Kỷ nguyên trung lập của châu Âu sẽ chấm dứt?
Việc gia nhập NATO sẽ thắt chặt hơn quan hệ giữa Thụy Điển và khối quân sự này. Dù vậy, Stokholm có thể phụ thuộc NATO về chính trị - quân sự, cũng như mất đi bản sắc trung lập.
Cùng với người láng giếng Phần Lan, Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa đầy ba tháng sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Tuy nhiên, do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, mong muốn của Stokholm vẫn chưa được hiện thực hóa dù đã được đa số quốc gia phương Tây ủng hộ.
"Hội nghị thượng đỉnh tại Madrid chưa phải là hạn chót", ông Ibrahim Kalin, cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, nói đến cuộc họp dự kiến khởi động ngày 29/6 tới. "Các cuộc đàm phán giữa chúng tôi sẽ còn tiếp diễn".
Đất nước được tái sinh tại vùng biển Baltic
Thụy Điển là quốc gia có diện tích lớn thứ năm tại châu Âu với tổng diện tích lên tới 449.964 km vuông. Phía tây nước này giáp với Na Uy, phía đông bắc giáp với Phần Lan, nối với Đan Mạch bằng cây cầu Oresund ở phía nam, phần biên giới còn lại giáp với biển Baltic và biển Kattegat.
Trong quá khứ, dưới thời của Vua Charles XII, Thụy Điển được coi là một cường quốc hùng mạnh khi sở hữu toàn bộ vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả Phần Lan. Đây được coi là vùng đệm quan trọng của Thụy Điển trong các cuộc chinh phạt các quốc gia láng giềng trong những năm của thế kỷ XVIII.
Tại Thụy Điển, hòn đảo Gotland được coi là một trong những hòn đảo có vị trí chiến lược đặc biệt đối với nước này. Hòn đảo Gotland có diện tích khoảng 3.200 km vuông, nằm tại trung tâm biển Baltic.
Trong năm 2018, Thụy Điển đã bắt đầu quá trình khôi phục lại lực lượng hải quân, không quân nhằm hỗ trợ cho việc kiểm soát không phận và hải phận tại vùng biển Baltic với quy mô rộng lớn.
Đối tác chiến lược hàng đầu của EU tại Bắc Âu
Thụy Điển chính thức gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995 và là một trong những thành viên tích cực và chủ động của khối. Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Thụy Điển và EU được mở rộng và hợp tác trên nhiều phương diện bao trùm từ kinh tế - chính trị - xã hội, công nghiệp năng lượng và khoa học kỹ thuật.
Năm 2022, Thụy Điển cũng thông qua Hiệp định Đối tác với Ủy ban châu Âu (EC) giai đoạn 2021 - 2027 với khoản đầu tư lên tới 2.2 tỷ euro.
Các thỏa thuận hợp tác giữa Thụy Điển - EU sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy tiến trình gắn kết chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ truyền thống đối tác.
Trong đó, Thụy Điển cho rằng EU cần thực hiện trách nhiệm đối với việc đảm bảo an ninh nội khối. Điều này sẽ củng cố thêm sức mạnh không chỉ của EU mà còn đối với tất cả các quốc gia thành viên, cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược trong và ngoài khu vực.
Câu hỏi về tính “trung lập”
Kể từ sau năm 1809, mối quan hệ giữa Nga và Thụy Điển nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hai quốc gia xảy ra một số cuộc đụng độ quân sự và ngoại giao.
Năm 1981, sự kiện “Whisky on the rocks” đã khiến cho ngoại giao giữa Thụy Điển và Liên Xô đi vào bế tắc. Khi đó, tàu ngầm của Liên Xô đã đâm vào bãi đá ngầm, nơi chỉ cách căn cứ quân sự của Karlskrona của Thụy Điển khoảng 2km. Thụy Điển cáo buộc tàu Liên Xô chở vũ khí hạt nhân và tiến hành thẩm vấn 2 thuyền trưởng.
Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nga bắt đầu triển khai chính sách an ninh đối ngoại quyết đoán hơn. Phía Thụy Điển và Nga đều giữ thái độ hòa hoãn và hợp tác ở mức độ tương đối.
Năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Thụy Điển đã bắt đầu tăng cường triển khai lực lượng quân sự trên đảo Gotland - hòn đảo có vị trí chiến lược tại vùng biển Baltic - nhằm phòng bị cho những xung đột có thể xảy ra giữa hai nước.
Đặc biệt, sau sự kiện “chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga được phát động vào cuối tháng 2 tại Ukraine, các nhà lãnh đạo Thụy Điển đã bắt đầu lo ngại về trạng thái an ninh của Thụy Điển.
“Có một thời điểm trước và sau 24/2 mà bối cảnh an ninh đã hoàn toàn thay đổi. Xem xét tình hình, chúng tôi cần phải suy nghĩ thật kỹ về những điều tốt nhất cho Thụy Điển cũng như nền hòa bình của mình trong thời kỳ mới”, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết.
