Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thường Tín (28/8/1954 - 28/8/2024): Rạng ngời vùng đất danh hương
Ngày này 70 năm trước (ngày 28-8-1954), huyện Thường Tín được giải phóng. Phát huy truyền thống của đất khoa bảng, danh hương, 70 năm qua và đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thường Tín không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành điểm sáng ở phía Nam Hà Nội, một quận tiềm năng của Thủ đô trong tương lai…
Đất danh hương, đất anh hùng
Thường Tín - vùng đất lịch sử gắn với Kinh thành Thăng Long đã sinh ra, nuôi dưỡng nhiều danh nhân văn hóa, như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn; nhiều bậc chí sĩ, như: Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến... và cũng là một trong những "cái nôi" của tinh hoa làng nghề.
Đứng chân nơi cửa ngõ phía Nam của Thăng Long - Hà Nội, Thường Tín là nơi hun đúc, nuôi dưỡng hiền tài với 26 làng có người thi đỗ đại khoa, 68 nhà khoa bảng. Làng Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên) được coi là “đất học”, là "làng tiến sĩ". Nhiều dòng họ, đời nối đời đỗ đạt, như họ Từ ở làng Khê Hồi (xã Hà Hồi) được gọi là "họ tiến sĩ". Nhiều gia đình có hai người đỗ đại khoa, như cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê; ông cháu Doãn Mậu Khôi, Doãn Ðàm ở làng An Duyên; anh em Ngô Hoan, Ngô Ước ở làng Nghiêm Xá...
Đất Thường Tín lưu giữ 385 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 89 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Những đền Nguyễn Trãi, chùa Ðậu, chùa Mui, bến Chương Dương là dấu ấn đậm nét về một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “hội tụ tinh hoa”... Thường Tín cũng được coi là một trong những "cái nôi” làng nghề với 126 làng nghề thủ công, trong đó có 49 làng được công nhận là làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội.
Đất danh hương, khoa bảng, đất nghề đã hun đúc trong mỗi người dân Thường Tín tinh thần yêu nước, năng lực sáng tạo. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, huyện Thường Tín đã hòa cùng dòng chảy lịch sử của dân tộc, lập nên những chiến công oai hùng.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, sang đầu thế kỷ XX, tại Thường Tín đã hình thành nhiều tổ chức yêu nước, thu hút đông đảo người dân, như: Tổ chức Nông hội đỏ ở Tự Nhiên, Thanh niên giáp công thiện ở Vân La; Thanh niên cứu quốc ở Hà Hồi, Văn Bình…
Trong khí thế sục sôi của thời đại, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy tinh thần yêu nước mạnh mẽ, tạo nên một cao trào cách mạng, một sức mạnh không gì ngăn cản nổi, ngày 18-8-1945, nhân dân Thường Tín đã vùng lên giành chính quyền. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử huyện Thường Tín.
Năm 1946, thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người dân Thường Tín đã vượt qua gian khổ, hy sinh, góp phần làm nên “thiên sử” “chín năm kháng chiến trường kỳ”.
Đặc biệt với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, người dân đất danh hương đã huy động sức người, sức của cho chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954. Đến ngày 28-8-1954, hàng trăm nghìn người dân Thường Tín cùng vỡ òa trong niềm vui giải phóng, quê hương không còn bóng quân thù; binh lính Pháp rút đến đâu ta tiếp quản đến đấy, nhanh gọn, an toàn.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thường Tín tập trung khôi phục lại kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), thắng lợi nhiều mặt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng đã tạo ra những điều kiện vững chắc để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thường Tín cùng Thủ đô Hà Nội đối mặt với các cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay của đế quốc Mỹ, làm nên những chiến công hiển hách.
“Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả cho tiền tuyến”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong những năm chống đế quốc Mỹ, mỗi năm, Thường Tín đóng góp từ 4.700 đến 6.200 tấn lương thực, 400-500 tấn thực phẩm, được Tỉnh ủy Hà Đông ghi nhận là huyện dẫn đầu. Thường Tín cũng đã tiễn 14.586 thanh niên lên đường nhập ngũ và 1.055 thanh niên xung phong làm nhiệm vụ dân công, hỏa tuyến.
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Thường Tín có 3.018 liệt sĩ đã hiến dâng đời mình cho đất nước, quê hương, hơn 1.000 thương binh, bệnh binh từ chiến trường trở về và 252 bà mẹ đã được vinh danh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Phấn đấu trở thành đô thị hiện đại
Chiến tranh qua đi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thường Tín tiếp tục bước vào “cuộc chiến đấu mới”, xây dựng và phát triển quê hương. Vượt qua thời kỳ bao cấp dù có nhiều khó khăn, Thường Tín bước vào công cuộc đổi mới với nhiều thách thức, song cũng đạt được nhiều thành tựu và những dấu ấn, trở thành huyện nông nghiệp cung ứng nguồn lương thực lớn, có nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, từng bước vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngày 1-8-2008, Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan chính thức đi vào cuộc sống, mở ra giai đoạn phát triển mới của Thường Tín, với không gian và tầm nhìn rộng mở hơn.
Huyện Thường Tín luôn xác định: “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện qua các thời kỳ đã đề ra những định hướng lớn, các mục tiêu, chỉ tiêu trên các mặt công tác cùng những giải pháp nhằm phát huy truyền thống vẻ vang và tiềm năng, lợi thế, đưa huyện phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, Thường Tín vừa tập trung huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, vừa chú trọng phát triển đô thị, tạo nền tảng cho tiến trình phát triển mới, phù hợp với xu thế thời đại cùng các quận, huyện đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.
Năm 2019, Đảng bộ và nhân dân Thường Tín được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2020, huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới, đến tháng 6-2024, có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kinh tế tăng trưởng mạnh và có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách nhà nước nhiều năm gần đây đạt hơn 1.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, trong đó năm 2023 đạt hơn 1.750 tỷ đồng.
Trong tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ của Thủ đô, diện mạo đất danh hương đã mang “màu sắc” mới với nhiều điểm nhấn. Hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhiều công trình đã và đang được xây mới. Những cụm công nghiệp hiện đại thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, hộ gia đình vào sản xuất, vừa giải quyết những “bài toán” làng nghề, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế; những di tích văn hóa, lịch sử được bảo tồn, nhiều dự án phát huy giá trị truyền thống mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội; những mô hình kinh tế xanh, công nghiệp văn hóa, nông nghiệp đô thị… từng bước hình thành. Thường Tín đang hướng đến một đô thị giàu bản sắc cùng những “miền quê” đáng sống...
Viết tiếp những thành công, Thường Tín phấn đấu đến năm 2030, đất danh hương hoàn thành các tiêu chí đơn vị hành chính cấp quận của Thủ đô Hà Nội, có hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội vừa khang trang, hiện đại, vừa mang bản sắc riêng có của vùng đất khoa bảng, vùng đất trăm nghề.
Trong chặng đường lịch sử 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thường Tín đã gặt hái được nhiều thành công, khẳng định vị trí riêng có của vùng đất cửa ngõ phía Nam Thăng Long - Hà Nội. Truyền thống của đất khoa bảng, đất trăm nghề - đất danh hương, đất Anh hùng vừa là nguồn lực, vừa là động lực để Thường Tín vươn mình hướng tới một đô thị hiện đại, bền vững trong thời đại mở cửa hội nhập, của kỷ nguyên kinh tế xanh, kinh tế số…
Nguyễn Tiến Minh
Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín