Kỹ sư nông nghiệp Bắc Giang trên vùng đất khó Xay Sổm Bun (Lào)

Sang tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ nông dân thực hiện các mô hình trồng trọt và chăn nuôi thủy sản, hai kỹ sư nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã có những trải nghiệm, kỷ niệm đáng nhớ.

Người dân Xay Sổm Bun nhận cây giống cam, vải thiều.

Người dân Xay Sổm Bun nhận cây giống cam, vải thiều.

Lo cho cá hơn lo cho người

Giữa tháng 8/2023, kỹ sư Trần Thị Oanh, Phó trưởng Phòng khuyến nông - Chăn nuôi thủy sản (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang) sang tỉnh Xay Sổm Bun để hỗ trợ nông dân tỉnh bạn mô hình nuôi cá. Trước khi đi, chị đã tìm hiểu rất kỹ về điều kiện tự nhiên cũng như khí hậu, giao thông của tỉnh Xay Sổm Bun. Thế nhưng khi đặt chân đến đây, nữ kỹ sư trẻ này vẫn không tránh khỏi bất ngờ.

Sang đây vào đúng mùa mưa, thuận là các hồ ao, khu nuôi cá tha hồ nước, nhưng lại khó khăn khi vận chuyển cá giống từ Việt Nam sang. Mưa liên tục, tuyến đường dự định đi ban đầu bị sạt lở nghiêm trọng, cả đoàn xe chở cá giống phải quay đầu đi đường khác xa hơn đến gần 300 km, kéo dài thời gian di chuyển như vậy nên chị Oanh vô cùng lo lắng.

“18 nghìn con cá giống (rô phi, chép lai, trắm cỏ) phải đóng bao sục ô xy để vận chuyển, bảo đảm sang đến nơi cá vẫn ổn định. Thế nhưng quãng đường xa hơn nhiều so với dự kiến khiến tôi nơm nớp lo. Đường nhầy nhụa, đất kết dính khó đi, lại nhiều đèo dốc, đoạn cua khúc khuỷu, xe ô tô lắc lư cảm giác như người bật khỏi xe khiến cơ thể mệt mỏi, chóng mặt nhưng không lo bằng sợ cá bị chết vì quãng đường đi xa quá. Đến nơi thấy cá vẫn quẫy mà tôi mừng rơi nước mắt”- chị Oanh kể.

Theo tìm hiểu thì cá giống sản xuất trong nước Lào rất ít và hiếm. Trung tâm giống thủy sản của tỉnh Xay Sổm Bun chỉ sản xuất chưa đến 100.000 con cá giống mỗi năm, số này không bằng một hộ gia đình ở Việt Nam nuôi trong một vụ. Vì vậy khi biết có tỉnh Bắc Giang sang tận nơi hỗ trợ cá giống, bà con hồ hởi đón nhận. Những ngày tập huấn kỹ thuật, bà con đến sớm, đông đủ và hỏi nhiều lắm, họ cần kiến thức thực sự nên rất chăm chú lắng nghe, hỏi cặn kẽ từng công đoạn, ghi chép từng chi tiết.

Cùng với mang cá giống từ Việt Nam sang, Đoàn cán bộ nông nghiệp tỉnh Bắc Giang còn mang theo hơn 4 tấn thức ăn cho cá, 32 kg chế phẩm sinh học, 35 kg hóa chất tẩy rửa, thau nuôi ao hồ. Chị Oanh cho biết: Qua theo dõi thấy nước nuôi cá ở đây rất tốt, luân chuyển đều. Tuy nhiên do điều kiện canh tác chưa cao, kỹ thuật hạn chế, hầu như bà con không cải tạo ao nuôi nên chị Oanh còn hướng dẫn bà con trước khi đưa cá vào nuôi phải khử bằng vôi.

Khi mang cá giống sang, trọng lượng khoảng 300 con/kg. Bước đầu bà con đã hiểu được một phần kỹ thuật và cách chăm sóc cá nên đến nay sau 4 tháng nuôi, mỗi con đã nặng khoảng 7 lạng. "Bà con quay video ao nuôi cá, bắt cá lên và rất phấn khích. Bên đó cá trọng lượng như thế này đã là quá to, trong khi đó ở Bắc Giang trọng lượng tối thiểu phải 2,5 kg/con mới thu hoạch. “Cá được ăn rồi, bắt lên để chụp ảnh và đãi khách thôi”- bà con khoe, nhưng tôi bảo là chưa ăn được đâu, mỗi con phải nặng gấp ba lần như thế mới ăn được”- chị Oanh vui vẻ kể. Là người trực tiếp hướng dẫn bà con nên chị Oanh rất vui vì đã góp một phần vào thành công bước đầu của mô hình nuôi cá giúp tỉnh bạn.

