Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp

Sáng 14/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất), và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận tại hội trường.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu: Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định; Võ Văn Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã có ý kiến góp ý.

Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng thống nhất cao với việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Trên cơ sở đó đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, góp phần cho các địa phương sau khi sắp xếp được hoạt động thông suốt và hiệu quả. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề xuất để các địa phương chủ động giải quyết nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền. Cụ thể, tại điểm g khoản 2 Điều 11 Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Điều 11 về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương: Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp cơ sở trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh, những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước ở Trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.

Trên thực tế có 2 xã giáp nhau, thuộc địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh, có những vấn đề liên quan đến nhau như khói bụi bay từ xã này sang xã kia, kè sông xã này gây sạt lở bờ sông xã kia, nếu những vụ việc như thế phải đưa lên các cơ quan trên Trung ương giải quyết theo quy định của Dự thảo Luật, sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian, phải huy động nhiều cơ quan tổ chức tham gia, trong khi những việc này thì chính quyền hai xã, hai tỉnh có thể giải quyết được. Ở góc độ khác, quy định như Dự thảo Luật sẽ tạo ra việc chính quyền cấp xã đẩy việc lên chính quyền cấp tỉnh, cấp tỉnh lại đẩy lên Trung ương mà không chịu giải quyết ngay từ đầu, không phát huy được tính chủ động trong phục vụ nhân dân, không thể hiện mục tiêu của luật là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị biện pháp giải quyết đơn giản hơn với trường hợp này theo phương châm địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất bổ sung trường hợp loại trừ trong vấn đề này là: “trừ trường hợp các địa phương liên quan tự giải quyết được vấn đề đó”.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng cho ý kiến liên quan đến điểm c, khoản 2 điều 8 Dự án luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, quy định việc thành lập đặc khu ở hải đảo phải đảm bảo sự bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, hải đảo. Đại biểu đề nghị bổ sung yêu cầu về tính thống nhất, sau yêu cầu về độc lập chủ quyền vì tại Điều 1 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Do đó, cần bổ sung tính thống nhất đối với đơn vị hành chính đặc khu cho tương thích với Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng cho biết, về quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp xã, có quy định, Chủ tịch UBND chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu đề nghị bổ sung về vấn đề giải quyết kiến nghị phản ánh, vì trong luật tiếp công dân, các nghị quyết về tiếp xúc cử tri, đều có ghi nhận việc giải quyết kiến nghị phản ánh. Mặt khác trong cuộc sống, có nhiều loại việc công dân phản ánh kiến nghị tới chính quyền mà không phải khiếu nại, tố cáo, do đó, cần bổ sung nội dung này vào khoản 14, Điều 17 và khoản 13, Điều 23 của Dự án Luật cho phù hợp...

Góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất), đại biểu Võ Văn Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó đại biểu đồng ý các nội dung Dự thảo về quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam. Đại biểu nêu 4 yếu tố để đề nghị Mặt trận giữ nguyên tôn chỉ mục đích mà Hiến pháp đã nêu tại khoản 1: Liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động, 4 yếu tố này đặt nền móng cho tổ chức Mặt trận. Đại biểu cho rằng đây là sự sáng suốt, tài tình của Đảng, Hồ Chủ tịch khi lập ra MTTQ Việt Nam, là hình mẫu trong một thế giới văn minh, là tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội. Đại biểu đề nghị bổ sung 5 tổ chức này là thành viên nòng cốt của Mặt trận, còn các tổ chức khác sẽ đứng xung quanh Mặt trận.

Tin: Văn Trọng, Ảnh: PV

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202505/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-nam-dinh-tham-gia-thao-luan-ve-du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-bb5401d/