Kỳ 2: Thời kỳ vàng để chuyển đổi số nhanh, toàn diện và bao trùm

Ngày chuyển đổi số Ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra hồi tháng 5 vừa qua là sự kiện quan trọng, khẳng định sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta đối với toàn Ngành Ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Giữ vững vị trí tiên phong trong đổi mới và sáng tạo, Vietcombank luôn áp dụng các chuẩn mực quốc tế tốt nhất, ưu tiên tăng cường đầu tư ngân sách và nguồn nhân lực trình độ cao nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

 Vietcombank nhận Giải thưởng Sao Khuê năm 2024 dành cho giải pháp Ngân hàng số toàn diện dành cho hệ sinh thái của doanh nghiệp – VCB CashUp.

Vietcombank nhận Giải thưởng Sao Khuê năm 2024 dành cho giải pháp Ngân hàng số toàn diện dành cho hệ sinh thái của doanh nghiệp – VCB CashUp.

Chủ động đối diện thách thức mới

Trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng thiết yếu trong rất nhiều lĩnh vực, nhất là đối với ngành tài chính - ngân hàng. Hiện nay, phát triển nhanh, xanh và bền vững đang giữ vai trò và ý nghĩa quan trọng trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững của Việt Nam. Và một trong những yếu tố quyết định để thực hiện các mục tiêu này là nguồn lực tài chính gắn với chuyển đổi số.

Thực hiện mục tiêu chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, Chính Phủ đã xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, theo đó các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số; Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; Phát triển dữ liệu số quốc gia; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11-5-2021 Phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới lao đao nhưng đây cũng chính là một cú huých lớn đối với tất cả mọi lĩnh vực, buộc chúng ta phải thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng, nhanh chóng thích nghi, áp dụng công nghệ trong mọi hoạt động của đời sống – xã hội sau những quyết định về phong tỏa, cách ly, lockdown (đóng cửa) của các cấp chính quyền ở khắp nơi trên thế giới. Dịch bệnh đã định hình lại hoàn toàn cách mà tất cả mọi người thực hiện trong cuộc sống của họ, từ việc mua sắm đến sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Tất cả đều chuyển đổi dần sang các nền tảng kỹ thuật số.

Rõ ràng Ngành Ngân hàng là nơi bắt đầu sớm nhất trong việc áp dụng công nghệ trong hoạt động và ngày càng phát triển, tạo sự thay đổi ấn tượng tích cực trong nhiều năm qua; nhưng khi đại dịch xảy ra chuyển đổi số trong lĩnh vực này bắt đầu phát triển mạnh mẽ và ngay lập tức do sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu người dùng, áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Chuyển đổi số trong Ngân hàng có thể hiểu đơn giản đó là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và cách thức hoạt động của ngân hàng thông qua công nghệ. Trong Ngành Ngân hàng, chuyển đổi số còn có nghĩa là cải tiến nhiều lĩnh vực liên quan đến dịch vụ bao gồm: Tự động hóa quy trình; nâng cao trải nghiệm khách hàng; tích hợp dữ liệu; nâng cao tính linh hoạt của tổ chức và bán hàng... Thói quen của người tiêu dùng đã chuyển dịch mạnh từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng online và thanh toán không dùng tiền mặt; chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, kiểm tra số dư và xem lịch sử giao dịch chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại di động. Chính vì vậy, các ngân hàng buộc phải chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu người dùng. Rõ ràng nhất là sự phổ biến của các ngân hàng số, ngân hàng trực tuyến đã ra đời nhằm tăng cường trải nghiệm khách hàng.

Điều có thể nhận thấy đầu tiên đó là các ngân hàng hiện nay đều đang tập trung vào cải thiện các tính năng trên ứng dụng di động nhằm tăng trải nghiệm khách hàng, giúp họ có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Việc thu hút người dùng mới cũng như khai thác tốt nhất những nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng là mục tiêu quan trọng nhất của mỗi ngân hàng bởi người tiêu dùng dễ dàng thay đổi ngân hàng khi họ gặp phải những trải nghiệm không tốt, do đó áp lực cạnh tranh đang ngày càng gia tăng giữa các ngân hàng thương mại.

