Ký sinh trùng xuất hiện ở nhiều nam giới Việt, gây biến chứng nguy hiểm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng chứng nhận Việt Nam là quốc gia không có giun rồng. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, loại ký sinh trùng này xuất hiện ở một số người đàn ông, nghi ngờ do thói quen ăn uống.
Ngày 1/4, tại hội nghị Khoa học toàn quốc về ký sinh trùng lần thứ 51, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng - Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương (Hà Nội) cho biết, hiện nay thực trạng nhiễm ký sinh trùng tại nước ta có nhiều thay đổi.
Theo ông Dũng, năm 1998, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát chứng nhận Việt Nam là quốc gia không có giun rồng nhưng đến năm 2020, loài ký sinh trùng bắt đầu xuất hiện.
Trong 5 năm qua, cả nước ghi nhận 24 ca nhiễm, đều là đàn ông ở 5 tỉnh, thành gồm: Yên Bái (11 ca), Phú Thọ (8 ca), Lào Cai (2 ca), Hòa Bình (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca). Bệnh nhân thường có thói quen ăn thịt động vật chưa nấu chín như cá, ếch, rắn và uống nước lã. Ấu trùng giun rồng vào cơ thể trong 10-12 tháng sẽ phát triển thành giun tìm cách chui ra ngoài.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng chia sẻ về bệnh giun rồng. Ảnh: Thanh Loan.
Trước tình hình trên, WHO đưa ra khuyến cáo, Việt Nam cần giám sát, truyền thông giáo dục sức khỏe, nghiên cứu dịch tễ loại giun này.
Hiện chưa có biện pháp xét nghiệm phát hiện, thuốc điều trị và vắc xin phòng giun rồng. Việc điều trị chủ yếu chờ giun chui ra khỏi da và lấy từ từ. Theo Phó Giáo sư Dũng, một con giun rồng dài từ 70cm-1,2m, việc chờ giun chui ra có thể vài ngày hoặc cả tháng.
WHO khuyến cáo bác sĩ không nên kéo làm đứt gãy hay phẫu thuật rạch cố lấy giun ra. Một con giun rồng có tới 3-4 triệu ấu trùng; khi đứt gãy, ấu trùng và các chất độc giải phóng ra ngoài lây lan và tăng phản ứng viêm nhiễm. Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp, áp xe do giun chết.
Để phòng giun rồng nói riêng và các bệnh ký sinh trùng nói chung, Phó giáo sư Dũng khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi; thường xuyên tiến hành vệ sinh môi trường, nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân; không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông; diệt ruồi, nhặng, gián.