Ksor Mang nặng lòng với văn hóa Jrai

Nhiều năm qua, anh Ksor Mang (SN 1986, buôn Phu Ma Nher, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai, nhất là việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

 Anh Ksor Mang có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai. Ảnh: L.H

Anh Ksor Mang có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai. Ảnh: L.H

Anh Ksor Mang là một trong số ít người trẻ ở buôn Phu Ma Nher còn giữ trọn nhiệt huyết với văn hóa truyền thống. Không chỉ giỏi đánh chiêng, chỉnh chiêng, chơi trống mà anh còn am tường nhiều nhạc cụ dân tộc khác.

Trò chuyện với chúng tôi, anh kể: Từ nhỏ, mình đã theo chân bố và thanh niên trong buôn rong ruổi khắp các lễ hội. Dần dần, qua sự truyền dạy tận tình của các bậc tiền bối, anh hiểu được từng nhịp chiêng, điệu trống cũng như cách cảm âm và diễn tấu. Chính những tháng ngày ấy đã hun đúc tình yêu cồng chiêng trong chàng thanh niên Jrai này.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Mang tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, rồi tiếp tục theo học ngành Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở của Trường Trung cấp An ninh nhân dân II (hệ vừa học vừa làm). Trở về địa phương, năm 2008, anh được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Công an xã Ia Rtô, rồi đến Trưởng Công an xã vào năm 2014.

Từ năm 2019, anh Mang được điều động sang làm công chức Văn hóa-Xã hội của xã. Dù ở bất kỳ vị trí nào, anh cũng ý thức sâu sắc vai trò của người trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng.

Cũng theo anh Mang, hiện nay, phong trào tập luyện cồng chiêng của lớp trẻ không còn sôi nổi như trước. Trăn trở trước thực trạng ấy, anh ấp ủ mở lớp truyền dạy cồng chiêng miễn phí cho con em trong buôn. Tháng 6-2023, thực hiện Dự án 6 về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025), xã Ia Rtô được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp 1 bộ chiêng Arap truyền thống.

Món quà không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với cộng đồng Jrai nơi đây. Khi bộ chiêng mới được trao về buôn, anh Mang như “cá gặp nước”. Anh chủ động kêu gọi người trẻ trong buôn tham gia học cồng chiêng.

“Lúc đó, con trai đầu của mình cũng rất mê cồng chiêng nên mình nhờ con rủ thêm bạn bè đến học. Những ngày đầu, lớp học có 17 thành viên, chủ yếu là các em nhỏ 7-14 tuổi. Mỗi ngày, từ 17 giờ đến 20 giờ, mình dạy cồng chiêng tại Nhà văn hóa thôn. Các em nhỏ rất siêng năng và chăm chỉ học”-anh Mang cho hay.

Để truyền dạy cồng chiêng có hiệu quả, anh Mang luôn chọn cách tập riêng phù hợp với độ tuổi và khả năng của từng em. Anh cũng thường xuyên nhắc nhở, động viên các em nhỏ tích cực tham gia lễ hội cộng đồng, theo dõi người lớn đánh chiêng, múa hát để cảm nhận và nuôi dưỡng tình yêu với giai điệu truyền thống.

Nhờ sự tận tâm và phương pháp truyền dạy phù hợp, lớp học cồng chiêng của anh Mang tại xã Ia Rtô nhanh chóng đi vào nền nếp, trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa bổ ích cho thanh-thiếu niên địa phương. Các thành viên cũng được tham gia biểu diễn tại các chương trình, sự kiện văn hóa của thị xã và trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), nhận được sự đánh giá cao từ khán giả.

Em Nay Gia Phúc (con trai của anh Mang, thành viên đội cồng chiêng) hào hứng nói: “Lúc trước, em nghĩ mình không thể chơi được cồng chiêng vì thấy quá khó và sợ đánh sai nhịp. Thế nhưng, từ khi được bố chỉ bảo, em bắt đầu tập từng chút một. Càng tập, em càng thấy yêu thích cồng chiêng”.

Không bằng lòng với vốn nghề sẵn có, trong tháng 8 và 9-2023, anh Mang tiếp tục tham gia lớp truyền dạy cách thức gò chỉnh chiêng do nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) và Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh đứng lớp. Lớp học do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức để dạy chỉnh chiêng cho 20 nghệ nhân Bahnar và 26 nghệ nhân Jrai.

Anh Mang chia sẻ: “Tại đây, mình được học rất nhiều kỹ thuật chỉnh chiêng và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của di sản này đối với cộng đồng người Jrai. Mình còn gặp gỡ được nhiều nghệ nhân tài hoa và qua đó hun đúc thêm tình yêu với cồng chiêng”.

Chưa dừng lại ở đó, mỗi cuối tuần, anh còn vượt hàng chục cây số qua huyện Krông Pa để học chỉnh chiêng từ nghệ nhân Ksor Kok (buôn Sai, xã Chư Ngọc) để nâng cao kỹ thuật.

 Ksor Mang và con trai ôn lại một số bài chiêng. Ảnh: Lạc Hà

Ksor Mang và con trai ôn lại một số bài chiêng. Ảnh: Lạc Hà

Nhận xét về chàng trai Jrai tâm huyết với văn hóa dân tộc, nghệ nhân Ksor Kok cho biết: “Ksor Mang là một trong những học trò xuất sắc của tôi. Điều đáng quý ở Mang là cậu ấy không chỉ học để biết, mà còn học để giữ gìn văn hóa truyền thống và truyền lại cho lớp trẻ trong làng”.

Không chỉ giỏi chỉnh chiêng, đánh chiêng, anh Mang còn có vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa Jrai. Anh thuộc lòng hơn 10 bài dân ca truyền thống cùng một số đoạn sử thi Jrai được ông bà truyền lại.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh cho hay: “Tôi sẽ tiếp tục rèn luyện, hoàn thiện kỹ năng chỉnh chiêng, đồng thời dành thêm thời gian tìm hiểu sâu hơn về dân ca. Mong muốn lớn nhất của tôi là mở thêm lớp dạy dân ca cho thanh-thiếu niên trong làng, để các em không chỉ biết đánh chiêng mà còn hiểu và hát được lời ca của dân tộc mình”.

LẠC HÀ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ksor-mang-nang-long-voi-van-hoa-jrai-post322349.html