Đáp lại những phản ứng và sự thay đổi trong chính sách trung lập của Thụy Điển, phía Nga cũng đưa ra những phản ứng dứt khoát.
Một mặt, Nga cho rằng việc Thụy Điển nghiêng về phương Tây sẽ không phải là mối đe dọa trực tiếp đến nước Nga.
Mặt khác, Nga cũng đưa ra những lời cảnh báo đối với Thụy Điển, cho rằng đây là một quyết định sai lầm. Nga tuyên bố cũng sẽ có những hành động đáp trả nếu khối này triển khai các hoạt động quân sự gần với biên giới Nga.
Đối tác chiến lược quan trọng trong cấu trúc NATO
Trong suốt thế kỷ 20, sự trung lập của Thụy Điển đã phát triển thành một chính sách đối ngoại mang tính “bản sắc”. Quốc gia này coi mình là trung gian hòa giải trên trường quốc tế, đề cao ngoại giao đa phương và giảm bớt quy mô quân đội ngay cả sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Sự thống nhất về mặt ý thức hệ chính là lý do Stockholm chọn không gia nhập NATO ngay khi tổ chức này được thành lập vào năm 1949. Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp với NATO trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sau Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ Thụy Điển - NATO bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Năm 1994 đánh dấu sự hợp tác chính thức đầu tiên khi Thụy Điển trở thành thành viên của Hiệp hội Đối tác vì Hòa bình (PfP) được khởi xướng bởi NATO. Thỏa thuận PfP mang lại cho Thụy Điển một mối quan hệ sâu rộng với các nước thành viên trong khối liên minh.
Đến nay, Thụy Điển đã có nhiều đóng góp quan trọng cho NATO cũng như những các hoạt động do khối này dẫn đầu. Cụ thể, vào tháng 9/2007, Thụy Điển đã cử 260 binh sĩ cho Đội Tái thiết tỉnh (PRT) của NATO ở Afghanistan.
Quốc gia này cũng đóng góp khoảng 300 quân trong Lực lượng Kosovo của NATO (KFOR). Đồng thời, Thụy Điển cũng là một trong sáu quốc gia được NATO coi trọng trong sáng kiến “Đối tác cơ hội nâng cao”.
Kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Thụy Điển đã áp dụng lệnh cấm vận và tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên, “mối duyên” giữa Thụy Điển và NATO vẫn bị ngăn cản. Nhiều luồng tranh luận phe cánh tả tại Thụy Điển vẫn nghi ngờ về chương trình nghị sự của NATO do Mỹ lãnh đạo, cho rằng việc trở thành thành viên NATO sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Cuối cùng, đến năm 2022, trước sự kiện Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, Thụy Điển và NATO đã nhanh chóng tiến hành thúc đẩy hợp tác.
Định hướng này của NATO bao gồm: đẩy mạnh đối thoại chính trị và tham vấn thường xuyên; trao đổi thông tin; phối hợp huấn luyện và thực hành diễn tập; phát triển nhận thức chung về tình hình khu vực nhằm đảm bảo an ninh đối với các nước thuộc vùng biển Baltic.
Trước những ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine cùng sự ủng hộ của Phần Lan và NATO, Thụy Điển đã chính thức trình đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5.
Việc Thụy Điển đẩy nhanh tiến trình gia nhập NATO trong bối cảnh chiến sự vẫn đang leo thang, sẽ là “lá chắn” an ninh quan trọng dành cho Stockholm khi nước này sẽ được nhận sự đảm bảo từ những cam kết trong điều khoản số 5 của Hiến chương NATO.
Triển vọng quan hệ Thụy Điển - Nga, Thụy Điển - NATO
Để chính thức trở thành viên NATO, Thụy Điển sẽ phải trải qua quá trình xét duyệt kéo dài một năm, và phải được sự chấp thuận của toàn bộ 30 thành viên NATO.
Tuy nhiên, quá trình gia nhập khối liên minh quân sự của Thụy Điển không diễn ra thuận lợi như những gì nước này mong đợi do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng tạo ra những thách thức trong mối quan hệ giữa Thụy Điển với các thành viên phản đối của NATO.
Trước những diễn biến quân sự vẫn đang tiếp diễn tại Ukraine, việc Thụy Điển đệ đơn gia nhập NATO sẽ trở thành phép thử cho mối quan hệ giữa Thụy Điển - NATO và Thụy Điển - Nga.
Nếu Thụy Điển gia nhập NATO thành công, Thụy Điển có thể trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo an ninh với các quốc gia tại vùng biển Baltic nằm trong phạm vi kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của NATO.
Việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan sẽ tác động đến cục diện trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Một điều có thể thấy rõ, khoảng cách không gian “hậu Xô Viết” và số quốc gia trung lập tại châu Âu đã và đang có một sự thu hẹp nhất định, đồng nghĩa với việc tồn tại một trật tự và cấu trúc an ninh mới đang được định hình và chuyển dịch trong lòng châu Âu thông qua cuộc chiến giữa Nga - Ukraine.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-nguyen-trung-lap-cua-chau-au-se-cham-dut-post1329026.html