Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 định hình xu hướng mới về giáo dục phổ thông

Từ phổ điểm cho thấy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã đạt được các giá trị giáo dục, định hình xu hướng mới về giáo dục phổ thông.

GS.TS Phạm Hồng Quang chia sẻ về phổ điểm tại hội nghị thông tin về phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Trần Hiệp.

GS.TS Phạm Hồng Quang chia sẻ về phổ điểm tại hội nghị thông tin về phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Trần Hiệp.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục cho rằng: Mục tiêu của giáo dục là “phát triển toàn diện con người Việt Nam…”, nhằm đánh thức tiềm năng, năng lực của mỗi học sinh khác nhau.

Tư duy giáo dục hiện đại là tự học, mỗi cá nhân được có quyền lựa chọn tương lai của mình theo năng lực. Quá trình giáo dục con người cần bền bỉ, lâu dài và có nhiều khó khăn.

Phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được biểu thị trên cơ sở dữ liệu đã khẳng định điều trên ở mức độ đạt yêu cầu, đảm bảo mục tiêu xác nhận trình độ phổ thông, cơ bản, nền tảng, được phân loại, và được sử dụng xét tuyển vào đại học có độ tin cậy.

“Phân loại là quá trình nhận diện và phân bố người học vào các nhóm có trình độ tương ứng; từ đó định hướng đào tạo, phân bổ nguồn lực và xây dựng lộ trình học tập cá nhân hóa. Kỳ thi vừa xét tốt nghiệp, căn cứ để tuyển sinh đại học, do vậy phân loại là bắt buộc. Về quản lý, giải pháp này là tiết kiệm, là hiệu quả, ai cũng thấy rõ.

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 đảm bảo mục tiêu xác nhận trình độ phổ thông, cơ bản, nền tảng, được sử dụng xét tuyển vào đại học có độ tin cậy.

GS.TS Phạm Hồng Quang

Cần chấm dứt tư duy điểm số tuyệt đối vốn đang ngày càng lỗi thời trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục. Học là quá trình, thi chỉ là một khâu xác nhận với cá nhân”, GS.TS Phạm Hồng Quang nêu quan điểm.

Trả lời câu hỏi “Điểm số có ý nghĩa gì?”, GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng: Một điểm số chỉ thực sự có giá trị trong bối cảnh, con người cụ thể với mặt bằng học lực ra sao. Điểm cao của học sinh chuyên với học sinh lớp đại trà nếu thiếu yếu tố bối cảnh môi trường sẽ chỉ báo không chuẩn.

Đặc điểm vùng, miền với điều kiện học tập rất khác nhau cũng là yếu tố cần nhìn nhận rộng hơn vấn đề đang được gọi là “chuẩn”.

Ví dụ, với điểm thi môn Tin học, trong tốp 10 tỉnh có điểm trung bình cao nhất lại là các tỉnh vùng khó (theo địa danh cũ) như: Lai châu, Sơn la, Gia lai, Tuyên quang, Phú thọ, Hòa bình… Nhiều tỉnh vùng khó có thí sinh top 10 một số môn. Điều này, theo GS.TS Phạm Hồng Quang, thể hiện nỗ lực trong đổi mới cách dạy, học của các địa phương, cũng như hiệu quả của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm.

“Khi xét nhập học của học sinh, một số nước coi trọng bài luận và giới thiệu của giáo viên về học sinh đó để cung cấp thêm ngữ cảnh đánh giá. Đánh giá không thể tách rời môi trường nơi năng lực ấy được hình thành thế nào, bằng cách nào.

Nếu đề thi quá dễ, phổ điểm sẽ “đồng phục điểm số”, niềm tin của các trường đại học sẽ không có và sẽ thiếu công bằng cho các em học vượt trội. Yêu cầu cao là nguyên tắc trong dạy học và đánh giá đúng năng lực từng em là yêu cầu dạy học”, GS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh thêm.

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, mỗi học sinh, qua quá trình học tập và qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tự xác nhận đúng năng lực bản thân và định vị cho mình học tiếp hay đi làm, hay học và làm, theo lộ trình phù hợp. Có như vậy, các em mới thực sự có hạnh phúc để phát huy vai trò phát triển cá nhân và đóng góp xã hội. Các nhà giáo dục và cả xã hội hãy giúp các em điều này.

Cần có lộ trình đánh giá Chương trình GDPT 2018 và lộ trình ra đề thi từ năm 2026, nhất là trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế sâu rộng, cả xã hội và các nhà chuyên môn không nên bàn về đề thi “dễ hay khó” mà hãy cùng nhau: đo lường và phân loại đúng năng lực người học; từ phía gia đình, xã hội và trường học làm trụ cột.

Nói về tác động trở lại của Kỳ thi tốt nghiệp THPT với cách dạy học, GS.TS Phạm Hồng Quang đánh giá cao đổi mới cách ra đề môn Ngữ văn. Đề ra đúng hướng phát triển hình thành năng lực khi học liệu trong sách giáo khoa là vật liệu để kiến tạo ý tưởng giáo dục.

Việc huy động kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lí, chính trị, hơi thở của cuộc sống… kích hoạt cảm hứng cho học sinh trong quá trình thi, quá trình dạy học.

Đánh giá chung, GS.TS Phạm Hồng Quang nhận định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã đạt được các giá trị giáo dục, định hình xu hướng mới về giáo dục phổ thông: cơ bản, nền tảng với triết lý coi trọng sự vững chắc trong học vấn nền tảng rộng, giúp các em có 3 khả năng là nhìn thế giới, tư duy khám phá và tư duy linh hoạt.

Hải Bình.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-dinh-hinh-xu-huong-moi-ve-giao-duc-pho-thong-post739850.html