Kỳ 1: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm
21 năm, kể từ ngày có ngôi nhà mới đầu tiên, là nhà tình thương do chính quyền địa phương và các mạnh thường quân giúp đỡ, cuối năm 2024, bà Bùi Thị Thoa (người dân tộc Mường, xã Yên Quang, huyện Nho Quan) không thể tin nổi mình lại sắp có một căn nhà xây mới, không lo dột tứ phía mỗi mùa mưa tới. Ngôi nhà được xây mới từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Ninh Bình về quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn giai đoạn 2023-2025 (Nghị quyết số 43). Bởi nếu được ước mơ, bà cũng không dám nghĩ tới một căn nhà cấp 4 chứ chưa nói một căn nhà đổ mái bằng, kiên cố, khang trang như bây giờ.
Dáng người gày gò, khắc khổ, đã ngoài 60 tuổi, bà Thoa chịu nhiều thiệt thòi vì chồng mất sớm, chỉ có một người con gái duy nhất đã đi lấy chồng. Hàng chục năm nay, bà Thoa chăm sóc người chị chồng cũng đã già yếu, lại bị tâm thần, không thể tự lo cho bản thân. Vì điều kiện gia đình khó khăn, đau ốm liên miên, nguồn thu của gia đình chỉ trông chờ vào nguồn trợ cấp xã hội nên gia đình bà Thoa không có điều kiện để sửa chữa, xây mới nhà. Năm 2024, nhờ có số tiền 100 triệu đồng do tỉnh hỗ trợ, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ ngày công lao động của bà con làng xóm, đoàn viên, thanh niên, ngôi nhà mơ ước của bà Thoa đang được hoàn thiện, bà Thoa không giấu nổi sự xúc động: “Tôi không dám mong gì hơn. Tôi chỉ biết cảm ơn chính quyền địa phương đã hỗ trợ chị em tôi có một mái nhà nương tựa nhau khi tuổi già”.
Với quyết tâm cao “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, ngay sau khi Nghị quyết 43 được ban hành, các cấp, các ngành, các cơ quan trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ và kịp thời. Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: “HĐND tỉnh đã nghiên cứu lựa chọn ban hành Nghị quyết 43 thể hiện sự đổi mới trong việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh: Nghị quyết ban hành phải góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân, nhất là người nghèo. Nghị quyết ban hành phải gắn với nguồn lực để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, có được hiệu quả thiết thực, rõ nét trong thực tiễn”.
Ngay sau khi Nghị quyết 43 được ban hành, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của ngành chức năng, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo. Quy trình các bước thực hiện được các địa phương triển khai rất khẩn trương, quyết liệt. Danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở được niêm yết công khai, tạo sự đồng thuận cao của người dân. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện theo danh sách được phê duyệt. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát các xã, phường, thị trấn để việc hỗ trợ bảo đảm chính xác, công bằng, minh bạch, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.
Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương trong tỉnh để Nghị quyết được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, tránh tình trạng trục lợi chính sách. Nghị quyết 43 cũng góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát chung về giảm nghèo bền vững của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2021-2025 là “giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
Đánh giá cao quyết sách mở đường của HĐND tỉnh ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ khi ban hành nghị quyết quan trọng về bảo đảm an sinh xã hội, đồng chí Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan vui mừng cho biết: Những ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình, những ngôi nhà “ý Đảng - lòng Dân” đã và đang được xây dựng trên địa bàn huyện thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, cộng đồng xã hội; thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Đây là chính sách rất có ý nghĩa với địa phương và người dân ở cơ sở.
Dự kiến, trong năm 2024-2025, tỉnh Ninh Bình sẽ trích trên 84 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách để thực hiện Nghị quyết số 43, phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa; cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,99%.
Có thể khẳng định, Nghị quyết 43/NQ-HĐND là một trong những chính sách tiêu biểu, thể hiện sự quan tâm, chú trọng của cả hệ thống chính trị, dành nhiều nguồn lực để thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Việc thực hiện Nghị quyết 43 một cách hiệu quả cũng là hành động thiết thực góp phần vào mục tiêu chung của toàn tỉnh và cả nước là xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong năm 2025.
