẫn nhận định rằng tỷ lệ lạm phát trung bình năm 2022 ở Ðức ở mức trên 6%. Về vấn đề khí đốt, nước Ðức hiện đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt. Bộ trưởng Kinh tế Ðức Robert Habeck đã tiến hành một loạt chuyến công du đến Na Uy, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, giúp Ðức giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Ðức và Na Uy nhất trí nghiên cứu khả năng xây dựng đường ống dẫn hydro giữa hai nước, trong khi đó Ðức đã ký với Qatar một thỏa thuận hợp tác năng lượng dài hạn.

Nền kinh tế Ðức từng được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhưng tình hình căng thẳng ở Ukraine đã "phủ bóng đen" lên triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Âu này. Thực tế trên đòi hỏi Chính phủ Ðức phải nhanh chóng cải thiện tình hình bằng cả những giải pháp ngắn hạn và dài hạn, trong đó, nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt là một nhiệm vụ quan trọng.

BẢO KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thegioi/kinh-te-uc-doi-mat-nhieu-thach-thuc-695601/