KTSG số 15-2023: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tan băng?
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 16/2021 về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Trong bài viết tựa đề Sửa Thông tư 16: Giải pháp chính sách khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện trên KTSG sáng mai (13-4), Trịnh Duy ghi nhận ý kiến ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinRatings, cho rằng nội dung dự thảo sẽ tác động tích cực tới hoạt động nói chung của nền kinh tế, dù vẫn còn nhiều điểm cần bàn.
Một bài viết khác của Thụy Lê ghi nhận lượng trái phiếu phát hành đã tích cực hơn trong tháng 3-2023, bên cạnh đà giảm nhanh của lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng vẫn gặp khó khăn. Các đợt phát hành riêng lẻ trong ba tháng đầu năm chủ yếu là của các doanh nghiệp ít tên tuổi, ít thông tin với người mua chủ yếu là các tổ chức. “Có lẽ điều quan trọng nhất vẫn là phải có những giải pháp khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư”, tác giả viết. (Bài tựa đề Xu thế khởi sắc của kênh trái phiếu doanh nghiệp liệu có được duy trì?).
Nghị định 08 giúp “rã đông” thị trường trái phiếu doanh nghiệp (Bình An): Hầu hết các nhận định đều cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được “hâm nóng” trong tháng 3-2023 là nhờ Nghị định 08/2023 hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề trả nợ.
Các đề tài kinh tế – xã hội theo dòng thời sự trên cùng số báo:
Những điểm cần làm rõ về giá điện (mục Ý kiến): Chỉ khi làm rõ liệu Tập đoàn Điện lực bị lỗ là do cơ chế và năng lực quản lý hay chỉ đơn thuần là chi phí đầu vào tăng cao, thì việc điều chỉnh giá điện mới bảo đảm công bằng.
Sự thiếu vắng khó hiểu (An Nhiên): Chính phủ đề nghị bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và đưa vào chương trình năm 2024 gần 30 dự án luật, nghị quyết, nhưng danh sách đó lại thiếu vắng những dự luật rất cấp bách như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Bảo hiểm y tế, và cả 22 luật hiện hành có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai cần được sửa đổi để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi).
Tư duy quản lý nhà nước nhìn từ việc điều tiết giá hàng không nội địa (TS.LS. Phạm Hoài Huấn): Từ quan sát phiên thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, có vẻ như trong ngắn hạn, chúng ta lựa chọn mô hình thị trường bị kiểm soát.
Vé máy bay – ở hai đầu nỗi… giá (TS. Lữ Lâm Uyên): Trên nghị trường, việc giữ hay bỏ quy định về giá trần, hay đặt thêm giá sàn vé máy bay, đang là vấn đề được quan tâm, bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá vé đi lại bằng đường hàng không.
Giảm giá sập sàn, nhưng ai sẽ sụm? (Ricky Hồ): Cuộc giảm giá sập sàn của Dược phẩm Hoa Linh hôm 4-4 đã gây sốc và phản ứng giận dữ của các nhà phân phối và người mua sản phẩm của Hoa Linh.
Ngân hàng xác sống và suy kiệt tín dụng (Hồ Quốc Tuấn): Khi ngân hàng cho nhiều công ty xác sống vay thì chính ngân hàng cũng thành một ngân hàng xác sống. Rủi ro của các ngân hàng xác sống với nền kinh tế là có khả năng dẫn đến suy kiệt tín dụng.
Chứng khoán tuần qua: Đà tăng VN-Index chững lại (Thanh Thủy).
Dòng tiền săn tìm doanh nghiệp trả cổ tức “khủng”? (Triêu Dương): Thị trường chứng khoán đứng trước áp lực điều chỉnh và lợi nhuận quí 1-2023 của các doanh nghiệp dự báo suy giảm, dòng tiền có khả năng sẽ tìm kiếm và lướt sóng ở những cổ phiếu của doanh nghiệp có kế hoạch chi trả cổ tức cao.
Bất chấp thách thức, nhiều ngân hàng vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận đầy khả quan (Tuệ Nhiên): Ngành ngân hàng tiếp tục kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực.
Thách thức duy trì “sức nóng” của du lịch nội địa (Đào Loan): Năm ngoái, ngành du lịch ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách nội địa và là cứu cánh cho du lịch trong bối cảnh khách quốc tế còn rất ít. Tuy vậy, hiện sức mua bắt đầu có dấu hiệu yếu đi.
Du lịch canh nông – hướng đi bền vững mới (TS. Nguyễn Minh Hòa): Thành công của tỉnh Lâm Đồng trong việc khai thác du lịch canh nông mở ra hướng đi cho những địa phương khác, thậm chí cả với đô thị lớn bậc nhất cả nước là TPHCM.
Hoài Ân – làng nghề “ăn cơm đứng” thời nay (Thu Dịu): Gần 10 năm trở lại đây, nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hoài Ân (Bình Định) hồi sinh. Nghề cũ “sống lại” không những giúp người dân thoát nghèo mà còn góp phần phục hồi một làng nghề truyền thống tưởng chừng đã mai một.
Nối kết trong nền kinh tế kết nối (Đỗ Quang Tuấn Hoàng): Công nghiệp 4.0 kết nối các khâu sản xuất từ đầu đến cuối. Rồi khi sản phẩm được tung ra thị trường, nó lại giúp kết nối từ điểm bán đến nhà sản xuất.
Thỏa thuận không cạnh tranh: Tính pháp lý và thực tiễn xét xử (Võ Quốc An): Cho đến thời điểm hiện nay, các khía cạnh pháp lý liên quan đến loại thỏa thuận buộc người lao động không làm việc cho đối thủ cạnh tranh vẫn chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong trường hợp có tranh chấp.
Ai là chủ sở hữu tài sản trí tuệ do người lao động tạo ra? (TS. Bùi Đức Giang): Nhiều người nghĩ rằng các tài sản trí tuệ do người lao động tạo ra trong quá trình làm việc cho công ty đương nhiên thuộc về công ty. Nhưng dưới góc độ pháp lý, câu trả lời không hiển nhiên như vậy.
Bảo vệ thương hiệu trong thế giới ảo ngày càng quan trọng! (Lê Thiên Hương): Người ta ngày càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền về nhãn hiệu, trong nền văn minh kỹ thuật số.
Học gì qua vụ tranh chấp giữa Peppa Pig và Wolfoo? (Lê Vũ Vân Anh): Khi Việt Nam trở thành thành viên trong các hiệp định thương mại khu vực, doanh nghiệp nội địa nên sẵn sàng cho việc trở thành một bên trong các vụ kiện tụng với hiểu biết về tư duy “đáo tụng đình” của các công ty nước ngoài.
Thu hút FDI trước bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Phan Đình Mạnh): FDI toàn cầu vẫn tăng bất chấp những biến động kinh tế, chính trị. Một loạt xu hướng mới tác động tới hoạt động đầu tư và Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó.
Còn nhiều việc phải làm để có thể thu hút dòng vốn FDI chất lượng (Quốc Hùng): Nếu chiến lược thu hút FDI của Việt Nam không nhanh chóng chuyển sang những ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao thì sẽ tụt hậu trong quá trình tái cấu trúc đang diễn ra của dòng vốn này.
Thôi đừng trách móc OTT! (Mục Nhĩ): Các công ty viễn thông di động ở Việt Nam lại một lần nữa muốn các nhà cung cấp dịch vụ OTT phải trả phí Internet với lý do bị OTT cạnh tranh làm sụt giảm thị phần dịch vụ điện thoại và tin nhắn SMS truyền thống. Việc “thu phí hai đầu” như thế liệu có hợp lý?
Meta loại bỏ danh mục nhạc Ý: Chính sách “thắt lưng buộc bụng” hay chiêu trò ép giá? (Nguyễn Ngọc Trâm): Việc chủ sở hữu các nền tảng mạng xã hội không sử dụng âm nhạc hay xóa bỏ nhạc khỏi nền tảng của họ tạo ra cơn địa chấn, ảnh hưởng tới cả nghệ sĩ và người dùng nhạc. Liệu đây chỉ là bước lùi tạm thời để chống chọi với suy thoái kinh tế hay có những vấn đề phức tạp liên quan tới bản quyền âm nhạc?
Thử phác họa chân dung dân số khi Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân (Phan Thị Ngọc Thắng): Nhận diện những mặt thuận lợi cũng như thách thức mà con người và xã hội Việt Nam phải đối mặt khi dân số đạt ngưỡng 100 triệu dân vào cuối tháng Tư này.
Vẫn nhờ tới tình mẹ cha (Trần Duy Thành): Ta nhờ cha mẹ hy sinh những nhọc lao để đưa ta đến trường học lẫn trường đời, chỉ với một điều kiện duy nhất: ta là con của cha mẹ.
Lớn lên trong khó khăn (Hoàng Hiền): Các bậc phụ huynh vẫn thường ca thán về con cái, rằng tụi nhỏ bây giờ quá đủ đầy, chỉ có học thôi mà không giỏi được nữa thì… Nhưng cũng có cách nghĩ khác: những đứa trẻ của chúng ta đang lớn lên trong bao nỗi khó khăn.
Các đề tài kinh tế thế giới:
Ô tô điện chưa thể chinh phục thị trường Nhật Bản (Lạc Diệp): Mặc dù là một trong những nước có ngành công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới, Nhật Bản lại đang cho thấy sự chậm chân hơn các đối thủ như Trung Quốc, châu Âu hay Mỹ trong cuộc đua phát triển xe điện.
Những cơ hội tuyển dụng không có thực – vấn đề của thị trường lao động Mỹ (Song Thanh): Ngày càng nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của số liệu về cơ hội tuyển dụng lao động ở Mỹ.
Thảm đỏ của Trung Quốc có làm nhà đầu tư nước ngoài yên tâm? (Ngân Diệp): Nỗ lực thu hút vốn FDI của chính phủ Trung Quốc đang vấp phải tâm lý e ngại của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tương lai bất định của IMF (Nguyễn Vũ): Ba lý do giải thích sự bất lực của IMF: sự cứng nhắc của chủ nợ Trung Quốc đối với các con nợ là các nước nghèo; khó khăn kéo dài của các nước thu nhập trung bình; khả năng có hạn của IMF trong việc sử dụng các nguồn lực và triển khai kế hoạch.
Mời bạn đọc đón xem!