Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh (2/9): Nhà văn Học Phi kể chuyện chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Định 8/1945

Suốt đêm 20/8/1945, cả thành phố Nam Định sục sôi không khí chuẩn bị khởi nghĩa. Hôm sau 21/8, tất cả công nhân, viên chức đều nghỉ việc. Mọi người đổ ra đường. Phố xá nhộn nhịp như một ngày hội lớn. Và đến trưa thì từ các điểm tập kết trong thành phố, từ các làng lân cận, từng đoàn người tay cầm cờ, rầm rập bước đi trong ánh nắng rực rỡ tiến về khu vườn hoa trước cửa tòa thị chính.

Sinh thời, nhà văn Học Phi - người được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công đưa đội Danh dự Việt Minh từ Hà Nội xuống Nam Định phối hợp với Đảng bộ địa phương khởi nghĩa giành chính quyền đã kể lại.

* *
*

Nhà văn Học Phi (Tư liệu Nhân vật cung cấp)

Nhà văn Học Phi (Tư liệu Nhân vật cung cấp)

Đội Danh dự thường gọi tắt là D.D - được thành lập vào đầu năm 1945, theo Nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Khi mới thành lập, đội trực thuộc Thành ủy Hà Nội, nhiệm vụ chính của đội là tiễu trừ những tên Việt gian đầu sỏ. Sau đó, Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách và đổi tên là Danh dự đội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Trân và Thường vụ Xứ ủy Nguyễn Khang. Đội Danh dự Việt Minh đã thực hiện mấy vụ trừ gian nổi tiếng: Giết Phán Sinh - thanh tra mật thám ở đầu làng Mọc, bắn chết Nga Thiên Hương ở phố Hàm Long… đã làm chấn động dư luận Hà Nội hồi ấy.

Ngay chiều ngày 19/8/1945, ông Học Phi cùng anh em tất bật chạy ngược, chạy xuôi để lo súng đạn, xe cộ và xin thêm quân số. Vì lực lượng đội Danh dự quá mỏng, quân số của đội chỉ có hơn 10 người, Xứ ủy bổ sung cho một số Thanh niên Xung phong Hoàng Diệu. Ngày 20/8/1945, đoàn xuất phát từ sáng sớm rời Hà Nội xuống Nam Định trên hai chiếc ô tô cọc cạch trưng dụng. Nhà văn Học Phi kể lại:

“Mặc dầu đã ba đêm liền hầu như thức trắng, tôi vẫn không thấy buồn ngủ. Các anh chị em khác cũng vậy. Họ đều còn rất trẻ, tất cả mới chỉ trên dưới hai mươi tuổi, rất hăng say, vui nhộn. Dọc đường không lúc nào ngớt tiếng cười đùa”.

Vừa qua cầu Giẽ thì đoàn thấy một chiếc xe con cắm cờ Việt Minh từ phía Phủ Lý đi lên. Khi hai xe đối đầu nhau, một người bé nhỏ từ xe bên kia bước xuống, giơ tay ra vẫy. Ông Học Phi nhận ra ngay đó là ông Bùi Xuân Mẫn, một trong bảy người đã vượt ngục Hỏa Lò ra cuối năm 1932 cùng với ông Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo... Ông Mẫn nói với ông Học Phi, ông được anh em ở dưới Nam Định cử lên Hà Nội để xin chỉ thị khởi nghĩa. “Chỉ thị của Xứ ủy đây rồi – ông Học Phi nói - Nếu đồng chí không có việc gì khác ở Hà Nội thì cùng về với chúng tôi để tiến hành công việc”. Vậy là ông Bùi Xuân Mẫn liền quay đầu xe cùng trở về Nam Định với đoàn Hà Nội.

Hơn một tiếng sau 3 chiếc xe ô tô về đến tỉnh lỵ Nam Định. Theo lời kể của nhà văn Học Phi, Ban cán sự tỉnh Nam Định lúc ấy không có ai ở trong thành phố, tất cả còn ở nông thôn, chỉ có một số cán bộ cũ mới ở tù ra, chưa bắt liên lạc được với Đảng. Trong số này có các ông Trần Văn Mạc, Vũ Đức Oong đã ở trong Ban cán sự Tỉnh ủy cũ.

“Các đồng chí cho biết hôm trước đã tổ chức mít tinh ở Lò Trâu kêu gọi quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, nhưng còn phải đợi lệnh trên – Ông Học Phi kể - Như vậy là điều kiện khởi nghĩa ở Nam Định đã chín muồi, cần phải cướp thời cơ nổi dậy cướp chính quyền ngay, rồi sẽ liên lạc với Ban cán sự tỉnh sau. Để chậm thì lỡ mất thời cơ.”

Một thành viên cùng đi trong đoàn Hà Nội về Nam Định hôm đó là ông Cao Tâm đã viết trong hồi ức “Đội Danh dự Việt Minh” cho biết thêm: “Dọc đường, chúng tôi gặp xe của anh Bùi Xuân Mẫn, cán bộ tỉnh Nam Định, lên Hà Nội để xin chỉ thị khởi nghĩa ở Nam Định. Anh Học Phi cho anh Mẫn biết đã có chỉ thị của Xứ ủy rồi và anh Mẫn cùng chúng tôi về ngay Nam Định.

