Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XV: Hiện thực hóa các quyết sách lịch sử của Đảng

Sáng nay, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp được đánh giá là có nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Kỳ họp dự kiến diễn ra trong gần hai tháng, từ ngày 5/5 đến ngày 30/6/2025, theo hình thức họp tập trung và chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 5/5 đến ngày 29/5 và Đợt 2 từ ngày 11/6 đến ngày 30/6.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XV. Ảnh: Media.quochoi

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XV. Ảnh: Media.quochoi

Nội dung trọng tâm, Lập pháp, kinh tế - xã hội và sửa đổi Hiến pháp

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định tổng cộng 54 nội dung quan trọng. Trong đó, công tác lập hiến và lập pháp chiếm phần lớn với 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp. Bên cạnh đó, 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác cũng sẽ được Quốc hội thảo luận và quyết định.

Ngoài ra, 8 nhóm báo cáo từ các cơ quan cũng sẽ được trình bày để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Sửa đổi Hiến pháp năm 2013 bước đi chiến lược

Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Kỳ họp thứ 9 là việc xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là một nhiệm vụ hết sức hệ trọng, nhằm thể chế hóa kịp thời các kết luận và chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào hai nhóm nội dung chính:

Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Sửa đổi các điều 9, 10 và 84 nhằm sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng.

Quy định về chính quyền địa phương: Sửa đổi Chương IX để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, bảo đảm sự tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 được thực hiện dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, dựa trên chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục pháp luật.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Kỳ họp thứ 9 diễn ra trong không khí cả nước vừa tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc tạo đột phá về thể chế, tinh gọn bộ máy, thúc đẩy phát triển đất nước.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia làm hai đợt với khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay. Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng thuộc ba trụ cột: công tác lập hiến, lập pháp; kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; giám sát tối cao và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước. Đồng thời, sẽ lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân và trình Quốc hội thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2025.

Ngoài ra, Quốc hội dự kiến thông qua 34 dự án luật, 11 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, bao trùm nhiều lĩnh vực then chốt như tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh, tài chính, ngân sách, dữ liệu cá nhân, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ tập trung xem xét nhiều báo cáo quan trọng của Chính phủ về quyết toán ngân sách năm 2023, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024 và định hướng điều chỉnh năm 2025. Trong đó đáng chú ý là việc bố trí tối thiểu 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% và hướng tới hai con số trong những năm tiếp theo.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các vấn đề lớn như sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI.

Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn, tập trung vào những lĩnh vực sát sườn đời sống Nhân dân. Quốc hội cũng xem xét báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri và thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2026.

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đổi mới, thảo luận sâu sắc và quyết định sáng suốt. Đồng thời, yêu cầu quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

PV

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-hien-thuc-hoa-cac-quyet-sach-lich-su-cua-dang-477539.html