Kinh tế xanh và thực tiễn phát triển tại Việt Nam hiện nay
Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, khái niệm xanh vẫn còn khá mới mẻ trong tầng lớp dân cư và nhiều doanh nghiệp.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ thiên tai, dịch bệnh. Theo tính toán, trong giai đoạn 2002-2010, thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước thấp nhất là 0,14% GDP (năm 2004) và cao nhất là 2% GDP (năm 2006).
Tính bình quân trong 15 năm qua, thiên tai đã gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP hằng năm. Theo các kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2012), đến cuối thế kỷ XXI, nếu mực nước biển dâng lên 1m có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của khoảng 20% dân số và tổn thất có thể lên tới 10% GDP mỗi năm.
Báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do BĐKH của Tổ chức DARA International (năm 2012) cũng chỉ ra rằng, BĐKH có thể gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do BĐKH ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.
Nhận thức được những tác động của BĐKH đến đời sống của người dân, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế xanh. Từ những năm Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, đặc biệt là từ khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo. Nhiều định hướng, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng đã được ban hành tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện chi tiết tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanhở Việt Nam.
Một số thành tựu trong phát triển kinh tế xanh tế xanh tại Việt Nam
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức trung bình khoảng 5,95% trong giai đoạn từ năm 2009-2020.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2009-2019. (Ảnh: Tapchicongthuong.vn)
Năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 2,91% và quý 1/2021 là 4,48% (trong khi hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm Malaisia -0,5%; Indonesia - 0,74%; Thái Lan -2,6% và Philippines là -4,2%, ngoại trừ Singapore 0,2%).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý 1/2021. (Ảnh: Tapchicongthuong.vn)
Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp, tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ trong GDP
Quý 1/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11.71%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36.45%; khu vực dịch vụ chiếm 42.20%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9.64% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là 11.66%; 35.86%; 42.82%; 9.66%).
Nhà nước đã có nhiều giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các thành phần kinh tế (trong đó, chú trọng FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước) đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh, đầu tư công nghệ mới vào các ngành, các lĩnh vực như chính sách miễn/giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao giống cây con mới với năng suất cao,…
Cơ cấu lao động từng chuyển dịch theo hướng bền vững, giảm dần tỷ trọng lao động trong ngành Nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động trong ngành Công nghiệp, Dịch vụ.
Xu hướng quốc tế đang chuyển đổi sang kinh tế xanh. Trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tăng trưởng xanh hay kinh tế xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia như một động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu và công cụ để phát triển bền vững. Chủ đề này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các diễn đàn khu vực và quốc tế và đang được các nước nghiêm túc xem xét áp dụng.
Thực tế là, tăng trưởng và phát triển kinh tế xanh đã cho thấy vai trò trong việc giúp các quốc gia vừa đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và đặc biệt là bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu. Đã có rất nhiều quốc gia vận dụng mô hình này, như: Đức, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ,… và thu được những kết quả rõ rệt trong tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải.
Còn tồn tại một số hạn chế
Tuy nhiên, xây dựng nền kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Do thiếu nguồn lực vốn (tiết kiệm còn thấp), do chất lượng lao động chưa cao, trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế.
Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI “tăng trưởng hộ”. Cơ cấu kinh tế ngành chưa thực sự chuyển dịch theo hướng bền vững khi ngành Công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Ngành dịch vụ phát triển chậm dần, “ngủ đông” trước đại dịch Covid-19.
Chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Năm 2020, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,61 triệu người, bao gồm 17,74 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33,1% tổng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,51 triệu người, chiếm 30,80% tổng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc; khu vực dịch vụ 19,35 triệu người, chiếm 36,10% tổng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc. Trong khi, cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,72%; khu vực dịch vụ chiếm 41,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,8%.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, các khu vực, ngành nghề kinh tế. Hiện nay, lực lượng lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng (chiếm trên 22%), tiếp đến là khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung (trên 21%) và đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là các khu vực có diện tích đất rộng, tập trung nhiều thành phố lớn, khu đô thị và nhiều khu công nghiệp, thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh nên thu hút đông đảo lao động tập trung ở những khu vực này. Những khu vực chiếm tỷ lệ thấp là những khu vực có diện tích đất hẹp, nhiều đồi núi, ít khu đô thị và khu công nghiệp nên không thu hút nhiều lao động đến đây. Cơ cấu lực lượng lao động phân theo 2 khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch lớn. Nhìn chung, lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng gần 70%. Con số này có xu hướng giảm qua các năm, nhưng vẫn ở mức cao.
Đổi mới sáng tạo tuy đã tăng lên trong thời gian qua, song vẫn là con số khiêm tốn, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế xanh. Hơn nữa, nhận thức hiểu thế nào là một nền kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, cần tiếp tục có những nghiên cứu và phổ biến kiến thức rộng rãi trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được mong muốn, do vậy sẽ khó thực hiện. Nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, các-bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường.
Trên thực tế hiện nay, công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn. Vì vậy, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng của bụi mịn qua các năm biến động bất thường và nếu theo dõi số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 2012 đến nay cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi tại các đô thị vẫn ở ngưỡng cao.
Theo số liệu thống kê về hiện trạng chất lượng không khí tại 3.000 thành phố trên thế giới thì có 64% vượt quá mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (10µg/m3) đối với bụi mịn, còn được gọi là bụi PM2,5. Nếu xếp hạng theo khu vực, Đông Nam Á có 95% các thành phố bị ô nhiễm PM2.5, tương đương với 20 thành phố, trong đó Hà Nội xếp hạng thứ 2 và TP. Hồ Chí Minh xếp hạng thứ 15.