'Kỳ lân' WeWork chính thức nộp đơn phá sản
Nguyên nhân nộp đơn xin phá sản là do các tổn thất tài chính lớn, nhu cầu thanh khoản cao và số lượng khách thuê sụt giảm.
WeWork, từng "làm mưa làm gió" trên lĩnh vực chia sẻ văn phòng làm việc toàn cầu – mới đây đã thông báo nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.
Quyết định trên cho thấy sau một loạt những nỗ lực cứu vãn tốn kém, chủ sở hữu WeWork - Tập đoàn Công nghệ SoftBank (Nhật Bản) cuối cùng đã chấp nhận rằng phá sản là cách duy nhất giúp công ty khởi nghiệp này tiếp tục tồn tại.
Theo WeWork, nguyên nhân nộp đơn xin phá sản là do các tổn thất tài chính lớn, nhu cầu thanh khoản cao và số lượng khách thuê sụt giảm. WeWork giải thích rằng doanh nghiệp đã lỗ hàng tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu sụt giảm liên quan đến tình hình kinh tế chung ảm đạm.
Hồi đầu tháng 11, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P cho biết WeWork đang trong tình trạng "vỡ nợ có chọn lọc" sau khi không đáp ứng được các điều kiện do phía chủ nợ đặt ra.
Tính tới hiện tại, cổ phiếu WeWork đã mất gần hết giá trị khi giảm tới 98,5% từ đầu năm tới nay và dừng chân ở mức 0,84 USD/cổ phiếu.
Trong một lưu ý gửi tới các chủ sở hữu tòa nhà văn phòng mới đây, công ty luật Cadwalader, Wickersham & Taft LPP nêu rằng WeWork có thể viện dẫn các điều khoản trong đạo luật phá sản của Mỹ để tránh những hợp đồng cho thuê khó giải quyết. Điều này đồng nghĩa một số chủ sở hữu tòa nhà văn phòng có thể phải chịu tác động đáng kể sau khi WeWork nộp hồ sơn xin bảo hộ phá sản.
Giới quan sát đã đặt câu hỏi về khả năng hoạt động có lãi của WeWork trong thời gian dài. Công ty vẫn chật vật tìm cách duy trì các văn phòng cho thuê đắt đỏ, khi các khách hàng doanh nghiệp dần hủy hợp đồng vì xu hướng làm việc tại nhà vẫn kéo dài sau đại dịch COVID-19. Chỉ tính riêng trong quý II/2023, chi phí thuê các văn phòng đã tiêu tốn tới 70% doanh thu của WeWork.
WeWork từng muốn hình thành một mạng lưới chia sẻ văn phòng làm việc trên toàn cầu. Dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập Adam Neumann, WeWork đã phát triển thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất tại Mỹ với mức định giá tới 47 tỷ USD. WeWork đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong đó có SoftBank, cùng sự hậu thuẫn của một số ngân hàng lớn trên Phố Wall như JPMorgan Chase. 60% cổ phần của WeWork thuộc về Softbank.
Mặc dù vậy, kế hoạch niêm yết của WeWork đã không thể diễn ra đúng dự kiến vào năm 2019. Nhà sáng lập Neumann khi đó bị truất quyền lãnh đạo do chiến lược kinh doanh đánh đổi lợi nhuận để theo đuổi tăng trưởng nhanh chóng không được các nhà đầu tư ủng hộ.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ky-lan-wework-chinh-thuc-nop-don-pha-san/314650.html