Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Sáng 14/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình quốc gia.

Trong phiên họp đã có 37 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, trong đó có 4 đại biểu tranh luận, 22 lượt ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, có 28 lượt ý kiến góp ý về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và có 12 đại biểu Quốc hội góp ý vào cả hai văn bản.

Các ý kiến thể hiện sự tán thành cao, sự cần thiết, những nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung hai văn bản này và trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp thứ 9, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện sắp xếp tổ chức hệ thống chính trị của cả nước và chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong đó nhấn mạnh một số nguyên tắc và yếu tố xuyên suốt của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Theo đó, để thay đổi nền hành chính địa phương, Cơ quan soạn thảo đã xây dựng trên bốn yếu tố cơ bản: Xác lập chỉnh thể cấu trúc pháp lý của chính quyền địa phương hai cấp trên nền tảng tuân thủ một số điều có liên quan đến Hiến pháp đang sửa đổi và trên nền tảng để thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 60 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 vừa qua, theo một số chủ trương lớn của Đảng trong tổng thể của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, trong mục tiêu, yêu cầu xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. Kế thừa, bổ sung, phân định thẩm quyền về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, làm cơ sở pháp lý để toàn bộ hệ thống pháp luật chuyên ngành sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới. Minh định thẩm quyền nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu quản trị địa phương trong tình hình mới, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thiết lập đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý để tháo gỡ khó khăn, rào cản, vướng mắc cho việc chuyển đổi chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp, nhưng gắn với việc thực hiện được ngay việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền theo chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương để địa phương thực hiện đúng mục tiêu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng giải trình về một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến nguyên tắc phân định, phân quyền, phân cấp, ủy quyền; về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, đánh giá cao tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao của các đại biểu. Đồng thời cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để các cơ quan trình dự án nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ họp để tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường và ý kiến góp ý của nhân dân.

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), sau đó Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-ve-du-an-luat-to-120277.htm