Kinh thành Huế rực rỡ đêm khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế 2024

Khán giả che ô, mặc áo mưa bất chấp thời tiết để theo dõi các tiết mục âm thanh-ánh sáng đặc sắc, mang tinh hoa văn hóa đặc sắc của vùng đất trong Kinh thành Huế.

 Khán giả mặc áo mưa, che ô xem chương trình khai mạc trước Điện Kiến Trung. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Khán giả mặc áo mưa, che ô xem chương trình khai mạc trước Điện Kiến Trung. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Đêm khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế đã diễn ra tối ngày 7/6 tại sân trước Điện Kiến Trung, Kinh thành Huế, mở đầu chuỗi ngày tôn vinh văn hóa của vùng đất cố đô. Điểm nhấn là các màn trình diễn ánh sáng và nghệ thuật, mang màu sắc di sản cổ kính và hiện đại.

Trước giờ khai mạc có mưa lớn, nối tiếp là mưa nhỏ nhưng vẫn có hàng nghìn khán giả đến với chương trình.

Với chủ đề "Khát vọng rạng rỡ ngàn sau," tuần lễ có các màn chiếu laser, 3D mapping trên mặt trước Điện Kiến Trung, các màn biểu diễn bán thực cảnh với hơn 12 đoàn biểu diễn Việt Nam và quốc tế (thuộc 7 quốc gia).

Chương trình khai mạc được chia thành 3 chương. Chương 1 có tên "Cố đô diệu kỳ" gồm 3 phần biểu diễn của đoàn Việt Nam "Thành phố Di sản Cố đô diệu kỳ," "Sơn Thủy hữu tình," "Giọt đàn xứ Huế" "Nàng thơ xứ Huế."

Chương 2 mang tên "Hương sắc hội tụ" gồm màn Quan họ giao duyên, múa truyền thống Trung Quốc, Đờn ca tài tử, múa trống Kobugakudan Nhật Bản và màn diễn của đoàn nghệ thuật châu Âu của Pháp.

Chương 3 là "Rạng rỡ ngàn sau" có tiết mục rap "Food tour xứ Huế," "Dáng lụa áo dài" và màn diễn kết thúc chương trình "Thành phố festival - Thành phố tương lai."

Festival Huế là hoạt động góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, để Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch.

Chương trình cũng đóng góp vào việc thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Tại lễ khai mạc, ông Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhận định sau 24 năm tổ chức, Festival Huế nói chung đã có bước tiến dài, hình thức ngày càng đẹp, vừa thấm đượm màu săc văn hóa dân tộc, vừa thể hiện sự lãng mạn, duyên dáng, trầm sâu và hiện đại của Huế.

 Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa của Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị, về mục tiêu phát triển Huế đến 2023, tầm nhìn đến 20245. "Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Nghị quyết cũng nêu tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Kết quả đạt được sẽ có ý nghĩa không chỉ với Thừa Thiên Huế mà với cả nước.

Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế - nhấn mạnh mục tiêu của Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế. Với 30 đoàn nghệ thuật quốc tế và trong nước, các màn biểu diễn sẽ hòa quyện trong không gian cổ kính của Cố đô có 8 di sản được UNESCO vinh danh.

"Tiếp nối thành công của Festival Huế trước đây, Tuần lễ Festival Huế năm nay sẽ tiếp tục lan tỏa tính cộng đồng. Bên cạnh các chương trình trong Đại Nội Huế, Ban Tổ chức thiết kế nhiều chương trình mở, lễ hội đường phố, các sân khấu cộng đồng để các đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn phục vụ người dân," ông Nguyễn Thanh Phương cho biết.

Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế kéo dài từ ngày 7-12/6 với nhiều hoạt động đặc sắc như Lễ hội đường phố với các đoàn quốc tế biểu diễn, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội hoa đăng, Liên hoan ẩm thực, Ngày hội "Sóng nước Tam Giang," các triển lãm về Phật giáo, cổ vật...

Từ năm 2023, Festival Huế được tổ chức theo định hướng bốn mùa. Năm nay, sự kiện sẽ tiếp tục khai thác các chuỗi lễ hội trải dài trong năm, từng bước xây dựng hệ thống chương trình lễ hội mới, gồm: Lễ hội mùa Xuân - “Xuân Cố đô” (tháng 1-3); Lễ hội Mùa Hạ - “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4-6); Lễ hội Mùa Thu - “Huế vào Thu” (tháng 7-9) và Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (tháng 10-12) điểm nhấn là Tuần lễ Âm nhạc Huế 2024 và kết thúc bằng Chương trình Countdown tạm biệt Festival Huế 2024 - chào đón năm mới 2025.

 Lối vào Ngọ Môn hoành tráng dưới màn bắn đại bác, kèn lệnh, trống hội trước giờ khai mạc. (Ảnh: BTC)

Lối vào Ngọ Môn hoành tráng dưới màn bắn đại bác, kèn lệnh, trống hội trước giờ khai mạc. (Ảnh: BTC)

 Cổng Hiển Nhơn rực rỡ trong đêm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Cổng Hiển Nhơn rực rỡ trong đêm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

 Nón lá, áo dài trắng tạo hình đóa sen trong chương trình khai mạc. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nón lá, áo dài trắng tạo hình đóa sen trong chương trình khai mạc. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

 Trang phục múa cung đình Huế rực rỡ màu sắc và đầy đặc trưng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trang phục múa cung đình Huế rực rỡ màu sắc và đầy đặc trưng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

 Dàn nhạc sỹ chơi nhạc cung đình Huế - âm thanh xuất hiện xuyên suốt và thường xuyên trong chương trình, đan xen với âm nhạc quốc tế, nhạc trẻ hiện đại. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Dàn nhạc sỹ chơi nhạc cung đình Huế - âm thanh xuất hiện xuyên suốt và thường xuyên trong chương trình, đan xen với âm nhạc quốc tế, nhạc trẻ hiện đại. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

 Kiến trúc Kinh thành Huế lung linh trong đêm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Kiến trúc Kinh thành Huế lung linh trong đêm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kinh-thanh-hue-ruc-ro-dem-khai-mac-tuan-le-festival-nghe-thuat-quoc-te-2024-post957927.vnp