Những ngày tháng 11 vàng ươm nắng, văng vẳng trong sân ngôi chùa cổ là những câu hát “Trường Yên yêu dấu hai tiếng ngọt ngào/ Cố đô lịch sử Hoàng Đế anh linh/ Mảnh đất Hoa Lư ngàn đời rực rỡ/ Rất đỗi tự hào con hát khúc dân ca...” phục vụ khách du lịch trên địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Đó cũng là những tình cảm của các thành viên Câu lạc bộ Bông Lau của xã Trường Yên đối với quê hương yêu dấu.
Được thành lập từ tháng 8/2024 theo tinh thần Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030 (Nghị quyết 105), các thành viên 2 Câu lạc bộ Bông Lau và Làn Sóng Xanh của xã Trường Yên đã hăng say thi đua, phấn khởi tập luyện các tiết mục văn nghệ như tế cửu khúc, hát chèo, hát quan họ, hát xẩm… nhằm phục vụ khách du lịch; tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Cô Nguyễn Thị Tương, Trưởng thôn Đông Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bông Lau cho biết: “Chúng tôi luôn tự hào và ý thức quê hương Trường Yên nằm trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, là vùng đất tiềm năng du lịch của cả tỉnh nên muốn góp một phần công sức của mình để đưa Ninh Bình đến gần hơn nữa với khách du lịch. Đặc biệt, UBND xã Trường Yên đã mời các thầy, cô giáo trực tiếp dạy về kỹ thuật hát các làn điệu dân ca, làm quen với nhạc cụ dân tộc, càng nhân lên tình yêu nghệ thuật truyền thống trong mỗi chúng tôi”.
Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Trường Yên nhận xét, từ khi đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng tại địa phương được thành lập theo Nghị quyết 105, hoạt động của các câu lạc bộ duy trì thường xuyên, quy củ, có quy chế sinh hoạt bài bản, không còn tự phát như trước kia. Từ khi thành lập đến nay, các câu lạc bộ đã không ngừng đổi mới nội dung sinh hoạt, tích cực tìm tòi, sưu tầm và sáng tác nhiều tiết mục biểu diễn như hát chèo, cải lương, hát dân ca, hoặc ứng dụng tinh hoa âm nhạc của mọi miền đất nước với nội dung hấp dẫn phong phú, phù hợp với từng đoàn khách đến tham quan; đồng thời cũng là để góp phần quảng bá du lịch cho Quần thể danh thắng Tràng An. Sau hơn 2 tháng hoạt động hiệu quả như hiện nay, 2 câu lạc bộ của xã Trường Yên đã tự tin nộp hồ sơ xin hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh để mua sắm thêm trang phục, đạo cụ và khen thưởng động viên cho những thành viên tích cực, xuất sắc nhất.
“Mô hình câu lạc bộ được thành lập theo Nghị quyết 105 của tỉnh là đã thực hiện được mục tiêu kép, bởi vừa góp phần lưu giữ những giá trị đặc sắc của quê hương, lại vừa góp phần tăng thêm tính hấp dẫn cho du khách mỗi khi về tham quan, trải nghiệm ở Tràng An. Trong thời gian qua, các câu lạc bộ đã tập luyện và biểu diễn thành công nhiều vở diễn và các trích đoạn, tham gia nhiều cuộc thi cả trong và ngoài tỉnh, đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Ngoài vai trò lưu giữ lại những giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật tuồng do ông cha truyền lại, các câu lạc bộ này chắc chắn sẽ là nòng cốt, là đại sứ du lịch trong việc phát triển du lịch của huyện Hoa Lư nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung”-Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoa Lư khẳng định.
