Kinh tế Xây dựng - Giao thông Tiêu thoát lũ vùng đông thành phố

TTH - Các tuyến sông, kênh, hói thuộc phía đông TP. Huế và vùng phụ cận, hiện trạng bị bồi lấp, nhà cửa xâm lấn nhiều năm nay. Dự án Hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê được triển khai sẽ giải quyết 'bài toán' ngập cục bộ, phục hồi môi trường cho vùng đô thị này.

Bèo, rác thải ùn ứ mặt sông Phổ Lợi

Bèo, rác thải ùn ứ mặt sông Phổ Lợi

Bồi lắng, ô nhiễm

Hệ thống các hói tiêu thoát lũ Mộc Hàn, Phú Khê, La Ỷ và sông Phổ Lợi là các tuyến tiêu thoát lũ của các xã, phường Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương thuộc phía đông TP. Huế và một phần huyện Phú Vang. Nhiều năm nay, hiện trạng sông, hói xuống cấp, hẹp dòng chảy khiến việc tiêu thoát lũ bị ảnh hưởng và môi trường cảnh quan ô nhiễm.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng (TP. Huế) cho biết, hói Mộc Hàn, sông Phổ Lợi chảy qua địa bàn trên chiều dài khoảng 4km. Trong đó, hói Mộc Hàn giáp phường Vỹ Dạ, phía bên khu vực thuộc phường này một số đoạn đã được xây dựng kè, còn lại hiện trạng đang xuống cấp, nhếch nhác. Riêng tuyến sông Phổ Lợi dọc theo Quốc lộ 49 hiện nhiều đoạn đã bị bồi lấp, rều rác ứ đọng, nhà lấn ra mặt sông gây ách tắc dòng chảy.

“Hàng năm, phường phải bỏ kinh phí từ ngân sách khoảng 150 triệu đồng trong việc xử lý bèo trên mặt sông. Tuy nhiên, không xử lý dứt điểm được vì bèo sinh sôi lại rất nhanh. Sông, hói bị bồi lấn khiến việc tiêu thoát lũ trong khu vực dân cư của địa bàn phường một số nơi bị hạn chế, dễ gây tình trạng ngập cục bộ khi có mưa lớn”, ông Toàn nói.

Theo Sở NN&PTNT, khảo sát cho thấy, hiện nay, các tuyến hói Mộc Hàn, Phú Khê, La Ỷ và sông Phổ Lợi đã bị bồi lấp nghiêm trọng, cao độ đáy hói trung bình khoảng từ 0,3m đến 0,5m, chiều rộng mặt thoáng trung bình từ 3-7m, lòng hói mọc đầy cây bụi, bèo và các loại cây thủy sinh, hai bên bờ là nhà cửa của người dân gây cản trở dòng chảy khi có mưa lũ.

Ngoài ra, cuối sông Phổ Lợi chảy ra phá Tam Giang qua cống Diên Trường, được xây dựng từ năm 1978 làm nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt phục vụ tạo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân các phường, xã Phú Thượng, Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương;. Phía thượng lưu cống gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 4m, có khẩu độ thoát lũ quá nhỏ so với lòng sông Phổ Lợi, trục thủy đạo sau cống do người dân giăng nò sáo chắn ngang để đánh bắt thủy sản đã gây cản trở dòng chảy.

Từ năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành khảo sát, sớm có phương án triển khai để khơi thông dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, giảm thời gian ngập úng kéo dài trong khu dân cư, vùng sản xuất và cải thiện môi trường khu vực các tuyến kênh, hói này đi qua.

Sớm triển khai dự án

Cuối năm 2021, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án (DA) đầu tư xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1 và phê duyệt điều chỉnh DA đầu tư xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 2 công trình hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê, TP. Huế.

Theo đó, DA có tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 226 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (200 tỷ đồng) còn lại của địa phương. Quy mô đầu tư bao gồm xây dựng mới tuyến kè có tổng chiều dài khoảng 4,8km ven sông Phổ Lợi, sửa chữa đoạn kè xuống cấp có chiều dài gần 700m, nạo vét khơi thông phía thượng lưu cầu Diên Trường có chiều dài hơn 700m và xây dựng mới 2 cầu giao thông qua sông Phổ Lợi; xây dựng tuyến kè gia cố 2 bờ hói Mộc Hàn trên chiều dài 2,5km, nạo vét khơi thông các đoạn còn lại chưa thực hiện thuộc DA cải thiện môi trường nước TP. Huế có tổng chiều dài hơn 1km; nạo vét hói Mậu Tài, La Ỷ và xây mới cống Diên Trường cùng tuyến thủy đạo sau cống.

Theo Sở NN&PTNT, DA được phê duyệt với mục tiêu: Nạo vét khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, giảm thời gian ngập úng kéo dài trong khu dân cư, vùng sản xuất thuộc các phường, xã Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương; chống sạt lở bờ những đoạn xung yếu bảo vệ nhà cửa, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng dọc hai bên sông và hói; khơi thông dòng chảy, tạo cảnh quan môi trường khu vực, thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch sinh thái; đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và giao thông thủy nội địa trong vùng; giảm tối đa ảnh hưởng của dòng chảy lũ cho hơn 300ha vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá dọc hai bên tuyến thủy đạo sau cống Diên Trường và tạo thành tuyến đường đi xe đạp từ TP. Huế về phường Thuận An nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch.

Ông Trần Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình Sở NN&PTNT thông tin, hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt DA đầu tư, giao Ban Quản lý DA Đầu tư và Xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư DA này. Công trình đang triển khai công tác đấu thầu xây dựng, sẽ triển khai thi công sau khi có kết quả phê duyệt lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư.

UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý DA Đầu tư và Xây dựng công trình NN&PTNT phối hợp Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức tiến hành đánh giá hiện trạng, chất lượng công trình cống Diên Trường hiện hữu, khả năng đáp ứng nhiệm vụ, ảnh hưởng đến các khu vực lân cận của DA theo quy định trước khi tiến hành lập thiết kế bản vẽ thi công. Đồng thời, trong thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, chủ đầu tư cần lấy ý kiến của UBND TP. Huế và các đơn vị liên quan về phương án kiến trúc các công trình trên tuyến và các kết cấu có liên quan.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tieu-thoat-lu-vung-dong-thanh-pho-a107958.html