Kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon
Ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon năm 2019, với chủ đề '32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ozon'. Đây là dịp để các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực, để giữ gìn môi trường sống của nhân loại.
Việt Nam và các nước trên thế giới cần nỗ lực hơn nữa để loại trừ các chất HCFC, bảo vệ tầng ozon.
Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon (thuộc Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozon) ký kết năm 1987 tại Montreal, Canada, được đánh giá là một trong những hiệp ước quốc tế về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thành công nhất trong lịch sử. Tháng 12/1994, Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 49/114 lấy ngày 16/9 là Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ozon. Hằng năm, tất cả các nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm trọng thể này. Kể từ đó đến nay, Ngày quốc tế về Bảo vệ tầng ozon là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực bảo vệ tầng ozon, giữ gìn môi trường sống của nhân loại vì sự phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: “Mục tiêu của sự kiện này nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon; nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozon tới các ngành, các cấp, cộng đồng và toàn xã hội.
Mục tiêu của sự kiện này nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon; nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozon tới các ngành, các cấp, cộng đồng và toàn xã hội. Trong nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ozon, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozon, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau 32 năm thực hiện Nghị định thư Montreal đã loại bỏ 99% các chất làm suy giảm tầng ozon có trong tủ lạnh, điều hòa và nhiều sản phẩm khác”.
Theo báo cáo đánh giá gần đây (năm 2018), cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỷ lệ phục hồi của tầng ozon là 1-3%. Với tỷ lệ phục hồi như vậy, tầng ozon ở Bắc Bán Cầu sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2030; đến năm 2050 tầng ozon tại Nam Bán cầu và đến năm 2060 tại những vùng cực Nam bán cầu sẽ được khôi phục hoàn toàn. Những nỗ lực bảo vệ tầng ozon đã đóng góp cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua ngăn ngừa phát thải khoảng 135 tỷ tấn CO2 tương đương từ năm 1990 đến năm 2010.
Bà Caitlin Wiesen - Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, Trưởng Đại diện UNDP Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozon và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon kể từ tháng 01/1994, cam kết tuân thủ các quy định của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal.
Các chất làm suy giảm tầng ozon bị kiểm soát, loại trừ theo quy định của Nghị định thư Montreal bao gồm: CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromide; các chất này được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu”.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II).
Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018-2023, nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Dự kiến, hơn 80 doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt.
Dự án cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường năng lực về quản lý, loại trừ các chất HCFC; nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam hoàn thành đề xuất Dự án giai đoạn III từ 2023 -2030, trình Quỹ Đa phương xem xét tài trợ cho việc loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC theo đúng lộ trình.
Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã chính thức ký kết Hiệp định tài trợ vào tháng 3/2019. Đến nay, các hoạt động trong khuôn khổ Dự án đã và đang được tích cực triển khai thực hiện. Hội thảo khởi động dự án đã giới thiệu các hoạt động chính, công tác quản lý của Ngân hàng Thế giới áp dụng cho dự án, các tiêu chí tham gia chuyển đổi công nghệ, kinh nghiệm quốc tế và công nghệ thay thế trong lĩnh vực dung môi tẩy rửa và chữa cháy, làm lạnh công nghiệp và điều hòa không khí gia dụng.