Mô hình các câu lạc bộ kể trên chỉ là một trong rất nhiều nội dung hỗ trợ của Nghị quyết 105 nhằm phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030. Nghị quyết tập trung hỗ trợ phát triển 4 nhóm vấn đề chính, đó là: Phát triển nguồn nhân lực; tham gia các chương trình xúc tiến trong và ngoài nước; phát triển sản phẩm du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An. Trong từng nhóm vấn đề, có quy định các đối tượng, nội dung, điều kiện, thời điểm, mức hỗ trợ và hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đây chính là sự cụ thể hóa bằng hành động của 4 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành từ năm 2001 đến nay. Nghị quyết thêm một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của bước chuyển hướng chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu” của du lịch, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh mà Nghị quyết số 07-NQ/TU năm 2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 của Tỉnh ủy đã nêu rõ.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoa Lư Nguyễn Văn Cường chia sẻ thêm: Điểm mới, cũng là điểm nổi trội của Nghị quyết 105 này là tất cả các chính sách hỗ trợ đều có tác động, chi phối trực tiếp đến đời sống tinh thần và vật chất của mỗi gia đình, người dân trong vùng du lịch. Tôi chỉ đơn cử một ví dụ. Riêng các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức du lịch tuy ngắn hạn, tưởng chừng như đơn giản nhưng rất hiệu quả, làm thay đổi tư duy của người dân về du lịch. Người dân hiểu thế nào là du lịch, làm sao để phát triển kinh tế du lịch. Muốn làm du lịch, điều đầu tiên bà con phải bảo vệ di sản, phải làm đẹp từ chính ngôi nhà mình, đường làng, ngõ xóm của mình và đẹp từ cách cư xử của mình... Đó cũng là cơ sở bắt nguồn của những phong trào “10 phút sạch nhà, sạch ngõ”, “Nhà sạch, đường đẹp”… Đó cũng chính là những hành động cụ thể nhất để bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên, coi đó là động lực, là sức mạnh cho sự phát triển.
Ninh Bình luôn xác định lấy người dân là trung tâm trong mọi hoạt động, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của Nhân dân để phát triển du lịch; khuyến khích sự tham gia của người dân để họ được hưởng lợi, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Xuyên suốt các nghị quyết chuyên đề về du lịch, tỉnh Ninh Bình đều kiên định mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là người dân trong vùng di sản. Việc đưa cuộc sống của người dân vào nghị quyết là nguyên tắc bất biến trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng. Như vậy, nhờ những quyết sách kịp thời như Nghị quyết 105, sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền đã góp phần xây dựng ý thức khai thác du lịch bền vững của mỗi người dân địa phương. Không ai khác, chỉ có thể là những người dân nơi đây mới “gánh vác” những sứ mệnh lịch sử đặc biệt để trao truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với cốt cách riêng của Ninh Bình.
“Chúng ta không nhìn nhận quá trình phát triển du lịch của tỉnh chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế mà đây chính là công tác xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt có trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn chiến lược của Đảng, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của Nhân dân, gìn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên mà các bậc tiền nhân đã để lại cho Ninh Bình một cách bền vững, hiệu quả” - Đồng chí Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Đánh giá về thành công của Ninh Bình trong chiến lược phát triển du lịch, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhận định: “Ninh Bình đã viết nên câu chuyện thành công mà không có bất kỳ dị bản nào trên thế giới. Ở đó người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể làm sống lại những giá trị của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Thực hiện Nghị quyết 105 cũng là sự cụ thể hóa 2/3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch của tỉnh. Đó là (1) Luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hi sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; (2) Xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và Nhân dân”.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND được coi như một trong những đòn bẩy để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ những kết quả đạt được đã cho thấy tính đúng đắn của Nghị quyết số 105, là kết nối hài hòa giữa phát triển văn hóa với kinh tế, từng bước phát huy những tiềm năng, thế mạnh văn hóa để chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của Cố đô, đã bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế mới của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, việc thực hiện tốt các chính sách văn hóa trong kinh tế sẽ góp phần khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và lan tỏa những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng văn hóa, lối sống con người vùng đất Cố đô đang hướng tới tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Việc ban hành kịp thời và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển du lịch của HĐND tỉnh Ninh Bình đã góp phần củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền và cũng thể hiện rõ tính nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Việt Nam.
Kỳ 2: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-quyet-sach-vi-dan-048895.htm