Kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024

Kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024 phục hồi nhanh, với những kết quả ấn tượng.

Kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024 phục hồi nhanh, với những kết quả ấn tượng. Kết quả này được các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đánh giá cao và khẳng định, đây là thành quả nỗ lực chung của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, người dân.

Chạy đà, bứt tốc

Xuyên suốt các phiên họp Nghị trường, thảo luận tổ, chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ và “tư lệnh ngành”, đánh giá về tình hình kinh tế xã hội đất nước đều được cử tri cả nước đặc biệt dõi theo. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi nhanh, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) riêng quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu bật, 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (trong ngưỡng Quốc hội giao 4 - 4,5%). Các lĩnh vực phát triển kinh tế đều duy trì đà phục hồi tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8% (năm 2023 giảm 2%); nông nghiệp phát triển ổn định, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 305,5 tỷ USD tăng 16,6%, xuất siêu trên 8,01 tỷ USD...

Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8%; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5%, cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8%, cao nhất trong 5 năm qua; giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,3% kế hoạch; gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 5, cao hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể...

Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với tỷ lệ 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, trong đó, các bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sẽ sớm có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm 5 tháng so với dự kiến.

Việc các bộ luật liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS sớm đi vào cuộc sống được các chuyên gia nhận định có tác động lan tỏa, thúc đẩy hơn 40 ngành kinh tế quan trọng đi lên, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất. Bên cạnh đó, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ổn định về xã hội, lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Quyết liệt các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô

Tại Nghị trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm 2024, đảm bảo cán đích các mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Cụ thể, Chính phủ sẽ tập trung khơi thông các nguồn lực kinh tế, lành mạnh hóa các thị trường, giải quyết vướng mắc pháp lý trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Mặt khác, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động; điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường, nhằm tạo động lực tăng trưởng truyền thống thông qua thúc đẩy đầu tư công các dự án hạ tầng, dự án động lực thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ định hình các lĩnh vực kinh tế mới, các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Ngay trong tháng 6/2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng...

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, để giải quyết những vấn đề “nóng”, kịp thời tháo gỡ các rào cản phát triển nền kinh tế hiện nay, Chính phủ đã và đang chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp bình ổn, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ phát triển du lịch đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, đẩy mạnh liên kết ngành, liên kết địa phương, để tạo ra động lực mới, sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Cùng với đó, mở rộng thị trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường theo các FTA đã ký và kích cầu tiêu dùng, thực hiện tốt cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai hiệu quả quy hoạch điện VIII, bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống; khuyến khích các doanh nghiệp FDI mở rộng hệ thống nhà cung cấp nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng...

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung cao độ để hoàn thành việc xây dựng các văn bản dưới Luật của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Các tổ chức tín dụng và đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 các dự án Luật sửa đổi các Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Thuế... Đây là những giải pháp đặc biệt quan trọng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay đặt ra đối với nền kinh tế.

20/06/2024 05:02

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/long-form/kinh-te/buc-tranh-kinh-te-viet-nam-tu-goc-nhin-nghi-truong-20240620170123178.htm