Kỷ lục buồn trên đỉnh Pà Cò: 'Đẻ được con trai mới thôi'
Mới 30 tuổi nhưng chị Vàng Y Nông (xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình) đã có 6 con và chuẩn bị đón đứa con thứ 7. Chị Y Nông bảo, vì chưa có con trai nên phải đẻ đến bao giờ có mới thôi. Đeo đuổi 'truyền thống' đó khiến chị Y Nông liên tục mang bầu.
Chưa có con trai... tiếp tục đẻ
Những cơn mưa trắng trời, những cơn gió thông thốc đuổi nhau trên các sườn núi mang theo lớp sương mù dày đặc như báo hiệu một mùa đông đã về trên xã vùng cao Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình.
Mùa đông ở Pà Cò thường đến rất sớm. Những ngày này nhiệt độ ban ngày đã xuống mức 17-180C, người dân đã bắt đầu co ro bên bếp lửa. Đây cũng là thời điểm những người Mông nơi đây chuẩn bị đối diện với những tháng ngày "giáp hạt". Rất nhiều gia đình, sẽ đối mặt với cái đói quay quắt.
Không thể phủ nhận, Pà Cò đã đổi thay đến chóng mặt. Từng là "thủ phủ thuốc phiện" nhức nhối nhưng bây giờ, xã vùng cao này đang trở thành điểm đến lý tưởng cho những người thích khám phá và du lịch. Cái thời cơn bão ma túy càn quét khiến rất nhiều gia đình ở đây tan nát, khiến nơi đây được gọi là "xứ sở của những bà mẹ đơn thân". Giờ đây, chuyện buồn ấy đã lùi xa.
Hiện tại, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm phục vụ dân sinh được xây dựng rất khang trang, hiện đại. Nhiều người Mông trước đây chủ yếu sống trên nương, trên rẫy giờ đã biết làm du lịch, thậm chí xây dựng cả homestay như trường hợp của thanh niên Phàng A Páo.
Ở xã Pà Cò, Phàng A Páo được xem là người con ưu tú của đồng bào dân tộc Mông. Páo đại diện cho lớp thanh niên trẻ tuổi, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi và thành công. Tiếc rằng, những người như A Páo vẫn còn quá ít. "Người Mông ở đây đã đoạt tuyệt với ‘con ma’ thuốc phiện nhưng… họ vẫn giữ những quan niệm đã lỗi thời để rồi mãi cam chịu với đói nghèo. Thật khó tin khi một bản như Pà Cò nằm cạnh bên UBND xã nhưng số hộ nghèo chiếm hơn nửa bản", A Páo tâm sự.
Mất chừng vài phút đồng hồ, A Páo đã dẫn chúng tôi từ trung tâm xã đến khu sân bóng thuộc bản Pà Cò. Bỏ lại sau lưng hình ảnh trụ sở UBND xã và trường học khang trang, đập vào mắt là những ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo, trống trước, hở sau và những phận người nghèo khó, cơ cực.
Khác với những bản người Mông ở các vùng Tây Bắc, ở bản Pà Cò người dân không dựng nhà trên núi cao, tất cả đều quây quần dưới thung lũng khá bằng phẳng. Không có nhà sàn, chỉ có nhà gỗ cấp 4, nền đất. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là của vợ chồng Sùng A Tang và Vàng Y Nông. Nhà chị Y Nông thuộc hộ nghèo nên dễ hiểu vì sao trong nhà trống huơ, trống hoác.
A Tàng năm nay 32 tuổi, còn chị Y Nông vừa tròn 30. Tuổi đời còn khá trẻ nhưng cặp vợ chồng này đang giữ kỷ lục là nhà nhiều con nhất bản. Lấy chồng năm 17 tuổi và đến nay chị Y Nông đã có 6 người con và gia đình chuẩn bị chào đón thêm thành viên thứ 7.
Con gái lớn của chị Y Nông là Sùng Y Thanh (12 tuổi), tiếp đến là Y Liên (11 tuổi), Y Hiền (10 tuổi), Y Hương (9 tuổi) và Y Cúc (2 tuổi). Riêng người con gái thứ 5, sau khi sinh ra vì gia đình quá khó khăn nên vợ chồng chị Y Nông đã cho làm con nuôi.
