Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ nhiều nội dung quan trọng
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 8/6, Tổ 18 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án luật Công đoàn (sửa đổi); chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Tham gia góp ý về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án luật Công đoàn (sửa đổi), các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án Luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.
Góp ý về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án Luật. Đồng thời cơ bản thống nhất với 4 hành vi cấm trong dự thảo luật; tuy nhiên đề nghị nên bổ sung thêm hành vi cấm trong việc môi giới mua bán nội tạng vì mục đích kinh tế. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Nên quy định thông tin tuyên truyền về phòng, chống mua bán người là của cả hệ thống chính trị; đồng thời quy định trách nhiệm thông tin tuyên truyền ngoài tổ chức đoàn thể MTTQ, phụ nữ ra thì nên bổ sung quy định trách nhiệm của Đoàn Thanh niên.
Thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) nên cân nhắc để các cơ quan như cơ quan điều tra, viện kiểm sát quyết định chuyển hướng để áp dụng biện pháp phục vụ ngoài cộng đồng đối với người chưa thành niên phạm tội, vì nếu không phải do Tòa án quyết định thì có thể dẫn đến không phù hợp với công ước quốc tế về chống cưỡng bức lao động.
Về xử lý chuyển hướng, việc chuyển hướng xử lý hình sự với người chưa thành niên là hợp lý. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, nếu có nạn nhân thì phải cân nhắc dựa trên ý kiến của nạn nhân. Ví dụ như người chưa thành niên cố ý gây thương tích nếu xử lý chuyển hướng theo hướng giáo dục tại cộng đồng thì có phù hợp không? Do đó đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ việc áp dụng chuyển hướng đối với người chưa thành niên.
Góp ý vào dự án luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và phải phù hợp với thể chế chính trị của đất nước. Do đó cần cân nhắc việc mở rộng thành lập tổ chức công đoàn của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về công tác bảo vệ an ninh trong việc thành lập và hoạt động của các tổ chức công đoàn.
Góp ý vào dự án luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị tăng quyền chủ động giám sát của Công đoàn Việt Nam tại Điều 16 dự thảo Luật, theo hướng: “Công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với Mặt trận tổ quốc các cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn”.
Về gia nhập Công đoàn của người lao động là người nước ngoài (Điều 5), trong dự thảo Luật xây dựng 2 phương án, theo đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị nên thực hiện theo Phương án 1: Quy định về quyền gia nhập Công đoàn của người lao động là người nước ngoài. Bởi những cơ sở đó là: Vấn đề mở rộng quyền gia nhập Công đoàn đối với người lao động là người nước ngoài đã được đặt ra từ lần sửa Luật Công đoàn năm 2012 nhưng chưa được Quốc hội xem xét, thông qua. Sau hơn 10 năm, bối cảnh đất nước đã có nhiều thay đổi. Hội nhập quốc tế sâu rộng đã tạo điều kiện dịch chuyển lao động từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam. Theo thống kê, có 91.600 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Từ thực tế khảo sát, 53% người lao động nước ngoài có nhu cầu kết nạp vào Công đoàn Việt Nam. Thực tế cũng đã phát sinh những vấn đề trong quan hệ lao động, cần có tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ người lao động. Luật lao động năm 2019 quy định cho phép người nước ngoài được quyền gia nhập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” (Không được tham gia ban lãnh đạo); đồng thời, tổ chức này có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam. Quy định này gián tiếp cho phép người nước ngoài gia nhập vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Góp ý về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035, đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia thì phải giải quyết những vấn đề cấp bách, có những mục tiêu rất cụ thể và trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035 là khá dài, được chia làm 2 giai đoạn và phạm vi tác động rất rộng cả về đối tượng thụ hưởng cũng như địa bàn. Trong đó nhiều nội dung khó, các dự án thành phần được thiết kế 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết... Vì vậy liệu Chương trình này có giải quyết được vấn đề trọng tâm, trọng điểm không và có bị chồng chéo, trùng lặp đối tượng, địa bàn với các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện hay không? Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh việc lãng phí của chương trình này, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát về mục tiêu, chỉ tiêu, địa bàn cụ thể. Quốc hội cũng nên cân nhắc về nguồn lực trong thực hiện Chương trình này.