Kỳ 2: Vận hội để Tây Hồ 'cất cánh'

Từng bước cụ thể hóa Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về 'phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025', cùng với đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về 'phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045', quận Tây Hồ dần khẳng định mình với nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành một trung tâm văn hóa du lịch của Thủ đô - mảnh đất Thăng Long 'ngàn năm văn hiến'.Kỳ 1: Hiện thực hóa khát vọng 'rồng bay'

Đồng chí Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, với bề dày lịch sử văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoàn toàn tin tưởng và kỳ vọng về việc hình thành một trục không gian văn hóa sáng tạo tại quận Tây Hồ xứng tầm với những giá trị văn hóa độc đáo này. Đồng thời khẳng định rõ: “Chúng tôi tin tưởng Tây Hồ hoàn toàn xứng đáng với vị thế là một trong những trung tâm của Thủ đô cùng với Hoàn Kiếm, Ba Đình…, để từ đó, Tây Hồ có thể tự khẳng định và viết tên mình trên bản đồ văn hóa của Thủ đô”.

Chỉ trong vòng một năm qua, Tây Hồ đã trở thành một điểm đến, nơi tổ chức các sự kiện chính trị văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội cũng như Việt Nam.

Lần đầu tiên, tại Không gian Văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn), 1.200 cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn cùng nhau thể hiện màn dân vũ đặc sắc trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc TP. Hà Nội năm 2023. Vũ điệu đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Màn múa "Vũ điệu kết đoàn" có số lượng người tham gia biểu diễn đông nhất Việt Nam". "Vũ điệu kết đoàn" được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân quận Tây Hồ thực hiện như một lời khẳng định về sức mạnh khối đại đoàn kết của dân tộc, là cầu nối thể hiện sự gắn bó của cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân.

“Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử” diễn ra vào đúng đêm giao thừa chào đón Xuân Giáp Thìn tại khu vực ngã ba Văn Cao, quận Tây Hồ, Hà Nội. Màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 thiết bị bay không người lái (drones) đã được ghi nhận là kỷ lục Đông Nam Á. Lễ hội ánh sáng được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội đã thu hút đông đảo người dân, bạn bè, du khách đến chiêm ngưỡng, khẳng định hình ảnh Hà Nội là một điểm đến an toàn, một vùng đất đầy năng động, mến khách, tích cực phát triển và hội nhập bằng chính những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.

Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024” diễn ra trong hai ngày 9 và 10-3-2024 và hoạt động công bố Quyết định công nhận Khu du lịch Nhật Tân là hoạt động tạo bước tiến mới trong hành trình xây dựng, phát triển Nhật Tân thành “Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” với sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu của Thủ đô. Trong đêm hội khai màn được tổ chức tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn) đã diễn ra màn biểu diễn ánh sáng với 300 drones tái hiện những hình ảnh mang tính biểu tượng của phường Nhật Tân và quận Tây Hồ như: Cầu Nhật Tân, Sen bách diệp, hoa đào Nhật Tân… cùng với chương trình nghệ thuật bán thực cảnh mang tính sử thi và màn trình diễn ánh sáng công nghệ laser mapping, đã đem đến cho người dân Thủ đô và du khách những trải nghiệm thú vị.

Xuất phát từ ý tưởng đề xuất tổ chức lễ hội vinh danh Quốc hoa như tại Nghệ An, Huế… của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, Tây Hồ tiến hành tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội từ ngày 12-7 đến ngày 16-7-2024. Đây là hoạt động qủang bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của vùng đất Tây Hồ với giống sen bách diệp nổi tiếng. Lễ hội giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống người Việt.

Ngay trong đêm khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao 2 chứng nhận Kỷ lục là Số lượng người đạp xe tham gia hành trình xanh "Sắc sen Tây Hồ" đông nhất Việt Nam với 7.000 người và Số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen đông nhất Việt Nam là 1.000 người.

Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra sự kiện giới thiệu 1.000 sản phẩm OCOP thể hiện văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc với trên 100 gian hàng của 33 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm về sen với điểm nhấn là bức tranh kính chân dung Bác Hồ có kích thước 1,7 m x 2,5 mét được ghép từ gần 2.000 bức ảnh về sen của các vùng miền và bức tranh "Thăng Long Huyền Diệu Hoa" được tạo tác từ 10.000 bông hoa sen. Hai bức tranh này lần đầu tiên được ra mắt người dân Thủ đô và du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Tây Hồ còn có điểm đặc biệt riêng khi tiến hành xây dựng mô hình “phường văn hóa”. Đây là địa bàn đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình này. Đến nay, toàn quận đã có 7/8 phường văn hóa. Được biết, trong điều kiện triển khai xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh còn có những tiêu chí khó, chưa thực sự phù hợp với thực tế, “phường văn hóa” chính là mô hình tiệm cận, với những tiêu chí khả thi và sát thực tế của địa phương, làm tiền đề cho việc xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh.

