KỲ 3: Hướng tới sự đồng thuận
Đến tháng 1/2025, những nút thắt cuối cùng trong công cuộc thực hiện Dự án 513 của Phú Thọ đã từng bước được tháo gỡ. Những kinh nghiệm, bài học, cách làm sáng tạo của các địa phương vận dụng trong quá trình triển khai, thực hiện góp phần hướng đến mục tiêu chung là tạo sự đồng thuận, giải quyết dứt điểm sự chồng chéo về đất đai để xây dựng dữ liệu địa giới hành chính thống nhất, tạo nền tảng cho sự phát triển KTXH, ổn định trật tự xã hội từ cơ sở.
Gỡ những nút thắt cuối

Việc giải quyết chồng lấn đất đai giúp người dân ở khu 20, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy yên tâm an cư
Trải qua các thời kỳ lịch sử, dưới biến đổi của các yếu tố tự nhiên, xã hội cùng hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đã hình thành nhiều bất cập về địa giới hành chính. Sự giao thoa, chồng lấn, tranh chấp tại các khu vực địa giới hành chính đã gây ra tranh chấp trong cộng đồng dân cư gây bất ổn về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống Nhân dân. Với yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính và tăng cường hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong bối cảnh hiện nay, việc giải quyết triệt để các tranh chấp về địa giới hành chính còn đang hiện hữu và tìm kiếm giải pháp căn cơ cho vấn đề này ngày càng cấp thiết.
Đến hết tháng 12/2024, Dự án 513 của tỉnh Phú Thọ đã cơ bản hoàn thành việc ký xác nhận pháp lý hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính (ĐGHC) cấp huyện, cấp xã, chỉ còn nút thắt cuối cùng chưa giải quyết là giữa xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ với xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Đầu tư sản xuất nông nghiệp vùng đất bãi Thanh Thủy
Đại diện Sở Nội vụ thông tin: Việc phân định địa giới hành chính giữa Phú Thọ và Hà Nội theo dòng chảy sông Đà. Theo hồ sơ, bản đồ ĐGHC Chỉ thị 364-CT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), tuyến ĐGHC giữa huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ với huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội có 4 tuyến ĐGHC có sự chồng lấn hoặc để hở một đoạn địa giới. Cụ thể có 2 tuyến ĐGHC giữa xã Đồng Trung với xã Minh Quang và xã Xuân Lộc với xã Tòng Bạt có đường ĐGHC không trùng khớp nhau để hở một đoạn địa giới chưa bên nào quản lý; 2 tuyến ĐGHC giữa thị trấn Thanh Thủy với xã Thuần Mỹ và giữa xã Xuân Lộc với xã Phú Sơn bị chồng lấn đường ĐGHC. Qua nhiều lần gặp gỡ giữa các bên cùng sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 3 tuyến thống nhất giải quyết xã định lại đường ĐGHC theo phương thức phân đôi phần diện tích bị chồng lấn hoặc để hở một đoạn địa giới.

Cắm mốc giới giữa xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ và xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Theo bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364-CT ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì tuyến địa giới giữa xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội không được thống nhất, dẫn đến các bên chưa ký xác nhận về mặt pháp lý. Do đó, có hiện tượng chồng lấn phạm vi quản lý hành chính, hiện tại hai xã, huyện cùng cho người dân thuê đất trên diện tích này.
Sở Nội vụ Phú Thọ đã có văn bản đề nghị UBND huyện Thanh Thủy, xã Xuân Lộc thực hiện hiệu chỉnh đường ĐGHC theo nguyên tắc chia đôi diện tích chồng lấn, mỗi bên quản lý một nửa (11,5ha/bên, có sơ đồ kèm theo). Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, UBND huyện Thanh Thủy và đơn vị thi công Dự án 513 đã nhiều lần đến thực địa và tổ chức hiệp thương giữa các đơn vị nhằm đi đến thống nhất. Phương thức giải quyết dứt điểm vướng mắc tuyến địa giới giữa xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy và xã Phú Sơn, huyện Ba Vì là thực hiện hiệu chỉnh đường ĐGHC theo phương thức chia đôi chồng lấn. Sau khi hiệu chỉnh, phân định lại đường ĐGHC giữa xã Xuân Lộc và xã Phú Sơn, nếu diện tích đất canh tác xã Xuân Lộc đã cho thuê thuộc ĐGHC xã Phú Sơn thì UBND huyện Thanh Thủy phối hợp với UBND huyện Ba Vì chỉ đạo 2 xã ổn định canh tác, đảm bảo quyền lợi đối với các hộ dân thuê đất trong thời gian còn hợp đồng.
Kinh nghiệm trong thực hiện Dự án 513
“Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” được thực hiện là cơ hội để giải quyết triệt để các tranh chấp về đường địa giới hành chính, xác định rõ phạm vi quản lý theo địa bàn lãnh thổ giữa địa phương trên đất liền và trên biển, đảm bảo khép kín đường địa giới hành chính các cấp và thống nhất với đường biên giới quốc gia; xây dựng bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác về mặt pháp lý và thống nhất làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, vùng lãnh thổ, từng địa phương.

