Kỳ 2: Chế biến các sản phẩm đặc hữu, OCOP, hữu cơ thành sản phẩm chủ lực

Thực hiện Chương trình 'Mỗi xã, phường một sản phẩm', hàng trăm sản phẩm bản địa, đặc hữu của tỉnh Bắc Kạn được 'nâng cấp' đạt tiêu chuẩn OCOP. Tới thời điểm hiện nay, nhiều sản phẩm trở thành mặt hàng chủ lực được tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Sản phẩm nông nghiệp bản địa đặc hữu là sản phẩm từ một loài cây hoặc con chỉ sống và tồn tại ở riêng một khu vực địa lý, trong một không gian với điều kiện về đất, nước, khí hậu riêng của vùng. Theo lý thuyết và thực tiễn về mặt thương mại, thì khi một vùng đất nào đó sở hữu riêng có một loại sản phẩm nông nghiệp đặc hữu mà các vùng đất khác không thể có hoặc có lợi thế kém hơn hẳn, thì nơi sở hữu sản phẩm đặc hữu sẽ có lợi thế tuyệt đối trong cạnh tranh. Chính tính “độc quyền” ấy là lợi thế, là điều kiện số một cho địa phương phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Các sản phẩm từ nghệ đã thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Các sản phẩm từ nghệ đã thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Có thể kể đến những sản phẩm bản địa, đặc hữu là thế mạnh của Bắc Kạn như gạo Khẩu Nua Lếch, gạo Bao thai Chợ Đồn, trà hoa vàng, chè, tinh bột nghệ, gừng, bí xanh thơm, miến dong, hồng không hạt, quả mơ, lợn bản địa, rượu Bằng Phúc, rượu suối nguồn Nà Hai…Trong đó, nhiều sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, hữu cơ. Đây là mặt hàng chủ lực, được sản xuất với sản lượng lớn tiêu thụ rộng khắp trên thị trường trong và ngoài nước.

Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của tỉnh chú trọng tập trung phát triển các sản phẩm bản địa, đặc hữu; từ đó phát triển thành sản phẩm đạt tiêu OCOP, hữu cơ, tiến tới sản xuất quy mô lớn, đóng vai trò hàng hóa chủ lực để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trên thị trường toàn quốc.

Một số sản phẩm đặc hữu có giá trị kinh tế cao đã được tỉnh chỉ đạo tập trung đẩy mạnh phát triển thành mặt hàng chủ lực trong thời gian tới như cây dong riềng (để chế biến thành sản phẩm miến dong) được trồng nhiều trên địa bàn huyện Ba Bể và Na Rì. Sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng mỗi năm trên 2.000 tấn và được tiêu thụ rộng rãi khắp toàn quốc và xuất khẩu.

Tinh bột nghệ, curcumin nghệ Bắc Kạn được sản xuất chế biến từ củ nghệ được trồng trên đất Bắc Kạn. Với khả năng kháng viêm, điều trị các vết thương hở, điều trị bệnh dạ dày, thanh lọc máu, giúp cơ thể đào thải các độc tố… Do đó, các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột nghệ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã mở rộng sản xuất, liên kết với người dân phát triển ổn định vùng nguyên liệu. Một số cơ sở cũng chiết xuất thành công nano curcumin từ củ nghệ. Nhờ đó, cây nghệ đang trở thành cây trồng có tiềm năng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, mang lại thu nhập lớn cho người dân Bắc Kạn.

Bí xanh thơm là cây trồng phổ biến ở mọi địa phương, trái bí có dáng thon dài, vỏ dày và cứng với các đặc điểm toàn bộ thân, lá, hoa và quả có mùi thơm đặc trưng. Trọng lượng trung bình mỗi quả đạt khoảng 1,5 - 3kg. Khi trồng trên địa bàn xã Địa Linh, Yến Dương, huyện Ba Bể thì bí xanh đậm vị và có mùi thơm hấp dẫn được người tiêu dùng ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ. Vụ bí năm 2022 vừa qua, huyện Ba Bể trồng được hơn 100ha, năng suất trung bình 35 - 40 tạ/ha. Toàn bộ sản phẩm đã được tiêu thụ nhanh chóng. Ngoài ra, bí xanh còn được chế biến thành trà bí được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện bí xanh thơm đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.

Miến dong là mặt hàng đặc hữu có sản lượng lớn đang được đẩy mạnh sản xuất.

Miến dong là mặt hàng đặc hữu có sản lượng lớn đang được đẩy mạnh sản xuất.

Sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc (Chợ Đồn) đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể vào cuối năm 2018. Cùng với chè Shan tuyết Yên Hân (Chợ Mới) tạo thành thương hiệu chè đặc sản của Bắc Kạn được người tiêu dùng ưa thích. Đối với cây chè Shan tuyết cổ thụ, vì đặc điểm mọc ở núi cao, vùng khí hậu mát mẻ quanh năm nên chất lượng luôn được khẳng định. Hiện có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện đầu tư, sản xuất, chế biến và phân phối chè Shan tuyết.

Ngoài ra, những sản phẩm như miến dong, gạo Bao thai, gạo Japonica, Khẩu Nua Lếch, trà hoa vàng, khoai môn, hạt dẻ, thịt chua, thịt lợn treo gác bếp… đều có thể đẩy mạnh phát triển, vì những sản phẩm trên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước chứ chưa nói tới xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Từ lợi thế, tiền đề đã có sẵn là các sản phẩm đặc hữu đã được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP, hữu cơ, có thương hiệu trên thị trường, tỉnh Bắc Kạn đã và đang thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu cây trồng đặc hữu. Đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất chế biến quy mô lớn. Ngoài ra, tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, thuế, lao động, tín dụng… mời gọi các nhà đầu tư đến Bắc Kạn để sản xuất và chế biến nông sản chất lượng cao.

Phát triển sản phẩm nông nghiệp sản phẩm đặc hữu, OCOP, hữu cơ thành sản phẩm chủ lực là hướng đi phù hợp với phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần lưu ý các yếu tố như cách thức nuôi trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm; công tác quảng bá cần đúng trọng tâm, để cho người dùng thấy được giá trị đặc trưng riêng về chất lượng. Khi triển khai hiệu quả các yếu tố này để phát triển sản phẩm theo quy mô lớn, sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng vượt trội hơn hẳn và đương nhiên sẽ có giá trị kinh tế rất cao./.

(còn nữa)

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202211/chien-luoc-phat-trien-nong-nghiep-va-nong-thon-ben-vung-ky-2-che-bien-cac-san-pham-dac-huu-ocop-huu-co-thanh-san-pham-chu-luc-4b807e9/