Kỳ 3: Tạo đột phá từ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính là vấn đề then chốt, là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với sự quyết liệt và linh hoạt, tỉnh Ninh Bình đang sử dụng hiệu quả chiếc 'chìa khóa' cải cách hành chính để mở ra những 'cánh cửa' thành công.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Anh Tuấn

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Anh Tuấn

Chuyển biến mạnh mẽ

Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể của cải cách TTHC, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, cải cách hành chính là một thành tố cấu thành quan trọng của đột phá thể chế phát triển, trong đó tập trung cải cách TTHC, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Có tư duy, cách tiếp cận mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nỗ lực đột phá vượt lên.

Trước yêu cầu đặt ra của đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định 1 trong 6 chương trình trọng tâm là "Tập trung cải cách hành chính, nhất là TTHC; nâng cao năng lực cạnh tranh". Năm 2021 và 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng chọn chủ đề công tác năm là "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính". Trên cơ sở đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch cụ thể hóa và triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính có nhiều điểm sáng. Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ: "Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh đã được thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh nghiêm túc thực hiện. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính được thường xuyên đổi mới, chấn chỉnh kịp thời, đi vào nền nếp; trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành đã có chuyển biến tích cực, được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận".

Đặc biệt, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, toàn tỉnh có trên 63 nghìn người có tài khoản định danh điện tử; hơn 587 nghìn người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; trên 289.800 địa điểm có địa chỉ số.

Trong lĩnh vực cải cách hành chính, việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã triển khai và hoạt động hiệu quả trên cơ sở tích hợp, kết nối liên thông với hệ thống một cửa điện tử của 18 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện và 3 đơn vị ngành dọc là Công an tỉnh, BHXH tỉnh, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình. 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4 và 806 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và đang được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. 9 tháng năm 2022 đã có 97,29% công dân, tổ chức khi đến thực hiện giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đánh giá mức độ "Rất hài lòng".

Từ thực tế thời gian qua cho thấy, sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đã mang lại hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp. Nhiều chỉ số đánh giá về CCHC được cải thiện rõ nét như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 18 bậc so với năm 2020; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh Ninh Bình đạt 89,36%, cao hơn chỉ số trung bình chung của cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố.

Tạo động lực để phát triển

Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc đôn đốc, kiểm tra các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao có lúc chưa thực sự sâu sát, thường xuyên. Việc phối hợp xử lý công việc của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, của Chủ tịch UBND tỉnh có việc chưa đồng bộ, một số nhiệm vụ còn kéo dài, chậm được giải quyết dứt điểm; trách nhiệm trong công tác phối hợp, tham gia ý kiến đối với các nội dung cần xin ý kiến rộng rãi các sở, ngành còn mang tính hình thức. Việc tham mưu văn bản trình HĐND tỉnh có việc phải rà soát, chỉnh sửa nhiều lần, một số nội dung đăng ký phải hủy hoặc lùi thời gian thực hiện. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh trong thời gian qua luôn biến động, có xu hướng giảm qua các năm về cả điểm số và thứ hạng.

Để nâng cao chất lượng cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 76 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; Kế hoạch số 136/KHUBND ngày 24/8/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030... Cùng với đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, Ninh Bình đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp thông qua việc cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với quan điểm chỉ đạo thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ rõ và kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém; quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI, Ninh Bình tiếp tục sửa đổi và triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2022. Các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số DDCI được xây dựng tương thích các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Việc triển khai Bộ tiêu chí DDCI sẽ tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực; tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.

Đồng thời, UBND tỉnh tăng cường hoạt động Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, giám sát công tác cải cách hành chính và kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, đơn vị triển khai nghiên cứu, khảo sát và đo lường đánh giá xếp hạng chỉ số DDCI cho rằng: Một trong những yếu tố quan trọng để tôi tin tưởng Ninh Bình sẽ thành công bứt phá trong cải cách hành chính đó là việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong Bộ tiêu chí DDCI. Đây là một tiêu chí mà Ninh Bình là tỉnh đầu tiên xây dựng.

Tin tưởng rằng, với tinh thần cầu thị và quyết tâm là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành thực hiện thành công một trong những chương trình trọng tâm, đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra đó là: Tập trung xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử tỉnh nhằm từng bước tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút các dự án, nhà đầu tư chiến lược. Phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nguyễn Thơm

Kỳ 2: Chuyển từ "quản lý" sang "phục vụ"

Kỳ 1: Cầu thị, lắng nghe và tháo gỡ thực chất

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-3-tao-dot-pha-tu-cai-cach-hanh-chinh/d20221110075627966.htm