Không phải là 'tiểu tiết'
Một chi tiết tưởng là nhỏ mà hoàn toàn không nhỏ được nhiều ĐBQH chỉ ra trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đó là, dự luật đã điều chỉnh từ 'ngày' thành 'ngày làm việc' trong quy định về thời hạn thanh tra.
Nói "nhỏ" là bởi dường như đây chỉ đơn thuần là vấn đề câu chữ, kỹ thuật. Nhưng "không nhỏ" là bởi, nếu theo quy định mới của dự thảo Luật, thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra sẽ kéo dài hơn rất nhiều.
Cụ thể, thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành hiện nay là không quá 60 ngày. Nhưng nếu theo dự thảo Luật sẽ là không quá 60 "ngày làm việc", tức là sẽ tương đương với 84 ngày (12 tuần), tăng 40%. Nếu tính cả 2 lần gia hạn thì thời hạn tối đa của một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành sẽ là 120 "ngày làm việc", tương đương với 24 tuần (6 tháng).
Thời gian như vậy "là quá dài", Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 8/5. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành cho rằng, dường như dự luật đang "đi ngược chiều tinh thần cải cách hiện nay", bởi lẽ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, mục tiêu rất cụ thể đã được xác định là, "trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức”.
Cần nhấn mạnh rằng, đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân - nơi đang đóng góp hơn 40% GDP cả nước - thì sự ổn định, minh bạch và hiệu quả trong môi trường pháp lý chính là “hệ sinh thái sống còn”. Tất nhiên doanh nghiệp không sai phạm thì sao có thể "vào tầm ngắm" của thanh tra. Nhưng một cuộc thanh tra kéo dài nhiều tháng dù kết quả như thế nào cũng sẽ vẫn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp đang đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, thì điều này còn có thể làm gián đoạn các chuỗi thử nghiệm, nghiên cứu, tác động dây chuyền tới tiến độ đổi mới kỹ thuật.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, trong hoạt động lập pháp, đôi khi, những tiểu tiết lại cần phải được cả cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và từng ĐBQH quan tâm đặc biệt để kịp thời phát hiện, chỉnh sửa, hoàn thiện, không làm phát sinh những bất cập khi thực hiện sau này. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi Quốc hội đang đổi mới rất mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật, từ xây dựng luật chi tiết sang xây dựng luật khung, mở rất rộng không gian cho sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với các chiến lược mang tính cách mạng về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Pháp luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn phải trở thành “bệ đỡ”, kiến tạo sự phát triển, khơi thông nguồn lực và cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo. Một đạo luật tốt không chỉ nằm ở bố cục và tinh thần, mà còn ở khả năng tiên liệu được hệ quả thực tiễn của từng điều khoản.
Theo Chương trình, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua hơn 30 luật, hơn 10 nghị quyết - con số có thể nói là "kỷ lục của kỷ lục" lập pháp trong một Kỳ họp của Quốc hội. Trong số này, có rất nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp. Chính vì vậy, sức ép đối với từng công đoạn, từng khâu của quy trình lập pháp càng lớn hơn bao giờ hết, và theo đó, những sơ suất, "tiểu tiết" là khó tránh khỏi.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu sử dụng công nghệ trong rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sử dụng trợ lý ảo để hỗ trợ tối đa cho hoạt động của Quốc hội, các Ủy ban và từng đại biểu Quốc hội. Đây là xu thế tất yếu và phải quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.
Về phần mình, các cơ quan trong quy trình lập pháp, đặc biệt là cơ quan chủ trì soạn thảo phải "thật ngấm" tinh thần cải cách, đổi mới mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện.
Mỗi điều luật phải được cân nhắc kỹ lưỡng, dù chỉ là "tiểu tiết" cũng phải thể hiện sâu sắc tinh thần cải cách, đổi mới. Có như vậy mới tạo được nền tảng pháp lý vừa chắc chắn, vừa thực sự cởi mở, thông thoáng để thực hiện thành công các cuộc cách mạng lớn của đất nước hiện nay, đặc biệt là "bộ tứ chiến lược" về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; hội nhập quốc tế; xây dựng và thực thi pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-phai-la-tieu-tiet-10371927.html