Khách tham quan nghe giới thiệu về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định là những vũ khí được quân, dân Nam Định sử dụng để chiến đấu giành chính quyền trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh : Viết Dư

Khách tham quan nghe giới thiệu về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định là những vũ khí được quân, dân Nam Định sử dụng để chiến đấu giành chính quyền trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh : Viết Dư

Về đến Nam Định, chúng tôi được biết sau cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng ở thành phố Nam Định tối 18/8 thì ngày 19/8 các anh ở địa phương họp mít tinh quần chúng ở Chợ Trâu và đấu tranh buộc bọn Nhật phải thả các tù chính trị mà chúng đang giam giữ, trong đó có anh Đặng Châu Tuệ. Sau này, khi chúng tôi gặp lại anh Tuệ đã nghỉ hưu ở thị xã Hà Đông, anh Tuệ cho biết, ngày 19/8, khi được thả ra, anh đã gặp ngay được anh Hà Kế Tấn và bàn bạc định ngày 23/8 sẽ khởi nghĩa.

Chiều và tối 20/8, anh Học Phi họp cùng các anh ở địa phương bàn và quyết định ngày 21/8 sẽ tổ chức mít tinh quần chúng trong thành phố và cướp chính quyền”.

Tại cửa hàng bán tơ lụa Liên Thái, ông Học Phi đã cùng đoàn Hà Nội họp bàn kế hoạch phối hợp hoạt động với địa phương. Năm 2010, trò chuyện với người viết bài này, dù sự kiện trôi qua đã sau 65 năm nhà văn Học Phi vẫn nói rành rõ:

“Cũng như ở Hà Nội trong hai đêm 17 và 18, suốt đêm hôm ấy cả thành phố Nam Định sục sôi không khí chuẩn bị khởi nghĩa. Hôm sau, 21/8, tất cả công nhân, viên chức đều nghỉ việc. Mọi người đổ ra đường. Phố xá nhộn nhịp như một ngày hội lớn. Và đến trưa thì từ các điểm tập kết trong thành phố, từ các làng lân cận, từng đoàn người tay cầm cờ, rầm rập bước đi trong ánh nắng rực rỡ tiến về khu vườn hoa trước cửa Tòa thị chính”.

Đúng 3 giờ chiều ngày 21/8/1945, cuộc mít tinh tại tỉnh lỵ Nam Định bắt đầu. Một vị đại diện trong Ủy ban Khởi nghĩa nói mấy câu về sự đầu hàng của quân đội Nhật, về tình hình khởi nghĩa ở các nơi. Sau đó, ông Học Phi được mời lên lên đọc bản hiệu triệu.

“Bản hiệu triệu rất ngắn – nhà văn Học Phi nhớ lại – vì mãi đến trưa tôi mới bố trí được thì giờ để viết. Chủ yếu là dựa vào bản hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh, thêm một đoạn tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn ở Nam Định, thành lập chính quyền cách mạng”.

Mít tinh kết thúc, theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, quần chúng chia thành từng đoàn đi theo các đội tự vệ đến chiếm các công sở. Ông Học Phi dẫn một bộ phận đến chiếm dinh tỉnh trưởng. Lúc này, Tỉnh trưởng Nam Định đã đợi sẵn ở trước cửa, cung kính mời đoàn cán bộ Việt Minh lên bàn giấy giao nộp ấn tín, hồ sơ, tài liệu và đưa đoàn đi xem các nơi.

“Lúc 3 giờ chiều 21/8/1945, Đội Danh dự chúng tôi cũng dự cuộc mít tinh quần chúng, trong đó có anh Học Phi đọc lời hiệu triệu. Sau cuộc mít tinh theo kế hoạch đã định, anh Học Phi cùng anh Đặng Châu Tuệ và Đội Danh dự cùng một bộ phận đông đảo quần chúng đi chiếm dinh Tỉnh trưởng. Đến nơi, tỉnh trưởng Nguyễn Huy Xương đã sẵn sàng giao lại ấn tín” (Cao Tâm - Đội Danh dự Việt Minh).

Nhận bàn giao Dinh tỉnh trưởng xong, ông Học Phi bố trí một đội tự vệ ở lại canh gác, rồi sang Sở mật thám. Cùng đi với ông có 3 thành viên trong đội Danh dự và ông Đặng Châu Tuệ.

Gần tối, Ủy ban Khởi nghĩa đã chiếm được gần hết các công sở, chỉ còn trại Bảo an binh là gặp trở ngại. Viên chỉ huy lính bảo an nhận đầu hàng, nhưng không chịu nộp vũ khí. Thuyết phục không được, ông Học Phi chỉ đạo anh em về nghỉ ngơi, hôm sau sẽ giải quyết.

“Tối hôm ấy tôi đến tòa thị chính họp với các đồng chí địa phương để bầu Ủy ban tỉnh. Có 5 đồng chí trúng cử, được phân công như sau: Đồng chí Đặng Châu Tuệ - Chủ tịch. Đồng chí Hà Kế Tấn - Phó Chủ tịch. Ba ủy viên nữa là Trần Văn Mạc, Bùi Xuân Mẫn và Vũ Đức Oong. Hội nghị còn thảo luận một số vấn đề cấp bách trước mắt nữa, đến quá nửa đêm mới giải tán”./.

Kiều Mai Sơn

Nhà văn Học Phi (1913 – 2014) tên thật là Chu Văn Tập, sinh tại tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi. Sau Cách mạng Tháng 8, ông làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Hưng Yên, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu (người Nam Định), Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957 - 1983). Nhà văn Học Phi được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (1996).

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202408/ky-niem-79-nam-ngay-cach-mang-thang-8-va-quoc-khanh-29-nha-van-hoc-phi-ke-chuyen-chi-dao-khoi-nghia-gianh-chinh-quyen-o-nam-dinh-81945-eb206e6/