Kỹ sư diệt sâu bằng vỏ quế kiếm trăm tỷ

Kỹ sư nông nghiệp Hồ Phúc Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ quốc tế Tipto Mã Lai (TP.HCM) đã biến vỏ quế thành chế phẩm sinh học (Bacte) bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất cây trồng, an toàn cho con người và môi trường.

Cứu cả tỷ đồng cho nông dân

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Huỳnh Văn Dũng (thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, tỉnh Đắk Nông) không thể quên khoảng thời gian đen tối khi cả vườn sầu riêng của anh bị tàn phá nặng nề bởi tuyến trùng và nấm bệnh.

Anh Hồ Phúc Nguyên (giữa) và chế phẩm Bacte dùng diệt sâu cho dưa lưới, dưa hấu tại Jeonju- si, Jeon-Ju, Hàn Quốc.

Anh Hồ Phúc Nguyên (giữa) và chế phẩm Bacte dùng diệt sâu cho dưa lưới, dưa hấu tại Jeonju- si, Jeon-Ju, Hàn Quốc.

Những gốc sầu riêng xanh tốt bỗng dưng vàng úa, rễ thối dần, rồi cây chết nhanh trong vòng vài tuần. Vườn của anh đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn, phải chặt đi một số cây để tránh lây lan.

Trong lúc khó khăn, anh được một người bạn giới thiệu chế phẩm sinh học Bacte chiết xuất từ vỏ quế.

Anh Dũng kể, khi mới tiếp cận Bacte, anh không kỳ vọng nhiều, nhưng "có bệnh thì vái tứ phương". Sau ba tuần, rễ cây bắt đầu hồi phục, lá dần xanh trở lại. Khu vườn anh đã tưởng không thể cứu lại dần hồi sinh.

Tương tự, mùa sầu riêng vừa qua, chị Nguyễn Thị Hạnh (Châu Thành, Tiền Giang) đối mặt nguy cơ mất trắng 5ha khi cây bị tuyến trùng và nấm bệnh tàn phá. Lá cây vàng, rụng, rễ thối, trái non rụng đầy gốc.

Chị chữa cho cây bằng nhiều cách, nhưng chỉ phục hồi sau khi sử dụng chế phẩm sinh học Bacte. Vụ đó, chị thu về gần 1,5 tỷ đồng thay vì nguy cơ mất trắng.

Anh Hồ Phúc Nguyên cho biết, Bacte đang có 24 mã sản phẩm, được sử dụng để phòng trị nhiều bệnh phổ biến cho các cây trồng khác nhau: Sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, bưởi, cam, khoai lang…

Bacte hiện không chỉ cung cấp, phân phối cho nông trại, đại lý mà còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Indonesia, Hàn Quốc và Úc - những quốc gia hàng đầu về nông nghiệp.

Không chia sẻ doanh thu, song anh Nguyên cho hay, năm nay doanh thu công ty tăng đột biến, đến thời điểm hiện tại đã đạt kế hoạch cả năm 2024 và gần đạt kế hoạch năm 2025. Bacte đặt mục tiêu doanh thu 250 tỷ đồng vào năm 2029.

Thương mại hóa đề tài khoa học

Bacte là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học năm 2012 do anh Nguyên và TS Nguyễn Đăng Minh Chánh, Viện Cây lương thực Việt Nam thực hiện.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học bảo vệ thực vật Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay Bacte thành công khi đạt được hiệu quả cao.

Đây là một nghiên cứu sáng tạo, khả thi, tạo ra chế phẩm từ các loại giáp xác như côn trùng, vỏ tôm, cua kết hợp với tinh dầu quế.

Sản phẩm là tín hiệu tốt cho người nông dân Việt trong vun bón cây trồng cũng như bảo vệ được hệ sinh thái nông nghiệp nước ta.

Mục tiêu đề tài là tìm ra chế phẩm sinh học từ vỏ cây quế để phòng trừ hiệu quả tuyến trùng và nấm bệnh gây hại rễ cây cà phê và hồ tiêu tại Tây Nguyên, góp phần giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư hóa chất trên sản phẩm.

