Kỳ 1: Câu chuyện về Chữ Nôm dao và Lễ cấp sắc


Chữ Nôm Dao- Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo già làng thôn Bản Cuôn, Ðặng Quảng Vượng, trước đây, việc học chữ Nôm Dao là yêu cầu bắt buộc đối với nam giới khi được “cấp sắc”, ghi nhận sự trưởng thành. Ðây là loại chữ trên cơ sở chữ Hán, người Dao tiếp nhận một số từ của Nôm Tày, Nôm Việt đã được Dao hóa (biến đổi). Học chữ Nôm Dao để hiểu về nhân nghĩa. Bên trong không tổn thương nhân phẩm con người, bên ngoài không hại đến vật. Trên không phạm trời, trần gian không phạm người. Người học chữ Dao tốt, sẽ tự mình nhận biết lẽ sống, biết hiếu thảo với cha mẹ, nhân đạo với mọi người. Khi ấy, người ta sẽ tự giác tránh xa các tệ nạn.
Bên bếp lửa rực đỏ, nồi nước sôi tự khi nào, ông Triệu Dư Phượng vẫn chăm chú nhìn vào cuốn sách kín chữ Nôm Dao. Lật từng trang giấy bản, đưa bàn tay chai sần rà theo từng con chữ mềm mại, “Chữ Nôm Dao khó học lắm, nhưng không thể vì khó mà để nó mất đi được”, ông Phượng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Ông Triệu Dư Phượng sinh năm 1974, được coi là một trong những người “trẻ” biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao ở Bản Cuôn. Bởi lẽ số người thông thạo chữ viết này hiện nay không nhiều và hầu hết đều đã ngoài 60 tuổi. Ông Phượng bắt đầu học chữ Nôm Dao khi vừa xong bậc Tiểu học. Thời điểm ấy, do điều kiện khó khăn nên ông ở nhà phụ giúp gia đình. Ngày ông làm việc, tối về lại chạy đến nhà người chú họ để học chữ Nôm Dao.

Do nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, dần dần càng ít người biết đến chữ Nôm Dao hơn. Ðến nay chỉ còn một số ít các thầy còn biết chữ, cả những người biết hát lượn cũng rất ít và chủ yếu là những người đã cao tuổi. Cứ như vậy, chữ Nôm Dao lặng lẽ tồn tại trong những cuốn sách cổ phủ bụi, trên những tờ sớ dâng lên trời, trong cộng đồng người Dao ở Bắc Kạn. Ngày 27/12/2012, chữ Nôm Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trăn trở bảo tồn chữ Nôm Dao trong đời sống hiện nay, năm 2023 tại Bản Cuôn đã từng có một lớp học chữ Nôm Dao, thu hút đông đảo “học trò” trong và ngoài tỉnh đến học. Ông Phượng cũng là một trong những người thầy của lớp học đó. Ông bảo “Tôi được các thầy khác gọi đến giúp, chúng tôi chia nhau lên lớp. Lớp học nhưng học trò toàn người tóc bạc, có cả ông gần 60 tuổi ở tỉnh Thái Nguyên đến đây thuê trọ để học. Từ lớp học cũng có nhiều người biết đọc và viết chữ Nôm Dao. Tuy nhiên, sau khi người đứng ra tổ chức mất đi thì lớp học cũng không duy trì được nữa”.
Với cộng đồng người dân tộc Dao, chữ Nôm Dao đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh. Bởi để tổ chức được các lễ nghi quan trọng, thầy cúng buộc phải biết chữ Nôm Dao. Và cũng chính chữ Nôm Dao là sợi chỉ dẫn dắt các nghi lễ truyền thống, trong đó linh thiêng nhất phải kể đến Lễ Cấp sắc, nghi lễ đánh dấu bước trưởng thành của người đàn ông Dao. Và ở Bản Cuôn, truyền thống này vẫn còn được gìn giữ…
“Nhiều trang trong sách cổ tôi còn chưa hiểu hết nhưng chỉ cần còn người đọc, thì chữ vẫn sống. Mong sao thế hệ người Dao bây giờ và sau này cố gắng học chữ Nôm Dao, để biết, để duy trì truyền thống của dân tộc. Phải có người biết để truyền lại cho thế hệ sau.”
Triệu Dư Phượng
Từ chữ viết đến lễ nghi: Linh thiêng ngọn đèn Lễ Cấp sắc
Người Dao quan niệm rằng, mỗi người đàn ông khi trải qua lễ Cấp sắc mới chính thức được công nhận là người trưởng thành. Lễ Cấp sắc vì thế không chỉ là dấu mốc cá nhân mà còn là một nét văn hóa đặc sắc, thể hiện sự gắn kết giữa thế hệ hôm nay với truyền thống cha ông để lại.
Chúng tôi tìm gặp Thầy cúng (hay còn gọi là "Say") Đặng Hữu Phượng khi ông đang đi làm Lễ giải hạn đầu năm cho một gia đình nhỏ. Miệt mài ngồi bó những cuộn tiền bằng giấy bản màu trắng, “Say” Phượng cất giọng trầm khàn kể lại lễ cấp sắc của chính ông cách đây 40 năm. Sinh năm 1965, khi vừa tròn 20 tuổi ông Phượng được cấp sắc, mà Lễ rất to lên đến 7 đèn.

Theo ông Phượng, để tiến hành một Lễ cấp sắc, phải có sự chuẩn bị từ trước đó về cả tinh thần và vật chất, khi đã xác định thời gian phải mất gần một năm để chuẩn bị. Người vợ cần mẫn thêu may trang phục cho bản thân và chồng. Ngoài trang phục người đàn ông còn phải chuẩn bị nhiều vật dụng khác như: Gậy “sằn nì quấn”, chuông, tù và… và đảm bảo đầy đủ về lương thực, thực phẩm. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trên, người đại diện cho Lễ cấp sắc chọn ngày lành tháng tốt để mời thầy tiến hành Lễ cấp sắc. Thầy được chọn phải là người đã được cấp sắc và được cấp với số đèn lớn hơn.
Ngay sau khi làm xong Lễ cấp sắc, ông Phượng với tâm thế thoải mái đã tập trung học chữ Nôm Dao. Theo lời dặn của những người thầy đã làm lễ cấp sắc năm xưa, hơn 30 năm qua “Say” Phượng vẫn miệt mài đi giúp người, giúp cho đồng bào yên tâm tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Những lo ngại của “Say” Phượng có lẽ là câu hỏi trăn trở cho rất nhiều năm sau nữa. Tại Bản Cuôn hôm nay, các Lễ cấp sắc vẫn thường xuyên được tổ chức. Cùng với sự thuận tiện về công tác chuẩn bị thì các bước tiến hành và những quy định nghiêm ngặt vẫn được duy trì.
Chia sẻ với chúng tôi về Lễ cấp sắc mới làm cách đây 2 năm, chàng thanh niên Triệu Hữu Anh (sinh năm 1999) cho biết: Sau khi Lễ cấp sắc hoàn thành, tôi cảm thấy tự tin, dũng cảm hơn rất nhiều, đi một mình trong đêm tối cũng không thấy sợ. Xúc động nhất trong Lễ cấp sắc là khi khi đến cuối, các thầy chia thịt từ con gà và gửi lời chúc. Mỗi thầy gắp cho một phần từ con gà, rồi nói lời chúc, lời mong cầu, tôi cũng rơm rớm nước mắt, thầy bảo “Cố gắng theo nghề này, đừng để sau này bị mai một đi”. Nhưng tôi cũng trăn trở rất nhiều vì muốn làm Thầy phải biết chữ Nôm Dao. Tôi khi được 11-12 tuổi cũng thử học chữ Nôm Dao nhưng khó học nên không theo được…
Lễ cấp sắc là truyền thống lâu đời và là một tập quán xã hội quý báu của người Dao mà hiện nay vẫn được duy trì. Nghi lễ cấp sắc chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục to lớn, triết lí về nhân sinh quan nhằm hướng con cháu tới cái chân - thiện - mĩ. Đây là một nét độc đáo riêng trong sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của người Dao cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hóa các dân tộc. Lễ cấp sắc của người Dao tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần gìn giữ và lưu truyền mãi về sau.
Chữ Nôm Dao và lễ Cấp sắc như những ngọn lửa âm thầm cháy sáng trong lòng cộng đồng Bản Cuôn, một phần không thể thiếu trong hành trình gìn giữ truyền thống. Dẫu có những lo ngại về sự mai một của di sản này, nhưng mỗi người, mỗi thế hệ vẫn đang tiếp nối, bảo tồn những giá trị quý báu ấy.
Bài viết này chỉ là một nốt nhạc trong bản hòa ca của di sản văn hóa Bản Cuôn. Và còn rất nhiều âm vang khác đang đợi được khám phá, như hát Pá Dung, hay nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục Dao Đỏ. Những câu chuyện vẫn đang tiếp tục được viết lên trên từng trang sử của mảnh đất đặc biệt này…/. (còn tiếp)
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ky-1-cau-chuyen-ve-chu-nom-dao-va-le-cap-sac-post70742.html