Việc đón nhận danh hiệu “phường văn hóa” là sự ghi nhận của quận Tây Hồ đối với các phường trong quá trình phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân. Việc xây dựng mô hình này với quan điểm: lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người; góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, nâng cao dân trí, phát triển đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy nội lực, tiềm năng của cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá rất cao những nỗ lực của quận Tây Hồ trong việc phát triển thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa của Hà Nội, cũng như cả nước. Những sự kiện gần đây ở Tây Hồ như Lễ hội trình diễn ánh sáng chào đón Xuân Giáp Thìn, Lễ hội Sen Hà Nội, những nỗ lực phát triển Phố đi bộ Trịnh Công Sơn và nhiều sự kiện khác cho thấy hướng đi đúng đắn của quận Tây Hồ.

Năm 2023, lễ kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ và lễ công bố Quyết định ghi danh Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã được tổ chức. Đây là dịp tôn vinh di sản với giá trị vững bền cũng như ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa đền Đồng Cổ và lễ hội truyền thống Hội thề Trung hiếu với câu thề “Làm con bất hiếu. Làm tôi bất trung. Thần minh tru diệt”.

Vừa qua, “Nghề Xôi Phú Thượng” cũng đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là Lễ hội gắn với lễ Thành hoàng làng được tổ chức ở Đình làng Phú Gia vào ngày mùng 8-1 âm lịch. Xôi Phú Thượng không chỉ "vang danh" trong đời thường, mà thức quà này còn được góp mặt trong những lễ khánh tiết quan trọng mang tầm vóc quốc gia.

Ngày 13-5-2024, UBND quận Tây Hồ tổ chức lễ khai trương Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó của vùng Bưởi xưa, tại số 189 Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Từ xa xưa, giấy Dó đã nổi tiếng với độ bền có thể lên tới hàng trăm năm, thường được dùng để in kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian và đặc biệt hơn cả khi các triều đại phong kiến Việt Nam dùng giấy này để viết sắc phong.

Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó không chỉ là một điểm dịch vụ, du lịch, nơi giới thiệu về một nghề truyền thống tự hào của người dân vùng Bưởi xưa, mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị của nghề làm giấy Dó truyền thống. Đây cũng sẽ là một địa chỉ tin cậy đối với người dân Thủ đô và du khách khi về tham quan, du lịch, cũng như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan.

Để chuẩn bị cho mùa sen 2024 cũng như khôi phục lại giống sen bách diệp nổi tiếng của hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và Trung tâm Khuyến nông Thành phố đã xây dựng dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội". Theo đó, quận đã xây dựng đề án “Khôi phục, phát triển trồng cây sen trên một số hồ nhỏ xung quanh khu vực Hồ Tây”, với diện tích trồng khoảng 7ha, trước mắt được thực hiện tại hồ Đầu Đồng và hồ Thủy Sứ. Đây là hoạt động nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống và xây dựng thương hiệu chè sen đặc trưng, một trong ba loại chè được sử dụng tại buổi tiệc trà giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12-2023. Trong tháng 4 và 5-2024, 7.000 cây giống sen bách diệp đã được gieo xuống các hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ. Sau hai tháng khôi phục, hiện tại, những đầm sen bách diệp ở hồ Tây đang trong thời điểm nở rộ, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Trong năm 2024, để tiếp tục thực hiện khát vọng đưa Tây Hồ trở thành “trung tâm văn hóa, du lịch” của Hà Nội, quận sẽ tập trung triển khai hoạt động quản lý và phát triển văn hóa như: Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di tích, lễ hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án trong lĩnh vực văn hóa du lịch như: Đề án “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi”; Đề án “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây”; Đề án “Phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”. Nghiên cứu đầu tư tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa điểm nhấn, đặc trưng của Tây Hồ, gắn với hồ Tây, với các di tích lịch sử - văn hóa xung quanh hồ Tây. Kết nối, tổ chức các tour du lịch văn hóa khám phá truyền thống văn hóa lịch sử địa phương. Tiếp tục đổi mới sáng tạo trong tổ chức hoạt động của Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ - phố đi bộ Trịnh Công Sơn…

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của quận, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ xác định, phát triển công nghiệp văn hóa là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Khuyến, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận, trong nhiều năm qua, Ban Thường vụ Quận ủy luôn xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, được coi là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. Ngoài đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, quận luôn xác định mỗi một người dân sinh sống trên địa bàn quận chính là nguồn nhân lực quan trọng để quảng bá văn hóa; ngoài ra còn có các hạt nhân là văn nghệ sỹ, trí thức, các nhà khoa học đang sinh sống trên địa bàn quận cũng là một nguồn lực quan trọng cho phát triển văn hóa, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa.

