KOTRA đề xuất Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác ổn định chuỗi cung ứng
Để nâng cao vị thế của Việt Nam và Hàn Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng tầm hợp tác giữa hai bên, Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc ( KOTRA) đề xuất hai nước cần đẩy mạnh hợp tác để ổn định chuỗi cung ứng.
Chia sẻ về tầm quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tại sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc lần thứ 5 năm 2023" ngày 18/5, Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và châu Đại dương Lee Jong Seob cho biết nền kinh tế đang có nhiều biến chuyển, yêu cầu hai nước phải tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư để đối phó tích cực và hiệu quả với những thách thức chung mà cả hai nước đang phải đối mặt.
Ông Lee Jong Seob phân tích: "Không giống như 2022 là năm chúng ta có những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid- 19, năm 2023 được dự đoán là một năm khó khăn khi suy thoái kinh tế toàn cầu trở thành hiện thực".
Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đạt mức 80,7 tỷ USD đây là mức kim ngạch song phương cao nhất từ trước tới nay trong quá trình hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc.
Tuy nhiên, năm nay kim ngạch thương mại song phương Việt - Hàn tính đến tháng 3 là 19,3 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất tăng và nhu cầu giảm đến từ các nguyên nhân như áp lực lạm phát và cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ukraine.
Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng giảm 16,9% về số lượng dự án. Tính về tổng vốn đầu tư lũy kế, Hàn Quốc vẫn là quốc gia đầu tư số một vào Việt Nam, nhưng do suy thoái kinh tế, các công ty Hàn Quốc không khỏi cảm thấy gánh nặng khi đứng trước các quyết định tăng cường, đẩy mạnh mở rộng đầu tư như các giai đoạn trước.
Do vậy, để hai nước có cơ sở chuẩn bị sẵn những kịch bản cho những khó khăn trong giai đoạn tới, đại diện KOTRA đã đưa ra 3 đề xuất nhằm mở rộng, tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Thứ nhất là hưởng ứng quá trình tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua hợp tác sản xuất Việt Nam - Hàn Quốc.
Ông Lee Jong Seob cho biết: Covid-19 đã đánh thức nhu cầu tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang đang có dấu hiệu đẩy nhanh quá trình này.
Việt Nam và Hàn Quốc với đặc điểm phát triển kinh tế chú trọng tới xuất khẩu, có tỷ trọng thương mại lớn với Trung Quốc và Hoa Kỳ, bên cạnh đó lại có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ về nguyên liệu khâu trung gian và sản phẩm đầu ra nên cả hai nước cần phải giải quyết những thách thức chung trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ hoàn thành vai trò là một cơ sở sản xuất toàn cầu do đó, đã đến lúc Hàn Quốc và Việt Nam cần nhìn nhận hai quốc gia là một cộng đồng kinh tế thống nhất và cùng nhau ứng phó với việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu nhằm ổn định chuỗi cung ứng và hướng tới tăng trưởng bền vững.
"Trong thời gian qua, Hàn Quốc đã và đang tìm đến Việt Nam như một cứ điểm sản xuất, nhưng nếu chúng ta có thể tạo thêm giá trị gia tăng bằng cách phổ biến quy trình công nghệ sản xuất của các công ty Hàn Quốc cho các công ty Việt Nam sẽ góp phần đảm bảo cơ sở sản xuất ổn định cũng như củng cố thị trường, tăng cường khả năng và năng lực cạnh tranh công nghiệp chung của các công ty Việt Nam", Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và châu Đại dương cho hay.
Thứ hai là hai nước cần gia tăng hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ông Lee Jong Seob khẳng định: "Ứng phó với biến đổi khí hậu và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng xanh, thân thiện với môi trường cũng là nội dung vô cùng quan trọng trong quan hệ hợp tác của hai nước".
Chính phủ Việt Nam những năm gần đây đã rất tích cực trong phong trào toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa cam kết trở thành nước trung lập carbon vào năm 2050, Việt Nam đã công bố kế hoạch hành động cắt giảm15% khí thải nhà kính vào năm 2030 và 30% vào năm 2050 so với lượng khí thải nhà kính năm 2014.
Do đó, ông Lee Jong Seob tin rằng hai nước hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tỷ trọng của các ngành công nghiệp xanh thân thiện với môi trường tiêu biểu như xe điện và trang trại thông minh sẽ tăng lên.
Cùng với đó, các quy định liên quan tới bảo vệ, thân thiện với môi trường đối với các ngành công nghiệp truyền thống sẽ được thắt chặt, tỷ trọng phát triển vào các lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời cũng sẽ có bước phát triển trong thời gian tới.
"Hàn Quốc cũng thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ đối với cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, vì vậy khả năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là rất cao. Các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng sạch như điện gió ngoài khơi và nông nghiệp thân thiện với môi trường có khả năng sẽ được khởi động trong thời gian tới, đồng thời cũng mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm sản phẩm, thiết bị liên quan".
Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và châu Đại dương Lee Jong Seob
Cuối cùng, Việt Nam và Hàn Quốc cần mở rộng hợp tác công nghiệp tương lai trong kỷ nguyên chuyển đổi kỹ thuật số
Đề cập về việc mở rộng hợp tác trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số. Chủ tịch KOTRA nhận định, với sự lan rộng của cuộc sống trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu đối với ngành công nghiệp không tiếp xúc tăng lên và chuyển đổi kỹ thuật số hiện đang trở thành một xu hướng không thể cưỡng lại thì khả năng chuyển đổi kỹ thuật số đang là một yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh quốc gia.
Hàn Quốc đang tập trung xây dựng ngành công nghiệp tương lại bằng cách tích hợp công nghệ, thông tin và truyền thông vào tất cả các ngành và sử dụng các công nghệ đổi mới như cơ sở hạ tầng 5G và AI để phát triển chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, công nghệ giáo dục, IoT và dữ liệu lớn.
Chuyển đổi kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập cao. Đại diện KOTRA tin rằng nếu các kinh nghiệm của Hàn Quốc được bổ sung vào nguồn nhân lực trẻ dồi dào của Việt Nam và nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, có thể sẽ tạo ra sự cộng hưởng để xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số ở cả hai quốc gia, chẳng hạn như chính phủ điện tử, nhà máy thông minh và thương mại hóa công nghệ đám mây.