Kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu phải được thực hành thường xuyên

Khi trẻ bị đuối nước, hoặc đuối nước trên cạn (như ngã úp mặt vào chậu nước)… nếu người lớn chỉ đưa trẻ ra khỏi nước và chờ lực lượng y tế đến ứng cứu là đã bỏ qua thời gian vàng cứu trẻ, vì với tai nạn này, trẻ chỉ có 4 phút để cấp cứu.

Bà Nguyễn Thị Hào, Phó Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội) mong muốn 100% giáo viên, nhân viên và người lao động của mỗi cơ sở giáo dục mầm non phải được tập huấn các thao tác sơ, cấp cứu ban đầu - Ảnh: VGP/HM

Bà Nguyễn Thị Hào, Phó Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội) mong muốn 100% giáo viên, nhân viên và người lao động của mỗi cơ sở giáo dục mầm non phải được tập huấn các thao tác sơ, cấp cứu ban đầu - Ảnh: VGP/HM

Ngày 10/11, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục Novastars và các bác sĩ thuộc Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tổ chức khóa tập huấn "Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu nhi khoa" cho 222 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cốt cán cấp mầm non đến từ 30 quận, huyện của Hà Nội.

Tại buổi tập huấn, BS. Đặng Thị Hồng Liên, giáo viên thuộc Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chia sẻ, những tai nạn thương tích trong sinh hoạt hằng ngày, như ngã vấp, chảy máu, bỏng do nước nóng, bỏng do điện giật, do lửa, hay đuối nước, đuối nước trên cạn… xảy ra ở trẻ em ngày càng nhiều và ở bất kỳ thời điểm nào.

Với những tai nạn này, không ai có thể cứu được trẻ ngay tức khắc ngoài những người trực tiếp chăm sóc trẻ hằng ngày. Nếu chờ lực lượng y tế tới thì cơ hội vàng cứu trẻ sẽ muộn. Ví dụ, với trường hợp trẻ bị đuối nước trên cạn, nếu người lớn phát hiện, đưa trẻ ra khỏi chậu nước và chờ lực lượng y tế đến sẽ đánh mất thời gian vàng cứu trẻ, vì lúc này trẻ chỉ có 4 phút để cấp cứu.

Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức kĩ năng sơ cấp cứu ban đầu nhi khoa cho 222 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp mầm non đến từ 30 quận, huyện - Ảnh: VGP/HM

Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức kĩ năng sơ cấp cứu ban đầu nhi khoa cho 222 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp mầm non đến từ 30 quận, huyện - Ảnh: VGP/HM

BS. Đặng Thị Hồng Liên cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới, tất cả các trường hợp ngừng tuần hoàn chỉ có 4 phút để tiếp cận và ép tim nhằm nuôi dưỡng và bảo vệ tế bào não. Từ phút thứ 5 trở đi, não bắt đầu chết vì thiếu oxy (trên cơ thể con người có duy nhất tế bào não không có oxy dự trữ). Chính vì vậy, nếu ép tim muộn, oxy sẽ lên não chậm, ngay cả khi tim đập trở lại, cũng sẽ không cứu được não.

Đây chính là lý do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp cùng các bác sĩ thuộc Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ triển khai tập huấn bồi dưỡng kiến thức kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu nhi khoa tại cấp học mầm non để các cô giáo luôn được thực hành và tự tin khi xử lý các tình huống không may xảy ra, vì trẻ mầm non là đối tượng thường hay xảy ra tai nạn thương tích trong sinh hoạt nhiều nhất.

Cũng theo BS. Đặng Thị Hồng Liên, kỹ năng thực hành rất quan trọng. Lý thuyết có thể tự tìm và học trên mạng với đầy đủ kiến thức. Nhưng khi đối mặt với thực tế, rất ít người nhớ và làm được, vì họ không được thực hành. Khi không được thực hành thì không có đủ bình tĩnh để làm.

Nếu chỉ học lý thuyết thì sẽ nhớ được 10% những gì đã học, nhưng nếu được thực hành thì có thể nhớ được 80-90% bài học. Đây là lý do các bác sĩ mong muốn các trường sẽ tạo điều kiện để các cô giáo được thực hành, thực hành và thực hành. Đó cũng là phương châm người bên cạnh cứu người bên cạnh, các cô cứu các con.

Mọi người đều có thể trở thành "bác sĩ cấp cứu ban đầu" ngay tại trường, tại nhà và tại các khu dân cư… - Ảnh: VGP/HM

Mọi người đều có thể trở thành "bác sĩ cấp cứu ban đầu" ngay tại trường, tại nhà và tại các khu dân cư… - Ảnh: VGP/HM

"Mục đích của những khóa học này là mong muốn có những cánh tay nối dài, những nhân viên y tế của trường sau khi được đào tạo sẽ trở thành giáo viên như chúng tôi, và chính những nhân viên đó sẽ đào tạo lại hằng tuần, hằng tháng, hằng năm cho chính giáo viên trong trường.

Các bác sĩ sẽ không có đủ người để đào tạo tất cả các trường, tuy nhiên mọi người đều có thể trở thành bác sĩ cấp cứu ban đầu ngay tại trường, tại nhà và tại các khu dân cư…", BS. Đặng Thị Hồng Liên phân tích.

Bà Lê Thị Thúy Hồng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục đào tạo huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng chia sẻ, khi các cô giáo được bị kiến thức tập huấn về tai nạn thương tích cho trẻ thì chính các cô sẽ là những bác sĩ ban đầu cứu các con. Vì vậy, tất cả các giáo viên đều cần có kiến thức, từ đó lan tỏa tới các bậc phụ huynh, tới khu dân cư, thậm chí bồi dưỡng kiến thức đơn giản cho chính trẻ ngay tại trường.

Các cán bộ lãnh đạo giáo dục của Hà Nội cho rằng, việc phòng tránh các nguy cơ tai nạn thương tích và đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp học an toàn, việc làm hằng ngày như ăn, ngủ, nghỉ của trẻ... thì việc nhận diện các thương tích và các thao tác hỗ trợ ban đầu đối với những trường hợp trẻ không may xảy ra tai nạn là rất quan trọng.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo, sau buổi tập huấn, các phòng giáo dục quận, huyện cần tiếp thu nghiêm túc vấn đề này; mong muốn 100% giáo viên, nhân viên và người lao động của mỗi cơ sở giáo dục mầm non phải được tập huấn các thao tác ban đầu này.

Từ đó, giúp các giáo viên có tâm thế chủ động trong việc ngăn ngừa các tai nạn có thể xảy ra trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non; giúp các giáo viên bình tĩnh, tự tin xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra nhằm giảm thiểu các hậu quả xuống mức thấp nhất có thể.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ky-nang-so-cap-cuu-ban-dau-phai-duoc-thuc-hanh-thuong-xuyen-102221110171224086.htm