Kỳ 2: Giải bài toán lãng phí thực phẩm - thách thức của các đô thị lớn
Nhiều khu vực trên thế giới và Việt Nam đang đối mặt với các thách thức về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và quản lý rác thải. Tại Hà Nội, rác hữu cơ, đặc biệt là phế phẩm thực phẩm, đang gây áp lực lớn lên hệ thống xử lý chất thải vốn đã quá tải. Lãng phí thực phẩm không chỉ là hệ quả của thói quen tiêu dùng thiếu kiểm soát mà còn là dấu hiệu cho thấy những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và chính sách quản lý chất thải đô thị.
Để thực phẩm không còn là “đồ bỏ đi”

Việc thiếu phân loại rác tại nguồn không chỉ làm giảm khả năng tái chế mà còn gia tăng chi phí thu gom và xử lý rác tại các bãi chôn lấp. Ảnh minh họa
Rác hữu cơ: “gánh nặng âm thầm” của đô thị
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sustainability năm 2020, mỗi hộ gia đình tại Hà Nội lãng phí trung bình 1,192 kg thực phẩm/ngày, trong khi ở khu vực nông thôn là 1,694 kg/ngày. Khi quy đổi theo đầu người, mức lãng phí dao động từ 285g ở khu vực đô thị đến 423g/người/ngày ở vùng nông thôn.
Điều đáng lưu ý là phần lớn lượng thực phẩm bị bỏ đi không phải là đồ ăn hỏng hay thừa sau bữa ăn mà là phế phẩm từ quá trình chế biến như vỏ rau củ, xương, lá thừa… chiếm tới hơn 70% tổng lượng lãng phí. Đây là kết quả của thói quen sơ chế thiếu tiết kiệm và thiếu các giải pháp tận dụng rác hữu cơ hiệu quả.
Một nghiên cứu do Trường Đại học Tsukuba (Nhật Bản) thực hiện năm 2021 cho thấy, trung bình mỗi người dân Hà Nội tạo ra 0,63 kg rác mỗi ngày, trong đó tới 78,9% là rác hữu cơ từ thực phẩm và làm vườn. Con số này vượt xa tỷ trọng các nhóm rác khác và đang trở thành “gánh nặng âm thầm” đối với hệ thống xử lý chất thải của thành phố.
Dù có lượng rác hữu cơ lớn như vậy, nhưng hiện nay chỉ dưới 20% hộ dân Hà Nội thực hiện phân loại và tái sử dụng rác hữu cơ, chủ yếu ở các vùng ngoại thành – nơi phụ phẩm từ thực phẩm được tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi. Ở khu vực nội đô, rác thực phẩm thường bị bỏ chung với các loại rác thải khác hoặc chỉ đơn giản là được đem cho bạn bè, người quen có nuôi thú cưng.
Việc thiếu phân loại tại nguồn không chỉ làm giảm khả năng tái chế, mà còn tạo ra khí sinh học gây mùi hôi, gia tăng chi phí thu gom và xử lý rác tại các bãi chôn lấp, vốn đang ngày càng quá tải.

Theo các chuyên gia y tế, các đô thị sẽ rơi vào khủng hoảng môi trường, dịch bệnh nếu không xử lý được vấn đề về tích tụ rác thải thực phẩm. Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây lãng phí thực phẩm
Nguyên nhân chính của lãng phí thực phẩm tại hộ gia đình đến từ thói quen tiêu dùng thiếu kiểm soát. Nhiều người dân thường mua sắm thực phẩm không theo kế hoạch, nấu ăn dư thừa và bảo quản không đúng cách. Thói quen nấu trước, bỏ tủ lạnh rồi quên khá phổ biến, dẫn đến thực phẩm quá hạn, hư hỏng mà buộc phải loại bỏ.
Trong khi đó, ở các nhà hàng, quán ăn, tình trạng đặt món quá nhiều, khẩu phần không phù hợp hoặc không thể mang về phần ăn thừa cũng là nguyên nhân khiến thực phẩm bị vứt bỏ với số lượng lớn mỗi ngày.
Ngoài ra, thiếu hạ tầng phân loại rác hữu cơ tại nguồn cũng là một nguyên nhân. Phần lớn người dân chưa được hướng dẫn phân loại rác, và các địa phương cũng chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác hữu cơ riêng biệt. Vì vậy, thực phẩm dù có thể tận dụng vẫn bị vứt bỏ cùng rác vô cơ và trở nên vô giá trị.
Một nguyên nhân quan trọng khác là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống hậu cần, kho lạnh và chuỗi cung ứng. Theo khảo sát của CEL Consulting (công ty chuyên cung cấp các giải pháp tư vấn, kỹ thuật, công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và vận hành nông nghiệp), tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra ở tất cả các khâu của chuỗi cung ứng, từ lúc bắt đầu được thu hoạch cho đến khi thành thức ăn. Khoảng 25% lượng thực phẩm sản xuất bị thất thoát trước khi đến được nhà máy chế biến hoặc trung tâm phân phối. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỷ USD, khoảng 2% GDP của Việt Nam.
Nhiều thực phẩm bị hư hỏng ngay từ sau thu hoạch do không được bảo quản đúng cách, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển và lưu trữ thiếu chuỗi lạnh. Hệ quả là, lượng thực phẩm chưa đến tay người tiêu dùng đã bị loại bỏ từ khâu đầu chuỗi.

