Kỳ họp thứ 6: Dấu ấn về một Quốc hội đổi mới, gần gũi cử tri và Nhân dân

Các đại biểu cho rằng không khí kỳ họp rất sôi nổi, dân chủ, có nhiều điểm mới, thể hiện sự linh hoạt, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát, quyết sách các vấn đề quan trọng của đất nước.

Kỳ họp thứ 6 được đánh giá là thành công và tạo dấu ấn về sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Kỳ họp thứ 6 được đánh giá là thành công và tạo dấu ấn về sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật, 8 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 8 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự tự hào, tâm đắc với những kết quả đạt được của kỳ họp đồng thời kỳ vọng những luật, nghị quyết đã được thông qua sẽ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.

Ấn tượng mới mẻ ở phiên chất vấn

Nhiều đại biểu cùng chung ấn tượng với những đổi mới của kỳ họp, điển hình là phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay trước đây, khi chất vấn có các cơ quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội làm việc với các cơ quan được chất vấn, có chuẩn bị sẵn các nội dung được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tuy nhiên, ở kỳ họp này, đại biểu Quốc hội có thể đặt câu hỏi cho bất cứ Bộ trưởng, Trưởng ngành nào, về vấn đề mà họ quan tâm. Điều này đòi hỏi Bộ trưởng phải nắm chắc lĩnh vực của mình, có các phương án, chương trình kế hoạch để xử lý các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

 Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cùng quan điểm, Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định kỳ họp lần này đã thể hiện được tinh thần dân chủ cao, phát huy được trí tuệ của mỗi đại biểu Quốc hội đồng thời cho thấy sự trách nhiệm, các chủ trương, giải pháp của Chính phủ.

Theo ông Cừ, mặc dù nhiều Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ nhưng qua phiên chất vấn cũng đã thể hiện khả năng nắm bắt được nhiệm vụ trọng tâm của ngành, những vấn đề đang gặp khó, những điểm nghẽn, ách tắc hiện nay, trả lời đi thẳng vào vấn đề và hết sức trách nhiệm.

Ông Cừ nêu ví dụ: “Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã khẳng định trách nhiệm của ngành và quyết tâm sẽ hoàn thành các mục tiêu và tiến độ của các tuyến đường, các dự án trọng điểm hiện nay. Bộ trưởng rất kiên định trách nhiệm và cũng nắm bắt, cụ thể hóa được những quyết tâm của Chính phủ.”

Các Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực đều có các ý kiến và thể hiện trách nhiệm của mình với các vấn đề khó khăn hiện nay, bày tỏ quyết tâm sớm khắc phục những hạn chế, thực tiễn hiện nay đang vướng mắc.

Đại biểu Trương Xuân Cừ đặc biệt ấn tượng với phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ.

“Thông qua báo cáo và giải trình chung Thủ tướng đã thể hiện được những vấn đề về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng; những điểm nổi bật và những hạn chế hiện nay một cách rõ ràng. Thủ tướng đã trả lời các đại biểu Quốc hội hết sức thẳng thắn, trách nhiệm, thể hiện quyết tâm có những giải pháp kịp thời,” ông Cừ nói.

Chia sẻ thêm về kỳ họp Quốc hội lần này, Đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng Quốc hội đã xử lý khối lượng công việc khổng lồ, nhưng với phương pháp chỉ đạo từ sớm, từ xa của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, kỳ họp cũng là cơ hội để khắc phục những tồn tại, hạn chế và góp phần phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua.

 Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đánh giá chung rằng không khí kỳ họp rất sôi nổi, dân chủ và đại biểu cũng đặc biệt ấn tượng với phiên chất vấn với nhiều nét mới: Lần đầu tiên chất vấn theo 4 nhóm ngành, tất cả các “tư lệnh ngành” đều phải ngồi “ghế nóng,” mở rộng phạm vi chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.

Theo thống kê, trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ và cả ba Phó Thủ tướng Chính phủ, 21 Bộ trưởng, trưởng ngành làm rõ vấn đề cử tri, dư luận quan tâm. Theo đại biểu, đây là kỳ chất vấn thành công. Nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành giải đáp được vấn đề cử tri quan tâm.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh mong hình thức này tiếp tục được tiến hành trong thời gian tiếp theo.

Quốc hội linh hoạt và thận trọng

Đánh giá tổng thể, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận thấy Kỳ họp thứ 6 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác lập pháp, công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu nêu ra 3 nội dung nổi bật: Hoàn thành khối lượng công việc rất lớn (thông qua 7 luật, 8 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 8 dự án luật khác); tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong đó, đại biểu đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn được đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi sát sao và có những đánh giá, phản hồi ngay. Việc lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được tiến hành một cách khách quan, thận trọng, đúng quy trình, đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. Các đại biểu đã rất tích cực, thẳng thắn trong quá trình xem xét, đánh giá, giám sát việc thực hiện chức trách được giao của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

“Với sự đổi mới nội dung và hình thức chất vấn trong kỳ họp này, vai trò giám sát và tái giám sát của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao về chất lượng, giám sát đến cùng vấn đề, thắng thắn, trực diện, giám sát trên tinh thần xây dựng và vì mục tiêu kiến tạo và phát triển,” Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.

Bên cạnh đó, có nội dung công việc đã dự kiến hoàn thành trong Kỳ họp 6 nhưng được điều chỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp tiếp theo, đó là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo bà Nga, việc điều chỉnh đó thể hiện sự linh hoạt và thận trọng của Quốc hội trong quá trình lập pháp. Bởi lẽ đây là 2 dự án Luật còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, cần thiết phải có sự xem xét kỹ lưỡng hơn. Nếu không, những vướng mắc trong thực tế chưa tháo gỡ được, khi luật có hiệu lực lại tiếp tục phát sinh những "điểm nghẽn."

 Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Về điểm này, Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng có chung quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá sự linh hoạt đó giúp cho Quốc hội có thời gian điều chỉnh, sửa đổi luật một cách hoàn thiện, chặt chẽ hơn.

“Với những dự án luật thông qua và dự án luật cho ký kiến, Quốc hội đã tập trung trí tuệ, đảm bảo dân chủ công khai bằng nhiều phiên truyền hình trực tiếp đến cử tri trong cả nước. Qua kỳ họp lần này, chúng ta tiến dần từng bước tổ chức hoạt động Quốc hội ngày càng tốt hơn, gắn với cử tri và hơi thở cuộc sống,” đại biểu khẳng định.

 Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) trả lời phóng viên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) trả lời phóng viên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Công Long nhận định việc lùi lại, chưa thông qua hai dự án luật nói trên thể hiện trách nhiệm của Quốc hội với cử tri và Nhân dân cũng như trước vận mệnh, yêu cầu phát triển của đất nước.

Sau khi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV kết thúc, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội lại tiếp tục bắt tay vào các dự án, dự thảo của Kỳ họp tới.

Đại biểu Nguyễn Công Long nhận định quỹ thời gian này rất eo hẹp, chưa kể Quốc hội đã triển khai ngay các nội dung giám sát quan trọng mà Nghị quyết của kỳ họp thông qua. Do đó các cơ quan, đại biểu Quốc hội phải tập trung cao độ để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Từ thực tế này, Đại biểu Nguyễn Công Long đặt ra vấn đề phải tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách để đáp ứng được các nội dung quan trọng cũng như khối lượng công việc lớn như trên./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ky-hop-thu-6-dau-an-ve-mot-quoc-hoi-doi-moi-gan-gui-cu-tri-va-nhan-dan-post910688.vnp