Xây dựng hệ sinh thái số

Nhiều doanh nghiệp tài chính, ngân hàng tại Việt Nam đang trong cuộc đua chuyển đổi số nhằm tối ưu chi phí, quy trình, bảo đảm an toàn dữ liệu, đồng thời gia tăng trải nghiệm khách hàng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc số hóa hiện nay hầu hết mới dừng lại ở các tác vụ đơn lẻ như chăm sóc khách hàng, bán hàng chứ chưa thật sự được triển khai theo một chiến lược tổng thể và toàn diện. Quá trình chuyển đổi số cũng đòi hỏi một khoản chi phí đầu tư khổng lồ, không chỉ đầu tư về mặt công nghệ, mà còn về cơ sở hạ tầng và đào tạo con người.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Hiện nay, có hơn 87% người trưởng thành mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, với tổng số 180 triệu tài khoản và 138 triệu thẻ ngân hàng. Số lượng điểm chấp nhận thẻ đạt 1,8 triệu đơn vị, cùng mạng lưới thanh toán chấp nhận mã QR đang ngày càng phủ rộng nhanh chóng; nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Trong 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch không dùng tiền mặt đạt 7,83 tỷ giao dịch, với tổng giá trị 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, thanh toán qua internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị; giao dịch qua mã QR tăng 104,2% về số lượng và 99,5% về giá trị. Chính vì thế, chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 được Chính phủ lựa chọn là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó Ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hằng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế cũng như mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng cần nỗ lực đi đầu trong tiến trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Khi xã hội đang thay đổi từ phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất thì đây chính là thời kỳ vàng để thay đổi toàn bộ các lĩnh vực một cách toàn diện và bao trùm.

Giải bài toán số

Trong một khảo sát của BDO với các vị trí cấp C-level của 300 công ty lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, sau 3 năm áp dụng chiến lược chuyển đổi số, có đến 62% doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu trên 10% hằng năm, 32% có mức tăng trưởng doanh thu từ 1-9%. Về lợi nhuận, cũng sau 3 năm đó những công ty có mức tăng trưởng trên 10% hàng năm là 61% và 32% có mức tăng trưởng doanh thu từ 1-9%.

Nhưng để có thể chuyển đổi số nhanh, toàn diện và bao trùm, các ngân hàng cần thực hiện 5 bước sau: Xác định chiến lược chuyển đổi số; nghiên cứu, phân tích vấn đề; xây dựng lộ trình chuyển đổi số; triển khai chuyển đổi số và cuối cùng là đánh giá, báo cáo và cải tiến.

Lãnh đạo Khối Công nghệ Thông tin (CNTT) Vietcombank cho biết: CNTT đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực các mục tiêu chiến lược của Vietcombank, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Đảng ủy, Ban lãnh đạo Vietcombank đã và đang rất quyết tâm ưu tiên đầu tư thích đáng cho công nghệ thông tin và không hạn chế bất cứ nguồn lực nào.

10 năm trở lại đây cũng là giai đoạn Vietcombank tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ hơn 110 dự án chuyển đổi, nâng cao năng lực quản trị điều hành theo các chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng; tối ưu hóa và tự động hóa quy trình; quản trị rủi ro hiệu quả. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang quyết liệt triển khai kế hoạch hành động chuyển đổi tổng thể và toàn diện nhằm mục tiêu đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số trong tốp các ngân hàng dẫn đầu ASEAN vào năm 2025, bao gồm hơn 300 sáng kiến với 4 trụ cột: Số hóa (Digital), dữ liệu (Data), công nghệ (Technology) và chuyển đổi (Transformation). Cùng với quá trình tái cơ cấu, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, Vietcombank đặc biệt chú trọng vai trò của CNTT, xác định CNTT là yếu tố quan trọng, then chốt nhất trong định hướng phát triển ngân hàng chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với việc hiện đại hóa hệ thống CNTT, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, quản trị và điều hành ngân hàng dựa trên nền tảng CNTT hiện đại, Vietcombank cũng đã cung cấp nhiều sản phẩm/dịch vụ mới trên nền tảng ngân hàng số hiện đại.

 Vietcombank nhận Giải “Sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu” tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit - VWAS 2024).

Vietcombank nhận Giải “Sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu” tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit - VWAS 2024).

