Kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Từ ngày 1/7, chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động. Để nguồn vốn tín dụng chính sách hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân.

Kiểm tra tình hình sử dụng vốn chính sách tại xã Hoằng Hóa.
Theo đó, ngay sau khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, NHCSXH Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc đấu mối với các địa phương, tiếp tục triển khai nghiêm túc hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch xã cũ nhằm bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách ổn định, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Tại điểm giao dịch xã Hoằng Hóa, đúng 8 giờ sáng ngày 7/7 - ngày giao dịch đầu tiên tại xã của Phòng Giao dịch NHCSXH Hoằng Hóa kể từ sau khi sáp nhập chính quyền địa phương 2 cấp, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã có mặt đông đủ. Dưới sự hướng dẫn của 4 cán bộ phòng giao dịch tại điểm, các hoạt động: giải ngân, thu nợ, thu lãi; nhận gửi tiết kiệm của tổ viên, dân cư; thanh toán các khoản phí hoa hồng cho ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn... đều diễn ra đảm bảo an toàn, hiệu quả, mang đến sự hài lòng cho khách hàng.
Tại điểm giao dịch xã lần này, gia đình ông Lê Đình Hùng (xã Hoằng Hóa) đã được giải ngân nguồn vốn vay 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH. Từ nguồn vốn được vay, ông Hùng sẽ tiến hành đầu tư thêm cây giống, vật tư phân bón, hệ thống điện, nước tưới để mở rộng quy mô trang trại. Hiện trên diện tích gần 5.000m2, gia đình ông Hùng đã trồng được hàng trăm gốc ổi, bưởi, mít, dừa, bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên.
Trong phiên giao dịch xã tháng 7, gia đình bà Mai Thị Hảo (xã Nga An) đã được giải ngân 50 triệu đồng nguồn vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Nguồn vốn sẽ giúp gia đình bà đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn. Bà Hảo cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo để phát triển chăn nuôi. Hôm nay được ngân hàng tiếp tục giải ngân cho vay 50 triệu đồng chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn để xây lại nhà vệ sinh, nước sạch, tôi rất phấn khởi. Nhờ nguồn vốn đã giúp gia đình tôi nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Kể từ ngày 1/7/2025, Thanh Hóa có 166 UBND cấp xã, phường. Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi phục vụ tốt nhất đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh, NHCSXH Thanh Hóa vẫn tiếp tục duy trì hoạt động 559 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn cũ như trước khi sáp nhập đơn vị hành chính. Ngân hàng đã tập trung chỉ đạo các phòng giao dịch rà soát nắm bắt lại địa bàn hoạt động; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội để kịp thời ổn định hoạt động giao dịch tại xã cũng như giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, XDNTM và bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động tại các phòng giao dịch tiếp tục diễn ra bình thường với đầy đủ chức năng, nghiệp vụ, bảo đảm quyền lợi cho người vay vốn không bị ảnh hưởng, kịp thời chuyển tải thông tin và nguồn vốn tín dụng chính sách đến người dân, các đối tượng thụ hưởng. Sau sáp nhập, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 15.728 tỷ đồng với gần 247.000 khách hàng đang vay vốn. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã giải ngân hơn 3.300 tỷ đồng cho gần 45.000 lượt khách hàng vay vốn.
Thời gian đầu đi vào thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, của Hội đồng quản trị, NHCSXH tỉnh, cùng với nền tảng và truyền thống của ngành, sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể, NHCSXH Thanh Hóa phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 8% trở lên; bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận với các dịch vụ tài chính do ngân hàng cung cấp. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng của NHCSXH được xem là giải pháp quan trọng góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, XDNTM và bảo đảm an sinh xã hội.