Các tình nguyện viên của Hanoi Food Rescue chia sẻ những suất ăn còn nguyên vẹn cả hình thức lẫn chất lượng từ quầy buffet tới người khó khăn tại Hà Nội. Ảnh: BTC
Tín hiệu tích cực từ các mô hình, giải pháp giảm lãng phí thực phẩm
Mặc dù thực trạng đáng lo ngại, Hà Nội cũng đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều mô hình sáng tạo và khả thi nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm.
Nhiều chương trình truyền thông hiện đang hướng đến việc nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lên kế hoạch bữa ăn, mua sắm đúng nhu cầu, bảo quản thực phẩm đúng cách và tái chế thực phẩm dư thừa. Các mẹo như sử dụng lọ thủy tinh, túi hút chân không, phân chia khẩu phần nhỏ, hoặc biến đồ ăn thừa thành món mới đang được phổ biến mạnh mẽ qua báo chí, mạng xã hội, hội nhóm nấu ăn...
Hanoi Food Rescue (HFR) là tổ chức tình nguyện và cứu trợ thực phẩm được thành lập từ năm 2012 bởi các bạn học sinh trên khắp địa bàn Hà Nội. Được ví như “Biệt đội giải cứu đồ ăn”, các bạn trẻ sẽ mang những suất ăn dư thừa còn nguyên vẹn về cả hình thức và chất lượng từ các nhà hàng, khách sạn, hộ gia đình đến với những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong suốt quá trình hoạt động, tất cả các thành viên của Hanoi Food Rescue luôn nỗ lực làm việc với hy vọng sẽ phát triển được một mô hình "Ngân hàng thực phẩm" hiệu quả ở Việt Nam. Đây là mô hình đã và đang được xây dựng, áp dụng ở nhiều nước trên thế giới vì có ý nghĩa nhân văn rất lớn.
Tổ chức VietHarvest hiện đang là một trong những đơn vị tiên phong trong hoạt động thu gom thực phẩm dư thừa tại Hà Nội. Trung bình mỗi tuần, đơn vị này thu gom từ khoảng 10 nhà hàng, bảo quản bằng xe đông lạnh và chuyển đến các cơ sở từ thiện. Trong vòng 2 năm hoạt động, VietHarvest đã hỗ trợ hơn 90.000 bữa ăn, tương đương gần 45 tấn thực phẩm được tái phân phối.
Ngoài ra, mô hình REACH – Giải cứu thực phẩm Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (sáng kiến giữa Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm Công tác Xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam) cũng đã tổ chức nhiều đợt thu gom thực phẩm quy mô lớn, phân phối hàng trăm nghìn suất ăn tới người dân khó khăn. Những mô hình này không chỉ giảm lãng phí mà còn đóng góp tích cực vào an sinh xã hội.
Một số phường ở Hà Nội đang triển khai thí điểm phân loại rác hữu cơ tại nguồn, kết hợp hướng dẫn người dân sử dụng thùng phân ủ tại nhà hoặc đưa rác hữu cơ đến điểm thu gom riêng biệt. Việc ủ phân compost, đưa rác thải về trại chăn nuôi hoặc chế biến phân bón sinh học cũng là hướng đi đang được khuyến khích mở rộng. Tuy nhiên, để mô hình này lan rộng, cần có hỗ trợ từ chính quyền địa phương về hạ tầng, kỹ thuật và cơ chế khuyến khích phù hợp.
Từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án về ưu đãi thuế đất, kết nối nông dân với doanh nghiệp, và hỗ trợ đầu tư hậu cần chuỗi lạnh đã được triển khai. Tuy vậy, tốc độ vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng so với mức độ tăng trưởng dân số và tiêu dùng tại Hà Nội.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính đến năm 2024, dân số Hà Nội đạt xấp xỉ 8,9 triệu người, trong đó hơn 50% cư trú tại khu vực đô thị, nơi tốc độ đô thị hóa trung bình duy trì ở mức 3–4% mỗi năm, cao hơn mức trung bình cả nước. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức để xây dựng mô hình quản lý thực phẩm bền vững, góp phần xây dựng quy trình sản xuất - tiêu dùng - tái sử dụng hiệu quả hơn trong tương lai.