Anh Nguyên nhớ lại thời điểm đó, nhiều nơi trong nước gặp khó khăn khi trị bệnh cho nông sản. Hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc hóa học) được người dân sử dụng rộng rãi với mong muốn trị sâu bệnh nhanh.

Anh nhận thấy, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu tuy hiệu quả tức thời nhưng để lại hậu quả lâu dài trên đất và cây trồng. Chi phí sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bằng hóa chất cũng khiến đội chi phí nông sản khá lớn.

Nhớ lại đề tài nghiên cứu khoa học đã làm, nhận thấy đây là cơ hội để ứng dụng từ trường học vào thực tiễn, anh quyết định nghiên cứu sâu và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.

"Đốt" 11 tỷ mới ra sản phẩm

Cũng như nhiều startup khác, anh Nguyên đã "đốt" khá nhiều tiền cho những lần thất bại. Thời điểm trên, công nghệ chiết xuất hoạt chất từ vỏ quế là một thách thức khi đây là công nghệ mới tại Việt Nam, tài liệu tham khảo, kinh nghiệm thực tiễn không nhiều.

Ngoài phân phối trong nước, chế phẩm Bacte còn xuất khẩu sang một số quốc gia như Indonesia, Hàn Quốc và Úc.

Ngoài phân phối trong nước, chế phẩm Bacte còn xuất khẩu sang một số quốc gia như Indonesia, Hàn Quốc và Úc.

Những sản phẩm đầu tiên không đạt hiệu quả, tuyến trùng không bị tiêu diệt hoàn toàn, trong khi nấm bệnh vẫn phát triển mạnh mẽ trên cây trồng.

Anh và đồng nghiệp vừa làm vừa thử, thử đi thử lại nhiều lần để cải tiến quy trình, nâng cao tính hiệu quả và ổn định của sản phẩm. Ròng rã 8 năm, anh mất 11 tỷ đồng cho công trình nghiên cứu để đủ điều kiện được cấp bằng sáng chế.

Anh Nguyên kể, năm 2018, công ty gặp biến cố, phá sản, anh phải bán đi 4 căn nhà để trả nợ vẫn không đủ. Nợ nần chồng chất, anh đã tính nước bỏ ngang.

Sau nhiều ngày thương lượng, anh được chủ nợ cho giãn nợ 2 năm. Đến thời gian đó, anh đã hoàn thành đề tài nghiên cứu, đủ điều kiện thương mại hóa.

Ngày mới gia nhập thị trường, Bacte đối diện với hoài nghi của khách hàng, cạnh tranh với các sản phẩm hóa học có tác dụng nhanh chóng. Để hóa giải hoài nghi này, anh đã đến tận nơi thăm khám cây khi nhận tin từ chủ vườn.

Anh ăn ngủ tại vườn để tìm cho ra được nguyên nhân, điều trị cho cây đến khi phát triển trở lại. Anh Nguyên lập riêng một kênh trên mạng xã hội để điều trị cây online cho người dân, vừa tranh thủ truyền thông, marketing, giúp thương hiệu cá nhân và Bacte tiếp cận và dần hiện hữu trên thị trường. Sản phẩm từng bước được thị trường đón nhận, giúp anh và doanh nghiệp từng bước hồi sinh.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật với công suất hơn 300.000 tấn/năm và sản xuất được 30 dạng thuốc; 87/96 cơ sở sản xuất nằm trong khu công nghiệp, trong đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có 60 cơ sở, chiếm 61,85%; các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có 26 cơ sở, chiếm 26,8%.

Theo Chủ tịch Hội Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn, bình quân mỗi năm lượng thuốc nhập khẩu về Việt Nam khoảng 100.000 tấn. Việc phát triển công nghệ gia công thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam có vai trò rất quan trọng, cho phép chủ động nguồn cung ứng.

Nguyễn Hùng

Ngọc Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-su-diet-sau-bang-vo-que-kiem-tram-ty-19224112122480208.htm