Hôm chúng tôi đến thăm, anh A Tàng đi vắng, 4 người con đang đi học, ở nhà chỉ có chị Y Nông và bé Y Cúc. Ngôi nhà cũ kỹ được che chắn khá tạm bợ bằng ván gỗ nên sương mù từ ngoài len qua các kẽ hở, khiến trong nhà cũng mù mịt, đặc quánh như ngoài trời. Bên bếp lửa bập bùng, bé Y Cúc đang ăn bữa sáng. Chỉ có bát cơm trắng và tô nước canh trong suốt nhưng bé gái 2 tuổi ngồi co ro xúc ăn ngon lành.
"Nhà đông con nên không có điều kiện chăm sóc, các con đều tự lập từ rất sớm", chị Y Nông giãi bày. Nói về lý do đẻ nhiều con, người mẹ 6 con này hồn nhiên cho biết, vì chưa đẻ được con trai nên cố bao giờ có mới thôi.
May mắn, đứa con sắp chào đời khi đi siêu âm được "bật mí" là quý tử nên vợ chồng chị Y Nông mừng lắm. Tuy nhiên, khi được hỏi sau khi có con trai liệu còn đẻ tiếp hay không, chị Y Nông chỉ cười trừ.
Con 9 ngày tuổi đã lên nương cùng mẹ
Cũng như các hộ gia đình khác trong bản, cuộc sống của vợ chồng Y Nông gắn với nương rẫy, một mùa trồng ngô, một mùa trồng lúa. Tuy nhiên, do ở xã Pà Cò nói chung và bản Pà Cò nói riêng, quỹ đất rất ít nên năm nào được mùa cũng chỉ được mấy tạ thóc và 4-5 tấn ngô. Nhà còn có cả bố mẹ chồng nên với 9 miệng ăn, số lương thực trên là quá ít. Năm nào gia đình Y Nông cũng thiếu đói mất mấy tháng.
Cũng vì nhà nghèo, trong khi các con còn quá nhỏ nên chị Y Nông nhiều lần phải địu theo đứa con còn đỏ hỏn trên lưng để lên nương cùng chồng. "Có thời điểm, tôi mới sinh con được 9 ngày nhưng đúng vào mùa vụ nên vẫn phải đưa cả con đi làm. Nương ở tận trên núi cao nhưng không có người làm, phải cố chứ biết làm sao", chị Y Nông tâm sự.
Anh Phàng A Páo cho biết, người Mông ở Pà Cò vẫn còn hủ tục phải đẻ cho bằng được con trai. Nếu trong nhà đã đủ nếp tẻ, họ sẽ không sinh nhiều con như trước. Tuy nhiên, nói là không sinh nhiều nhưng nhà 3-4 đứa con vẫn phổ biến như hộ anh Sùng A Dù (4 con), Sùng A Tềnh (4 con) hay vợ chồng anh Sùng A Dư và chị Mùa Y Sồng ngay bên cạnh nhà chị Y Nông cũng có 4 người con.
Điều may mắn là sau khi sinh liền 3 con gái, đến đứa thứ 4 chị Y Sồng đã có được đứa con trai nối dõi. Người mẹ 4 con này tự tin tuyên bố, sẽ không đẻ thêm nữa, đẻ cũng không nuôi được vì gia đình đang thuộc hộ nghèo.
Có một điều khá tích cực là dù cuộc sống còn rất khốn khó nhưng tất các các đứa trẻ trong độ tuổi đến trường ở bản Pà Cò đều được bố mẹ cho đi học. "Vì bản gần trường, các cháu đi học không phải đóng góp bất cứ khoản gì ngoài tiền mua sách vở nên ở đây không có tình trạng trẻ phải bỏ học", trưởng bản Sùng A Tềnh chia sẻ.
Trưởng bản Tềnh cũng buồn bã khi nói về cái nghèo, cái khó của bản mình: "Bản có 112 hộ thì có đến 65 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Trước đây, mỗi năm thiếu ăn từ 3-4 tháng, giờ đỡ hơn nhưng với các hộ nghèo vẫn thiếu đói vào thời điểm giáp hạt. Người Mông vẫn có truyền thống phải có con trai, chưa có đẻ đến bao giờ có mới thôi dù cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề. Để thay đổi được tập tục này là điều không hề đơn giản"...
Bài trước: Những kỷ lục buồn trên đỉnh Pà Cò: 4 bố con đều lấy vợ ở tuổi 17