Một mình làm 3 mô hình

Lần đầu tiên sang Lào để hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn và bàn giao các mô hình trồng trọt cho tỉnh Xay Sổm Bun, kỹ sư Hà Đức Thảo, Phó trưởng Phòng Khuyến nông - Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang vừa vui nhưng vừa bỡ ngỡ, lo lắng.

Đoàn đi ô tô sang đến Thủ đô Viêng Chăn rồi tiếp tục hành trình chừng 230 km nữa mới đến tỉnh Xay Sổm Bun. Cây giống mang sang lại toàn là cây ghép, chiết bầu, do đường xa nên phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng. Bên cạnh đó, mô hình trồng cam, vải thiều hiệu quả chưa thể thấy ngay như nuôi cá mà phải qua nhiều năm mới đánh giá được.

Chuyến đi này, một mình anh Thảo phụ trách 3 mô hình. Đó là tập huấn kỹ thuật sản xuất giống lúa BC15; trồng vải thiều và cam V2. Sang đến nơi thấy đất nông nghiệp ở đây rộng mênh mông, có độ màu mỡ cao nhưng bà con canh tác rất ít, chủ yếu là cấy lúa nước (mà hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời) và trồng sắn; diện tích cây ăn quả, rau màu không nhiều; kiến thức, kỹ thuật về trồng trọt cũng hạn chế. Điều khó nhất tưởng là ngôn ngữ giao tiếp nhưng không phải, ở Xay Sổm Bun rất nhiều cán bộ biết tiếng Việt nên việc tập huấn kỹ thuật cũng không gặp nhiều trở ngại.

Về trồng lúa, Bắc Giang mang sang 550 kg thóc giống BC15 để sản xuất trên diện tích khoảng 11 ha. Anh Thảo hướng dẫn bà con gieo mạ, tầm 20-25 ngày thì nhổ cấy. Do giống lúa này đẻ nhánh khỏe nên chỉ cấy 2 rảnh (trước kia bà con cấy từ 5-7 rảnh). Anh giải thích với bà con rằng nếu cấy nhiều rảnh, sau này lúa đẻ nhánh sẽ dày rít như ruộng mạ, ảnh hưởng đến năng suất.

Hay như khi trồng vải thiều, cam thì yêu cầu quan trọng nhất là đất phải thoát nước, tầng đất dày, cây giống bảo đảm giữ cho cây khỏi lay gốc, trồng theo đường đồng mức và phải có băng cây chống xói mòn. Khoảng cách trồng bao nhiêu, đào hố rộng, sâu thế nào, bón phân lót, cách trồng, chăm sóc, tưới nước, bón phân từng đợt ra sao… cũng được anh hướng dẫn tận tình.

Nông dân tỉnh Xay Sổm Bun chăm sóc lúa.

Nông dân tỉnh Xay Sổm Bun chăm sóc lúa.

Do thời gian ở tỉnh Xay Sổm Bun chỉ có một tuần nên việc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con tiếp tục được thực hiện online qua mạng Internet, qua video. Anh Thảo vẫn thường xuyên liên lạc với cán bộ nông nghiệp của tỉnh, đau đáu theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, cam, vải thiều với mong muốn các mô hình nông nghiệp mà tỉnh Bắc Giang trao tặng tỉnh Xay Sổm Bun có được hiệu quả cao nhất.

Là cầu nối đưa tiến bộ khoa học trồng trọt, chăn nuôi tới người dân tỉnh Xay Sổm Bun, tạo cho bà con thêm niềm tin, động lực sản xuất, đối với anh Thảo, chị Oanh không chỉ là trách nhiệm của công việc mà còn là tình cảm của Bắc Giang đối với tỉnh kết nghĩa Xay Sổm Bun.

Tuấn Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/417265/ky-su-nong-nghiep-bac-giang-tren-vung-dat-kho-xay-som-bun-lao-.html