Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Ngành Lưu trữ phải đẩy mạnh chuyển đổi số
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6 (đợt 2), ngày 27/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thông qua ba dự án luật và thảo luận về hai dự án luật, các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi sáng, đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cho ý kiến vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù. Việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.
Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15, dự thảo Luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, đây là một nội dung quan trọng, tạo ra "cú hích" trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.
Trước đó, vào đầu buổi sáng, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Liên quan đến dự án Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước, có ý kiến đề nghị nghiên cứu cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tế cho thấy, ở Việt Nam có nhiều người có quốc tịch nước ngoài nhưng cố tình giấu hoặc vứt bỏ các giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình nhằm mục đích ở lại Việt Nam bất hợp pháp. Nếu mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước có thể sẽ có nhiều đối tượng là người không quốc tịch di cư đến Việt Nam để sinh sống, tác động phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự ở nước ta. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước đối với toàn bộ người không quốc tịch.
Điểm đáng chú ý trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.
Buổi chiều, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với 94,74% tổng số đại biểu tán thành. Luật quy định, việc khai thác sử dụng nước cho mục đích nông nghiệp (quy mô lớn) thuộc diện cấp phép phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để bảo đảm công bằng, hợp lý với các ngành kinh tế khai thác, sử dụng nước.
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận là đẩy mạnh chuyển đổi số ngành văn thư, lưu trữ; phát triển lưu trữ tư nhân,
Nhiều ý kiến cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đang đặt ra cho ngành Lưu trữ Việt Nam những yêu cầu trong việc bảo đảm an toàn, quản lý và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, phông lưu trữ quốc gia. Để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh lưu trữ truyền thống, ngành Lưu trữ phải đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lồng ghép hoạt động chuyển đổi số vào từng nhiệm vụ lưu trữ để bảo đảm sự gắn kết, không tách rời lưu trữ giấy, lưu trữ điện tử và lưu trữ số. Rà soát, bổ sung nội dung của chương quy định về lưu trữ tài liệu điện tử, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Băn khoăn khi tài liệu lưu trữ do Nhà nước thực hiện có tính chất bắt buộc, có quy trình chặt chẽ về kiểm tra, phân cấp, quản lý, phân loại cụ thể, còn tài liệu lưu trữ tư thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ… mang tính chất tự giác, tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, hai hệ thống này có sự khác nhau, nhưng dự thảo luật lại quy định cùng một hệ tiêu chuẩn, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, điều này sẽ gây khó khăn cho lưu trữ tư. Để đảm bảo nguyên tắc chung của hoạt động lưu trữ, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ các quy định về hoạt động lưu trữ tư để tương thích với các luật liên quan.
Cuối phiên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.