Trước tiềm năng phát triển của việc ứng dụng công nghệ số, cùng với nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ ngày càng cao của khách hàng, nhất là thế hệ khách hàng trưởng thành ưa chuộng công nghệ, việc phát triển ngân hàng số là một xu thế tất yếu liên quan đến sự tồn tại và phát triển của các ngân hàng trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt trong nước và quốc tế. Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Vietcombank đã xây dựng Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó cụ thể hóa quan điểm và nhận thức về phát triển ngân hàng số trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Với mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về ngân hàng số, xác định phát triển ngân hàng số là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển của Vietcombank trong giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Đảng, Chính phủ, NHNN; Đảng ủy Vietcombank đã ban hành nghị quyết số 339 – NQ/ĐU “Về chuyển đổi số của VCB trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đây là nghị quyết trọng tâm, định hướng mục tiêu chiến lược: toàn bộ hệ thống chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; chuyển đổi của Vietcombank phải gắn liền với chiến lược phát triển, đề án phát triển hoạt động Ngân hàng số của Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, gia tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của Vietcombank thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong chuyển đổi số của Vietcombank; bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, NHNN về Chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đền năm 2030, kế hoạch Chuyển đổi số Ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đảng ủy Vietcombank cũng yêu cầu các cấp ủy đảng, ban giám đốc các chi nhánh thực hiện triển khai sâu, rộng nội dung của nghị quyết đến cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống; thực hiện đổi mới toàn diện hoạt động theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ, Đảng ủy Khối, NHNN; phát triển, gia tăng tiện ích, nâng cạo trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện; phát triển bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Để thực hiện các mục tiêu chiến lược nói trên, Vietcombank cần hiện đại hóa nền tảng công nghệ và hạ tầng dữ liệu; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu; số hóa đa kênh hợp nhất; phát triển kiến trúc hướng dịch vụ; tăng cường các biện pháp an ninh; tăng cường hạ tầng CNTT, nền tảng, công cụ phục vụ chuyển đổi số; tăng cường cải thiện trải nghiệm khách hàng; tối ưu hóa quy trình nội bộ; đẩy mạnh ứng dụng AI. Bên cạnh đó, Vietcombank cần chuyển đổi mô hình hoạt động thích ứng với chuyển đổi số: Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng số; chuyển đổi mô hình hoạt động và xây dựng văn hóa chuyển đổi số tại Vietcombank; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái số trong sự hợp tác với Fintech.

Thời gian qua, một số sản phẩm dịch vụ số Vietcombank triển khai áp dụng được đánh giá cao như: Cung cấp dịch vụ đăng ký mua vàng trực tuyến, qua đó truyền thông đến người dân về sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng số; ứng dụng thanh toán học phí trực tuyến tại các trường học, thanh toán hóa đơn; là ngân hàng đầu tiên thực hiện kết nối App to App với ứng dụng VneID để thực hiện xác thực sinh trắc học, giúp người dân không có điện thoại hỗ trợ NFC cũng có thể xác thực một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là một cơ hội, mà còn là một bước đi quyết định để mỗi hệ thống ngân hàng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng khách hàng và mở rộng tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh cơ hội đương nhiên sẽ có không ít khó khăn và thách thức. Chính vì vậy, Đảng ủy, Ban lãnh đạo và cán bộ, đảng viên Vietcombank không ngừng cố gắng để có thể giữ vững vị trí dẫn đầu; luôn mở rộng đầu tư nâng cấp, đổi mới và phát triển hạ tầng công nghệ thông qua việc giành ngân sách đầu tư đủ lớn mỗi năm cũng như tăng cường nguồn nhân lực trình độ cao nhằm bảo đảm tính ổn định và sẵn sàng của hệ thống. Vietcombank đã xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, bảo mật, bảo đảm hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, tạo cho ngân hàng vị thế vượt trội trên thị trường.

Với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, thương hiệu, nguồn nhân lực có chất lượng, tinh thần sẵn sàng đổi mới và quyết tâm nỗ lực của toàn hệ thống sẽ là nền tảng đưa Vietcombank tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bao trùm, vươn ra biển lớn và thực hiện mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về ngân hàng số đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu khu vực ASEAN.

Hồ Văn Tuấn

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/ky-2-thoi-ky-vang-de-chuyen-doi-so-nhanh-toan-dien-va-bao-trum-22046