Kỳ 3: Xây dựng nét đặc trưng văn hóa kinh doanh của Thủ đô Hà Nội
Văn hóa là khái niệm rất rộng, nhưng dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào, văn hóa cũng biểu hiện qua những hành vi cụ thể của con người, phản ánh cách thức ứng xử của con người trong xã hội và lắng đọng lại trong tâm trí của mỗi cá nhân con người khi tham gia, chứng kiến, quan sát. Vì vậy, ấn tượng sâu sắc về nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất sẽ được lưu truyền qua không gian và thời gian.
Luật Thủ đô (sửa đổi): Hà Nội cần những đột phá gì trong phát triển văn hóa
Chữ tín cần ăn sâu vào bản sắc văn hóa kinh doanh của người Hà Nội
Hà Nội là Thủ đô có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, nơi tụ hội những truyền thống văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định. Trong đó tầm nhìn đến năm 2045, “Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện những mục tiêu trên, cần phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp, có ý nghĩa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển chung. Thích hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), ở góc độ văn hóa, phải thể hiện qua những hành vi cụ thể của con người, phản ánh cách thức ứng xử của con người trong xã hội, mà một trong những nội dung chủ yếu là văn hóa kinh doanh, theo tinh thần “xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện... để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế”.
Hà Nội nên và cần là nơi đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh mẫu mực của cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam, với nội hàm cụ thể là “con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý”, trước hết là đề cao chữ “tín” trong kinh doanh, coi việc “trọng tín” là triết lý kinh doanh, là một trong những nét bản sắc văn hóa kinh doanh của người Hà Nội.
Ở góc độ thuần túy kinh tế, cho đến nay, mặc dù chưa có những nghiên cứu tính toán định lượng cụ thể, nhưng chắc chắn rằng, mỗi người mua hàng luôn phải mất một khoảng thời gian và tài chính nhất định để thăm dò, kiểm định xem giá cả có tương xứng với chất lượng không? Giá cả, chất lượng, chủng loại có đúng như đã cam kết và quảng cáo không?... Tức là những chi phí để xác quyết xem liệu mình có nhận được đúng hàng hóa và dịch vụ mà mình cần với mức giá cả được chấp nhận hay không?
Vì vậy, nếu tất cả nhà kinh doanh, người cung cấp hàng hóa và dịch vụ đều giữ chữ tín, đều bán hàng với đúng những thông tin đã cam kết, quảng cáo, thì cả xã hội đã tiết kiệm được nguồn tiền khổng lồ, vì không phải mất chi phí cho việc tránh bị “lừa” trong giao dịch buôn bán. Mỗi người, mỗi doanh nghiệp thường xuất hiện trên thị trường vừa với tư cách người bán, lại vừa với tư cách người mua, nên khi mua, họ luôn mong muốn người bán đảm bảo về thời gian, số lượng và chất lượng sản phẩm. Vậy không lý gì, họ lại không làm như vậy khi đứng tư cách người bán.
Mình làm, nhưng liệu tất cả những người khác có cùng làm hay không?
Đáng tiếc là ở Việt Nam hiện nay, có không ít hiện tượng bán hàng và cung cấp dịch vụ không trung thực, điều này cũng đã được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong sách, báo. Tình hình diễn ra có thể được xem như khá phổ biến, ở khắp mọi lĩnh vực: từ các loại hàng hóa thông thường, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thường ngày, đồ điện và điện tử..., đến các loại hàng hóa lớn như đất đai, bất động sản, chứng khoán...; mọi quy mô từ nhỏ đến lớn, nhiều khi được thấy qua các “đại án”.
Trong bối cảnh như vậy, người tiêu dùng không chỉ mất chi phí cho việc xác minh tính trung thực của thông tin hàng hóa và dịch vụ, thiệt hại do mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng (trong khi vẫn phải trả giá như mua hàng thật, hàng chất lượng tốt), thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nếu đó là thực phẩm, thuốc men...; mà xã hội cũng bị thiệt hại bởi những chi phí để khắc phục.
Nên chăng, Hà Nội phát động một phong trào rộng khắp xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ tín làm trọng. Phàm là bất kể những cá nhân kinh doanh, những tập đoàn, công ty, doanh nghiệp.... đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều tham gia hưởng ứng phong trào này.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, thật ra, điều kiến nghị này không mới, vì trên thực tế đã được triển khai. Đó là quy định bắt buộc các loại hàng hóa ở các chợ đều phải niêm yết giá bán và cam kết bán đúng giá. Nhưng kết quả thực thi không thu được bao nhiêu và chủ yếu được khuấy động trong những dịp cần “bình ổn giá”. Điểm mới trong kiến nghị này là ở tính toàn diện của chữ tín với các nội hàm đã nêu ở trên và là một phong trào mang đậm nét văn hóa của Thủ đô, gắn với chủ trương “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, với tất cả mọi người và tổ chức tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mục tiêu cụ thể của phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh này là sao cho những người tiêu dùng, bất kể là ai: trong nước, ngoài nước, tiêu dùng trực tiếp hay tiêu dùng cho sản xuất, đều cảm nhận được bằng trải nghiệm thực tế, rằng mua hàng hóa và dịch vụ do người kinh doanh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều rất tin tưởng, vì ở đó, người bán quảng cáo, cam kết thế nào thì bán hàng đúng như vậy. Làm được điều này, danh thơm Thủ đô Hà Nội chắc chắn được lưu truyền, làm tiền đề mở rộng ra phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh ra cả nước; vừa kế thừa, tiếp nối nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa xây dựng văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế thị trường hiện đại, mở cửa.
Cùng với đó, để gây dựng phong trào này, thời kỳ đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn. Vì là một nét đẹp văn hóa nên không ai phản đối và ai cũng nhận thấy lợi ích từ việc tất cả mọi người cùng làm như vậy. Nhưng cái khó chính là ở chỗ, nhiều người vẫn nghĩ rằng: mình làm, nhưng liệu tất cả những người khác có cùng làm hay không? Ở góc độ kinh tế, sự tiết kiệm chi phí cho mỗi cá nhân và toàn xã hội lại nằm ở điểm tất cả mọi người phải cùng làm, cùng xác tín và cùng tin tưởng lẫn nhau. Vì thế, rất cần sự hỗ trợ mạnh từ quy định mang tính pháp luật và thực thi pháp luật, để cho những hành vi lừa đảo trong kinh doanh không thể tồn tại ở địa bàn Thủ đô.
PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng, nên lập một Quỹ về xây dựng Văn hóa kinh doanh ở Thủ đô Hà Nội để hỗ trợ công tác truyền thông và khen thưởng. Nên đặt ra một giải thưởng về Kinh doanh văn minh. Hằng năm nên tổ chức trao giải kinh doanh văn minh cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Thủ đô do người tiêu dùng bình chọn.
(Còn nữa)