Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn gây cản trở phát triển kinh tế-xã hội

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội ủng hộ việc xem xét, thông qua dự án 1 luật sửa 8 luật để kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn gây cản trở phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm một số nội dung cụ thể nhằm đạt được mục tiêu sửa đổi luật, bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi, hiệu quả.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

Sáng 10/1, Quốc hội tiến hành thảo luận về các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (1 luật sửa 8 luật).

Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc dự thảo Luật tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ủy thác; điều chỉnh mức thuế, bảo đảm tính phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành... Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng cần phân tích, làm rõ thêm về một số quy định cụ thể, nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi, hiệu quả và đạt được mục tiêu sửa đổi luật.

Xác định rõ các điểm nghẽn gây cản trở phát triển

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, việc Quốc hội xem xét dự án 1 luật sửa nhiều luật (8 luật) tại kỳ họp lần này không phải là lần đầu tiên, mà trước đây đã có tiền lệ khi có đề xuất 1 luật sửa nhiều luật, tuy nhiên tại thời điểm đó thì đã không được thông qua.

Do đó, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, việc Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự án 1 luật sửa nhiều luật tại kỳ họp lần này có ý nghĩa rất lớn. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, do tác động của dịch Covid-19, việc quản trị quốc gia thay đổi, đặt ra nhiều yêu cầu mới.

“Đó là chúng ta cần quyết định nhanh, quyết định các vấn đề khó hơn và quyết định các vấn đề một cách tổng thể hơn. Nên việc Quốc hội xem xét, thông qua dự án 1 luật sửa nhiều luật tại 1 kỳ họp là một phản ứng phù hợp, nhằm đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi trong bối cảnh mới về cải cách thể chế”, đại biểu Phan Đức Hiếu cho hay.

Theo đại biểu, điều này thể hiện tinh thần năng động, quyết liệt và chủ động của Quốc hội trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu trong cải cách thể chế và điều hành kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

“Tôi đánh giá rất cao và tin tưởng rằng lần này chúng ta sẽ thành công, thông qua được dự án luật này (1 luật sửa 8 luật), nhất là hiện nay chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thể chế. Đây là tiền lệ tốt, cần phát huy”, đại biểu Hiếu nói.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, cũng cho rằng việc xem xét "1 luật sửa nhiều luật" cần tiến hành thường xuyên, bởi vì kinh tế phát triển rất nhanh và mạnh mẽ, các quan hệ kinh tế luôn vượt lên trước các quy định của luật pháp. Do đó, khi phát hiện những điều luật nào không còn phù hợp thì cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) trả lời phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: Đăng Khoa)

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) trả lời phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: Đăng Khoa)

“Tuy nhiên, khi sửa đổi, bổ sung thì không nhất thiết sửa đổi cả đạo luật mà cần tìm những điểm nghẽn, những vấn đề bức xúc để sửa đổi”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, trong khuôn khổ một kỳ họp thì không thể sửa được quá nhiều vấn đề, do đó ban soạn thảo dự án luật cần xác định rõ những vấn đề nào là điểm nghẽn, gây cản trở cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội để đề xuất sửa đổi, bổ sung và cần chọn những vấn đề cấp bách, đã rõ.

Sửa đổi luật cần bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi, hiệu quả

Theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội), việc sửa đổi các luật như Tờ trình của Chính phủ là rất cấp thiết, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Đối với việc sửa đổi Luật Đầu tư, đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ thống nhất với việc dự thảo Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, đại biểu Cừ cho rằng dù phân cấp, phân quyền thì vẫn cần làm rõ câu chuyện phải bảo tồn, phát huy di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt như thế nào.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội). (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội). (Ảnh: quochoi.vn)

“Hiện nay, chúng ta có 3.000 di tích quốc gia, 7.000 di tích cấp tỉnh và 62 di tích quốc gia đặc biệt, rất nhiều địa phương, khu vực có di tích lịch sử, nên càng cần quan tâm đến công tác bảo tồn, cho phép xây dựng như thế nào trong di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt”, đại biểu Cừ nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Cừ, sửa đổi Luật Đầu tư mà không sửa đổi Luật Di sản văn hóa thì sẽ không bảo đảm đồng bộ, thống nhất về mặt pháp luật; các địa phương cũng gặp lúng túng giữa giải pháp bảo tồn và phát huy như thế nào.

“Theo tôi, bảo tồn cần trên dựa trên quan điểm có sự đầu tư, để thu hút du khách trong nước và nước ngoài. Nếu bảo tồn nguyên trạng sẽ khó thu hút và phát huy giá trị của các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt”, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho biết, về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự thảo Luật cũng đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư PPP đối với các dự án PPP sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, cần làm rõ quyền hạn gắn liền với trách nhiệm cũng như trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm quản lý, kiểm soát cho chặt chẽ.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ quy định của các luật khác có liên quan về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật”, đại biểu Lê Minh Nam nêu ý kiến.

TRỊNH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/kip-thoi-thao-go-nhung-diem-nghen-gay-can-tro-phat-trien-kinh-te-xa-hoi--681766/