Giải quyết các tranh chấp đất đai giúp sớm hoàn thiện số hóa bản đồ địa giới hành chính
Đối với vấn đề tranh chấp địa giới hành chính, pháp luật hiện hành quy định: “Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau: Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định; trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định”.

Chủ tịch xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ và xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái ký pháp lý vào hồ sơ, biên bản và các tài liệu liên quan
Từ thực tế các vụ việc chồng lấn đất đai và quá trình giải quyết các tranh chấp đất đai cho thấy, “khi không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính” hoặc “việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính” đều dễ dàng phát sinh thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Trong khi đó Quốc hội chỉ họp thường kỳ 2 lần/năm, việc giải quyết các tranh chấp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tốn kém nhiều thời gian, công sức vì cần có lộ trình phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trung ương, quá trình khảo sát thực địa và sự đồng thuận của địa phương về phương án giải quyết. Thực tế ghi nhận, quá trình hiệp thương, giải quyết bất cập về hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính 364 (theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ) do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện mất rất nhiều thời gian và khó giải quyết dứt điểm.

Hội nghị hiệp thương xác định đường địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Phú Thọ và Yên Bái được tổ chức tại huyện Yên Lập (ảnh chụp năm 2024)
Đây cũng là vấn đề chung của nhiều địa phương trên cả nước trong quá trình giải quyết tranh chấp địa giới hành chính bởi thực tế cho thấy, gắn liền với các vụ tranh chấp địa giới hành chính không chỉ là vấn đề về quản lý nhà nước theo lãnh thổ mà còn là lợi ích kinh tế, lợi thế địa lý, yếu tố văn hóa, con người... khiến cho việc chủ động giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa các cấp, nhất là cấp tỉnh hết sức khó khăn; cùng với sự thiếu vắng những quy định chặt chẽ về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên khiến cho việc giải quyết càng kém khả thi.Từ những phân tích nêu trên, thiết nghĩ, việc xây dựng một hệ thống quy định chặt chẽ về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, linh động hơn về thẩm quyền và bổ sung khái niệm, hệ thống nguyên tắc và trình tự, thủ tục giải quyết là các nội dung cần được ưu tiên tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, trong tổng thể rời rạc với nhiều quy định đã tồn tại lâu đời, nhiều quy phạm không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật về địa giới hành chính cần thiết phải được khẩn trương pháp điển hóa về mặt nội dung để kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế.
Đồng chí Đinh Hải Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho rằng: Để thực hiện tốt công tác quản lý địa giới hành chính các cấp trong thời gian tới, đặc biệt là hoàn thành Dự án 513 của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý địa giới hành chính các cấp để phù hợp với điều kiện phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội đồng thời hỗ trợ kịp thời kinh phí cho địa phương có điều kiện ngân sách khó khăn để việc triển khai Dự án 513. Đặc biệt đề cao công tác tuyên truyền, dân vận để người dân hiểu rõ chủ trương, lợi ích của Dự án 513, từ đó đồng thuận thực hiện.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tập trung chỉ đạo, phối hợp giải quyết dứt điểm những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp do lịch sử để lại và những tranh chấp mới phát sinh do có những sai sót của hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được lập khi thực hiện Chỉ thị số 364-CT; xác định rõ các khu vực xâm cư, xâm canh giữa các địa phương giáp ranh để thực hiện quản lý nhà nước theo phạm vi lãnh thổ và các quy định hiện hành. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết tranh chấp địa giới hành chính các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện đúng 4 nguyên tắc giải quyết của Chính phủ tại Báo cáo số 31/BC-CP ngày 03/4/2006, gồm: Căn cứ vào các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành về điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, có tính đến đề nghị hợp lý của địa phương; tôn trọng hiện trạng và thực tế quản lý; thuận tiện cho Nhân dân và công tác quản lý nhà nước.
Trong giai đoạn thực hiện công cuộc sắp xếp và tinh gọn bộ máy, nhân sự thì việc lưu trữ, quản lý và khai thác, sử dụng hồ sơ, bản đồ, mốc, cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính cho công chức các cấp, đặc biệt là cấp xã càng cần được quan tâm hơn nữa, đồng thời với thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc lưu trữ, quản lý và khai thác, sử dụng hồ sơ, bản đồ, mốc, cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp để kịp thời xử lý, bảo dưỡng, bổ sung, chỉnh lý theo quy định sau sáp nhập.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-3-huong-toi-su-dong-thuan-229926.htm