Kỷ niệm 700 năm ngày mất 'ông tổ' ngành Sử học Việt Nam
Sáng 21/4, tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu.
Nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm 1230, ở làng Phủ Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa), từ thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, có rất nhiều giai thoại bộc lộ tư chất hơn người của ông.
Với tài học lừng danh, lại chăm dùi mài kinh sử, Lê Văn Hưu đã đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (năm 1247) đời vua Trần Thái Tông (đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước ta lấy danh vị Tam khôi). Ông được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải.
Đóng góp lớn nhất, đưa tên tuổi của Lê Văn Hưu vào lịch sử dân tộc không dừng lại ở việc đỗ Bảng nhân và làm quan, mà là người đặt nền móng cho quốc sử dân tộc. Vâng lệnh của vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi, sơ sài của thời nhà Lý và cùng thời để biên soạn lại, hoàn thiện bộ quốc sử có tên “Đại Việt sử ký” từ thời Triệu Vũ Đế (năm 207 trước công nguyên) đến đời Lý Chiêu hoàng (năm 1244) gồm 30 quyển, đã được vua Trần Thánh Tông hết sức khen ngợi.
Tác phẩm “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu được đánh giá bộ quốc sử ghi dấu mốc quan trọng đầu tiên cho nền sử học nước nhà phát triển. Về điều này, sử gia Ngô Sĩ Liên thời Lê Sơ đã viết: “Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi”.
Trước lễ kỷ niệm, các đại biểu dự lễ đã tham dự lễ khánh thành và dâng hương Đền thờ Lê Văn Hưu tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.
Đền thờ Lê Văn Hưu ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nguyện vọng của Nhân dân và các cấp chính quyền muốn sớm được đầu tư tu bổ, tôn tạo nơi thờ tự nhà sử học Lê Văn Hưu cho khang trang xứng tầm.
Ngày 26/12/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu. Trên cơ sở đó, ngày 11/3/2019 UBND huyện Thiệu Hóa đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa có quy mô và nội dung đầu tư gồm 9 hạng mục công trình được chia làm 3 giai đoạn đầu tư (từ năm 2018 - 2022) với tổng mức đầu tư trên 29 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ là 10 tỷ đồng). Đến nay đền thờ đã hoàn thành đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.
Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, Đền thờ Lê Văn Hưu sẽ là điểm đến linh thiêng, đáp ứng nguyện vọng của toàn thể con cháu họ Lê Việt Nam nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung. Đồng thời trở thành địa chỉ để giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý chí, tinh thần vượt khó của ông cha ta và lan tỏa tinh thần đoàn kết thực hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên với lòng thành kính và biết ơn nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam.