Kịp thời thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển Thủ đô

Việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô

Họp phiên toàn thể tại Hội trường vào chiều 10/11, Quốc hội nghe báo cáo về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Khắc phục những hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô

Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô. Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua. Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay. Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, việc soạn thảo dự án Luật được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung dự thảo Luật được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ý kiến của Chính phủ, kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 26 ngày 20/9/2023 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Hiện dự thảo Luật có bố cục gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Về vấn đề xin ý kiến, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, hiện còn quy định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của thành phố Hà Nội (điểm b khoản 1 Điều 9) được đề nghị tiếp tục xin ý kiến.

Cụ thể, căn cứ yêu cầu của thực tiễn của Thủ đô, dự thảo Luật quy định trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.

Quy định này bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho thành phố Hà Nội trong việc quyết định biên chế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này khác với quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành trung ương về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, theo đó Bộ Chính trị "Quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết; quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế".

Do vậy, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này.

Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.

Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, ngoài các tài liệu theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong hồ sơ của dự thảo Luật còn kèm theo bản Thuyết minh chi tiết về từng quy định, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật và dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó dự kiến các công việc, phân công trách nhiệm và tiến độ triển khai thực hiện sau khi Luật được ban hành.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đặc biệt là quan điểm Luật Thủ đô cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô trên những lĩnh vực quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi lập đề nghị xây dựng Luật, trong đó có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù; nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung một số chính sách mới để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Phạm vi điều chỉnh phải toàn diện, bao quát trên hầu hết các lĩnh vực

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật Thủ đô (sửa đổi) như Chính phủ trình. Theo đó, phạm vi của Luật Thủ đô mới phải toàn diện, bao quát trên hầu hết các lĩnh vực, không chỉ quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thủ đô trong một số lĩnh vực như trước đây mà còn quy định về tổ chức chính quyền địa phương và việc phân quyền cho chính quyền địa phương trên địa bàn Thủ đô cũng như việc liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Với phạm vi điều chỉnh như vậy, Luật Thủ đô mới sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc và tạo động lực mới trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô theo hướng toàn diện và bền vững, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước.

Về bố cục của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với bố cục của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như Chính phủ trình. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật để bảo đảm logic, hợp lý hơn vì các quy định về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô tại Chương IV thực chất cũng là cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt trong xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô tại Chương III.

Về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định: trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô thì quy định cụ thể ngay việc áp dụng trong luật, nghị quyết đó (khoản 2 Điều 4); đồng thời, giao trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội phải rà soát quy định của Luật Thủ đô, nếu có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô thì phải thống nhất ý kiến với chính quyền thành phố Hà Nội trong việc xác định áp dụng quy định của Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo luật, nghị quyết đó.

Hải Liên

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/kip-thoi-the-che-hoa-chu-truong-dinh-huong-cua-dang-ve-phat-trien-thu-do-102231110155331955.htm