Ký mới Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí Lô 15-2
Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) đối với Lô 15-2, bể Cửu Long có thời hạn 25 năm vừa được ký mới và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 07/04/2025, ngay sau khi Hợp đồng cũ kết thúc 25 năm hoạt động vào ngày 6/4/2025.
Chiều tối nay, ngày 31/3/2025, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cùng tổ hợp nhà thầu Japan Vietnam Petroleum Company Limited (JVPC - công ty con 100% của ENEOS Xplora, Nhật Bản) và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã tiến hành ký kết Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) đối với Lô 15-2, bể Cửu Long trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ, phù hợp với các quy định của Luật Dầu khí năm 2022.
Đây là hợp đồng dầu khí đầu tiên hiện thực hóa các điểm mới của Luật Dầu khí năm 2022, khẳng định sự đúng đắn của chính sách khuyến khích đầu tư trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Lễ ký Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí Lô 15-2.
Hợp đồng này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình pháp lý về hoạt động dầu khí, mà còn thể hiện nỗ lực lớn của các bên trong việc thể chế hóa, hiện thực hóa, đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ và khả thi trong tổ chức triển khai các hợp đồng dầu khí mới theo quy định pháp luật hiện hành.
Sự kiện lễ ký PSC Lô 15-2 cũng là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, minh bạch giữa các bên dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Hợp đồng đảm bảo sự ổn định và tiếp nối liên tục các hoạt động dầu khí tại Lô 15-2, góp phần tối đa hóa nguồn thu cho ngân sách, bảo đảm an ninh năng lượng và hướng tới phát triển bền vững.

Hợp đồng Lô 15-2 trước đây ký ngày 06/10/1992 và Japan Vietnam Petroleum Co., Ltd. (JVPC) giữ vai trò Người điều hành. Hợp đồng cũ của Lô 15-2 sẽ hết hạn vào ngày 06/4/2025.
Lô 15-2 có diện tích khoảng 415,9 km², nằm ngoài khơi khu vực Đông Nam Bộ, thuộc phần trung tâm và phía Đông Bắc của bể trầm tích Cửu Long, gồm 2 mỏ dầu khí lớn là Rạng Đông và Phương Đông, có độ sâu trung bình 57–60 mét nước.
Đây là phần diện tích còn lại của hợp đồng dầu khí trước đó, sau khi các bên đã hoàn tất nghĩa vụ hoàn trả theo quy định vào cuối giai đoạn thăm dò, cũng là khu vực được tiếp tục phát triển trong Hợp đồng PSC mới.
Dự án được Japan Vietnam Petroleum Company Limited (JVPC) điều hành liên tục từ năm 1992. JVPC là công ty con 100% vốn của ENEOS Xplora – đơn vị thăm dò và khai thác dầu khí trực thuộc Tập đoàn ENEOS Holdings (Nhật Bản).
Đến nay, JVPC và PVEP tiếp tục hợp tác triển khai dự án trong khuôn khổ Hợp đồng PSC mới, trong đó JVPC nắm giữ 45% quyền lợi tham gia và tiếp tục đảm nhiệm vai trò Người điều hành.
Hợp đồng Lô 15-2 trước đây ký ngày 06/10/1992 và Japan Vietnam Petroleum Co., Ltd. (JVPC) giữ vai trò Người điều hành. Hợp đồng cũ của Lô 15-2 sẽ hết hạn vào ngày 06/4/2025.
Kết quả hoạt động dầu khí tại Lô 15-2 thời gian qua đã phát hiện 02 mỏ dầu khí có tính thương mại là Rạng Đông và Phương Đông.
Tính đến hết tháng 02/2025, tổng sản lượng khai thác cộng dồn tại Lô 15-2 là 251,52 triệu thùng dầu và xuất bán 195 tỷ bộ khối khí, doanh thu đạt 15 tỷ USD, trong đó, phần thu của Chính phủ khoảng 7,87 tỷ USD (bao gồm các loại thuế và chia lãi nước chủ nhà).
Có thể nói, PSC Lô 15-2 là một trong những Hợp đồng dầu khí rất thành công của PVN, đóng góp vào thành công chung của hợp tác kinh tế, đối tác ngoại giao chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Đánh giá cao vai trò của Nhà điều hành JVPC và nhà thầu PVEP trong suốt 25 năm qua, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định sự hợp tác của Petrovietnam và các đối tác Nhật Bản thời gian qua và trong tương lai sẽ đóng góp quan trọng cho quan hệ hợp tác toàn diện và sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Chúc mừng Petrovietnam và Tổ hợp Nhà thầu, Phó thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn khẳng định đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Việc hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có các đối tác Nhật Bản trong hoạt động thăm dòi khai thác dầu khí với công nghệ hiện đại không chỉ giúp chuyển giao công nghệ mới cho toàn ngành dầu khí mà còn giúp Petrovietnam khẳng định vị thế trên bản đồ dầu khí thế giới, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi của Petrovietnam thành Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định, Hợp đồng Lô 15-2 là bước tiến quan trọng sau khi Luật Dầu khí năm 2022 có hiệu lực. Ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực, các nhà thầu cần triển khai quyết liệt hiệu quả theo đúng các quy định, cam kết công việc nhằm gia tăng sản lượng tối đa của Lô 15-2 và giá tăng hệ số thu hồi dầu. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Phó Thủ tướng đề nghị Petrovietnam phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, khuyến nghị đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực dầu khí, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên đối tác.

Cũng tại lễ ký, đại diện Bộ Công Thương đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các bên tham gia Dự án là thủ tục cần thiết để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Chính phủ Việt Nam.
Các bên cũng kỳ vọng, với 32 năm kinh nghiệm hợp tác cùng tiến hành các hoạt động dầu khí tại Lô 15-2, Tổ hợp nhà thầu JVPC và PVEP sẽ tiếp tục gặt hái được thành công tại đây trong thời gian tới và phát hiện dòng dầu khí thương mại tại cấu tạo Đông Sơn trong quý III/2025.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ky-moi-hop-dong-chia-san-pham-dau-khi-lo-15-2-d260944.html