Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Quốc hội nghe tờ trình, thảo luận ở tổ về 3 dự án luật
Ngày 8/5, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ đối với 3 dự án Luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, Luật Thanh tra (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình tóm tắt của Chính phủ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực. Như vậy, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án sẽ gồm: TANDTC; TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; TAND khu vực (sửa đổi Điều 4 Luật Tổ chức TAND năm 2024).
Về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của TANDTC, dự thảo Luật đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị. Tăng số lượng Thẩm phán TANDTC từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để bảo đảm đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc tăng thêm…
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến nêu rõ, hệ thống VKSND được tổ chức, sắp xếp lại gồm: VKSNDTC, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực, VKS quân sự các cấp.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở tố tụng tại khoản 3 Điều 4 để bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định về thẩm quyền của VKSND trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các điều khoản nhằm thực hiện việc tinh gọn sắp xếp lại bộ máy VKSND theo yêu cầu của Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự thảo Luật lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành... Lý do đề xuất là triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; kết thúc hoạt động của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện; không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các Bộ, các sở và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Góp ý thảo luận tại tổ vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Đại biểu (ĐB) Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ quy định tại dự thảo Luật… được cơ quan chủ trì soạn thảo giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành là chưa thực sự bám sát những yêu cầu đổi mới. Cụ thể, quy định Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ: “Thanh tra các vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ”; “Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ đại diện chủ sở hữu”; quy định Thanh tra tỉnh giúp UBND cấp tỉnh “quản lý nhà nước về công tác thanh tra”...
Theo ĐB Hà, các quy định này chỉ phù hợp với bối cảnh ở các Bộ có thanh tra Bộ, khi đó cơ bản mọi hoạt động thanh tra do thanh tra Bộ thực hiện, còn Thanh tra Chính phủ chỉ tiến hành thanh tra đối với một số trường hợp có yêu cầu cụ thể nêu trên. Tuy nhiên, theo yêu cầu sắp xếp, tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra, do không còn thanh tra Bộ nên mọi việc cần thanh tra thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ đều thuộc thẩm quyền thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Đối với thanh tra tỉnh, do Luật hiện hành quy định ở một số sở chuyên môn và UBND cấp huyện có tổ chức cơ quan thanh tra nên thanh tra tỉnh cần phải giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, nay sửa đổi Luật dự kiến ở mỗi tỉnh chỉ còn duy nhất một cơ quan thanh tra chính là thanh tra tỉnh nên không còn yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra nữa.
Từ những lý do đã nêu, ĐB Hà đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của thanh tra tỉnh trong dự thảo Luật để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ, bám sát kết luận, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu đổi mới về mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp.