Kỳ lạ những dấu chân 100.000 năm vừa được phát hiện ở Morocco

Vào tháng 1-2024, một nhóm nhà khoa học quốc tế đến từ Morocco, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã công bố thông tin chi tiết về một khám phá thú vị. Đó là một bộ dấu chân người có niên đại 100.000 năm được tìm thấy trên một bãi biển đầy đá ở phía Bắc Morocco.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature, giúp các nhà khoa học có thêm cứ liệu để nghiên cứu nguồn gốc thực sự, khó hiểu của loài người. Nhưng giới khoa học cũng lo ngại tình trạng xói mòn bờ biển đang đe dọa sự tồn tại của những dấu vết cổ xưa này.

Bãi dấu chân cổ xưa được phát hiện dọc theo bờ biển vùng Larache ở phía bắc Morocco

Bãi dấu chân cổ xưa được phát hiện dọc theo bờ biển vùng Larache ở phía bắc Morocco

Phát hiện bất ngờ

Vào tháng 6-2022, nhóm của nhà khảo cổ học Mouncef Sedrati nghiên cứu thực địa tại những tảng đá gần bờ biển ở khu vực Tangier thì tình cờ phát hiện những vết lõm trên mặt đất tại thành phố Larache, Morocco. Khi nhìn kỹ hơn, họ phát hiện ra những vết lõm là dấu chân có kích thước khác nhau. Đối với ông Sedrati, một chuyên gia về động lực học ven biển và địa chất biển tại Đại học Nam Brittany của Pháp, đó là một cảnh tượng “đặc biệt” nhưng rất đáng tự hào. “Ban đầu, chúng tôi không chắc chắn lắm, nhưng sau đó các vết chân ngày càng nhiều và rõ ràng”, ông kể.

Tổng cộng có khoảng 85 dấu chân đã được tìm thấy, được xác định là từ nhóm có 5 người đang đi về phía mặt nước, sử dụng địa điểm này làm đường đi. Đây là những dấu vết đầu tiên của con người được phát hiện ở Bắc Phi và Nam Địa Trung Hải. Vòm vết lõm, gót tròn và dấu vết của ngón chân ngắn xác nhận rằng đó là dấu vết của Homosapiens hay người hiện đại như chúng ta. Kích thước bàn chân khác nhau của họ cho thấy có người lớn và trẻ em ở các độ tuổi khác nhau.

Xác định niên đại phát quang được kích thích bằng quang học, một kỹ thuật nghiên cứu giúp các nhà khảo cổ xác định thời điểm các khoáng chất hoặc carbon xung quanh các đồ tạo tác được phát hiện được tiếp xúc lần cuối với nhiệt hoặc ánh sáng mặt trời, cho phép các nhà nghiên cứu ước tính tuổi của các dấu chân. Họ cho rằng nguồn gốc của các dấu vết này thuộc về kỷ Pleistocen muộn, thời kỳ mà Kỷ băng hà cuối cùng diễn ra. Họ để lại vết tích trên trầm tích bãi biển đầy cát khoảng 100.000 năm trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa rõ nhóm đang làm gì ở địa điểm đó. Có phải họ đang cố gắng thu thập thức ăn từ biển? Hay chỉ đơn giản là họ đi ngang qua khu vực này và tình cờ đi ngang qua bãi biển?

Tổng cộng 85 dấu chân để lại có thể từ nhóm 5 người hiện đại để lại khoảng 100.000 năm trước

Tổng cộng 85 dấu chân để lại có thể từ nhóm 5 người hiện đại để lại khoảng 100.000 năm trước

Tại sao bãi dấu chân ở Larache tồn tại lâu như vậy?

Các nhà nghiên cứu cho rằng, đó là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm vị trí, loại đất và sóng biển. Bãi biển hình thành trên một nền đá cho phép thủy triều chôn vùi các trầm tích đất sét, giữ chúng được bảo tồn cho đến khi một đợt xói mòn gần đây làm lộ ra chúng một lần nữa. Việc tìm thấy dấu chân hàng nghìn năm tuổi tuy hiếm nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Dấu vết lâu đời nhất kiểu này được phát hiện vào năm 1995 ở Langebaan, một thị trấn ven biển thuộc tỉnh West Cape của Nam Phi, thuộc về con người được cho là đã sống cách đây khoảng 117.000 năm. Ông David Roberts, thành viên nhóm phát hiện ra những dấu chân đó, cho biết chúng có thể được tạo ra trên một cồn cát dốc trong một cơn bão trước khi cát khô lấp đầy vết lõm và cứng lại. Các vết chân có kích thước 22cm, tương đương với kích thước của một phụ nữ hiện đại, có lẽ cao khoảng 122cm.

Các nhà cổ nhân loại học, chuyên nghiên cứu về sự tiến hóa của con người hiện đại, cho biết các dấu chân cung cấp cho chúng ta hình dung về cuộc sống của tổ tiên loài người cũng như xác định khoảng thời gian con người bắt đầu phân nhánh và di chuyển trên toàn cầu. Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu cho rằng con người hiện đại lần đầu tiên đến Alaska và lan rộng khắp Bắc Mỹ khoảng 13.000 đến 16.000 năm trước, sau Kỷ băng hà cuối cùng. Nhưng những dấu chân ở Công viên White Sands ở New Mexico, Mỹ vào năm 2009 đã bác bỏ những nghiên cứu đó. Trong giả thuyết mới, con người đã sống khắp New Mexico và có thể đã du hành qua lục địa này cách đây 23.000 năm khi các dòng sông băng vẫn đang mở rộng và lan rộng khắp khu vực.

Tuy nhiên, những vết tích có ý nghĩa quan trọng đối với khảo cổ này lại đang bị đe dọa bởi sự thay đổi địa hình trong khu vực, một phần liên quan đến biến đổi khí hậu thay đổi. Nhóm của nhà khảo cổ học Mouncef Sedrati lưu ý trong nghiên cứu của mình rằng, bờ đá đang sụp đổ do mực nước biển dâng cao và cuối cùng nó có thể biến mất.

Theo Aljazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-la-nhung-dau-chan-100000-nam-vua-duoc-phat-hien-o-morocco-post567158.antd