Kosen Việt Nam: Đào tạo kỹ sư thực hành theo tiêu chuẩn Nhật BảnTin khácSẵn sàng các điều kiện đón khách du lịch quốc tếBản lĩnh của người phụ nữ Việt
Nhằm góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cho nền công nghiệp Việt Nam và thúc đẩy việc giao lưu hoạt động giáo dục kỹ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản, Kosen Nhật Bản, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) và Bộ Công Thương đã thống nhất thành lập Ủy ban mô hình Kosen Việt Nam.Bộ Công Thương là bộ đầu tiên ở Việt Nam hợp tác với Kosen đưa mô hình Kosen vào đào tạo thí điểm từ năm 2018
Kosen – Mô hình đào tạo với nhiều ưu điểm
Mô hình Kosen là một hệ thống giáo dục đặc trưng của Nhật Bản trong việc đào tạo ra những kỹ sư thực hành xuất sắc. Mô hình này đang thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới.
Đặc điểm của mô hình Kosen là không chỉ trang bị lý thuyết mà hướng tới kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo của người học thông qua các hoạt động thực hành, nghiên cứu; gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao với doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia đào tạo nghề, mô hình đào tạo Kosen đáng để Việt Nam học hỏi bởi có nhiều điểm ưu việt: Học sinh đầu vào chỉ cần tốt nghiệp trung học cơ sở; do đào tạo gắn với doanh nghiệp nên100% học sinh tốt nghiệp có việc làm; tỉ lệ nghỉ việc giảm.
Nhận thấy ưu thế của mô hình đào tạo kỹ sư thực hành này, từ năm 2018, Bộ Công Thương đã hợp tác với Kosen đưa mô hình vào đào tạo thí điểm tại: Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (COIT), Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HUE-IC), Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (CTTC).
Kết quả, trong 2 năm, Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã tuyển sinh được 354 học sinh cho nghề cơ điện tử (năm 2020 tuyển sinh được 174 học sinh và năm 2021 là 180 học sinh). Còn tại Trường cao đẳng Công nghiệp và thương mại, năm 2020 đã tuyển sinh được 32 học sinh và năm 2021 là 20 học sinh cho nghề điện tử công nghiệp. Tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, năm 2019 đã tuyển sinh 18 học sinh, năm 2020 tuyển sinh 55 học sinh, năm 2021 tuyển sinh 40 học sinh cho nghề điện – điện tử.
Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương đánh giá, hai năm qua công tác đào tạo, tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do COVID-19, song các đơn vị thí điểm đã bám sát mục tiêu chương trình và linh hoạt trong triển khai thực hiện, xây dựng chương trình đào tạo một cách có hệ thống, phù hợp điều kiện Việt Nam, chuẩn đầu ra gắn với yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp trong tiến trình hội nhập.
Bên cạnh đó, Tổ chức Kosen tại Nhật Bản và Văn phòng dự án Kosen tại Việt Nam đã tích cực giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản và công ty Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam về chương trình đào tạo của các trường và kết nối các doanh nghiệp với các trường thí điểm, đảm bảo cho sinh viên thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, thúc đẩy việc tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp.
Sẽ có Ủy ban mô hình Kosen Việt Nam
Nhằm góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cho nền công nghiệp Việt Nam và thúc đẩy việc giao lưu hoạt động giáo dục kỹ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản, Kosen Nhật Bản, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bộ Công Thương đã thống nhất thành lập Ủy ban mô hình Kosen Việt Nam.
Dự kiến thành viên Ủy ban mô hình Kosen Việt Nam sẽ gồm: Đại diện cơ quan quản lý các trường cao đẳng công nghệ quốc gia Kosen Nhật Bản; đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH); đại diện Bộ Công Thương và hiệu trưởng 3 trường đang thí điểm đào tạo mô hình Kosen của Bộ Công Thương.
Dự kiến, thời gian hoạt động của Ủy ban mô hình Kosen là đến ngày 31/3/2024 (giai đoạn mục tiêu trung hạn thứ 4 của Tổ chức Kosen). Nếu cả 2 phía Nhật Bản và Việt Nam đồng ý, thời gian hoạt động có thể được kéo dài hơn.
Ủy ban mô hình Kosen hướng tới mục tiêu đào tạo những kĩ sư thực hành ứng phó được với những đổi mới công nghệ và sự biến chuyển của nền kinh tế- xã hội; giáo dục và nuôi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, tư duy sáng tạo mà các doanh nghiệp kì vọng ở người kỹ sư; giáo dục văn hóa và kiến thức chuyên môn để trở thành một kỹ sư chuyên ngành.
Mô hình triển khai được căn cứ Luật Giáo dục Việt Nam và tham khảo nền giáo dục Kosen – Nhật Bản cùng với các chương trình giảng dạy cốt lõi của mô hình (Model Core Curriculum).
Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cho biết thêm, Bộ Công Thương và Kosen cũng đang xây dựng kế hoạch 5 năm tới. Theo đó, sẽ có thêm một số hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển mô hình Kosen tại các trường thí điểm, dự kiến như: Tích cực kết nối, thiết lập mạng lưới doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và tại Nhật Bản, tạo nhiều cơ hội liên kết trường – doanh nghiệp trong một hoặc tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh – việc làm; nghiên cứu, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; tổ chức hội thảo, tập huấn trao đổi, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho sinh viên và giảng viên; phối hợp tổ chức thi robocon giao lưu sinh viên các trường thí điểm mô hình Kosen của Việt Nam (Bộ Công Thương) với các trường Kosen tại Nhật, Mông Cổ,…; chương trình thực tập cho sinh viên tại Nhật Bản trong thời gian 3-6 tháng; Chương trình đào tạo giảng viên 1 năm tại Nhật Bản;…