Các sự kiện văn hóa đặc sắc thời gian qua diễn ra tại quận Tây Hồ đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ, ghi nhận tích cực của đông đảo nhân dân trên địa bàn. Mỗi sự kiện đều giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những nét văn hóa đặc sắc riêng của mảnh đất và con người Tây Hồ. Mà qua đó, mỗi người dân cũng đóng vai trò như một “đại sứ” văn hóa bản địa. Thời gian qua, việc đem đến những không gian văn hóa sáng tạo mới với nét độc đáo riêng có của Tây Hồ đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân, tạo nên sức hút đối với khách du lịch khi đến Hà Nội.

Vừa qua, quận Tây Hồ cũng đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ”, nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, đồng thời thông tin nhanh nhất tới người dân và du khách về văn hóa du lịch quận Tây Hồ. Trong đó, ứng dụng “Tay Ho 360” đã được triển khai nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin về du lịch và văn hóa của cả người dân địa phương và du khách.

Với cảnh quan tự nhiên, di tích lịch sử và tiềm năng du lịch, đặc biệt là quyết tâm chính trị của Thành phố và quận, Tây Hồ có thể trở thành một khu vực phát triển toàn diện và đáng sống trong tương lai. Do đó, để đánh thức tiềm năng và lợi thế của quận Tây Hồ, đặc biệt trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta cần thực hiện một số chiến lược và biện pháp như:

Thứ nhất, tập trung quy hoạch và phát triển hạ tầng văn hóa bằng cách đầu tư vào các cơ sở hạ tầng như trung tâm triển lãm nghệ thuật, thư viện và bảo tàng…, cũng như thiết lập các khu vực công cộng như công viên, quảng trường và không gian ngoài trời dành cho các hoạt động văn hóa và nghệ thuật cộng đồng. Đây sẽ là các địa điểm quan trọng để tổ chức các sự kiện văn hóa, triển lãm và hoạt động nghệ thuật.

Thứ hai, hỗ trợ các hoạt động và sự kiện văn hóa thông qua việc định kỳ tổ chức các lễ hội truyền thống, các sự kiện âm nhạc, nghệ thuật và triển lãm để thu hút sự tham gia của người dân và du khách. Hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động văn hóa đa dạng như trình diễn nghệ thuật đường phố, biểu diễn nhạc sống, và các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế.

Thứ ba, tập trung phát triển du lịch văn hóa. Thiết lập các tuyến du lịch khám phá các di tích lịch sử, văn hóa và làng nghề truyền thống của quận Tây Hồ, giúp giới thiệu văn hóa đặc sắc của khu vực đến với du khách. Đồng thời, sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để quảng bá các hoạt động và sự kiện văn hóa của quận Tây Hồ, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Thứ tư, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, tổ chức văn hóa bằng cách cung cấp các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo. Tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo, và khóa học để nâng cao kỹ năng và năng lực cho các nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa và những người làm việc trong ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ năm, tạo môi trường sáng tạo và kết nối cộng đồng. Tạo ra các không gian làm việc chung (co-working spaces) và các khu vực sáng tạo để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo có thể giao lưu, hợp tác và phát triển ý tưởng mới cũng như tạo ra các chương trình và hoạt động thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động văn hóa và nghệ thuật, từ đó tạo ra một môi trường văn hóa sôi động và đa dạng.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế bằng cách tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, hợp tác với các tổ chức văn hóa và nghệ thuật quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng. Tìm kiếm và thu hút các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến việc phát triển các dự án văn hóa và nghệ thuật tại quận Tây Hồ.

Thứ bảy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua việc thực hiện các biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của khu vực, đảm bảo rằng các giá trị này được duy trì và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần đưa các hoạt động giáo dục về văn hóa truyền thống vào trường học và cộng đồng để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về văn hóa của Tây Hồ.

Ngoài ra, quận Tây Hồ có thể thành lập một bộ phận chuyên trách cho phát triển công nghiệp văn hóa, tuyển dụng và bố trí nhân sự phù hợp cho lĩnh vực đặc biệt này, để việc phát triển công nghiệp văn hóa được chuyên tâm và chuyên nghiệp.

(Còn tiếp)

Đỗ Anh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/ky-2-van-hoi-de-tay-ho-cat-canh-21331